Ngừng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ các vấn đề chuyển hóa, tim mạch

Theo một nghiên cứu mới đây, ngừng thở khi ngủ không được điều trị dù chỉ trong vài ngày có thể làm tăng đường huyết, nồng độ mỡ, các hormone stress và huyết áp.

Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở (OSA) ảnh hưởng tới 20-30% số người trưởng thành. Để tìm hiểu xem OSA ảnh hưởng thế nào tới chuyển hóa, nhóm nghiên cứu đã đo nồng độ acid béo trong máu, glucose, insulin và cortisol (một hormone stress) khi những người tham gia ngủ. Những người tham gia cũng được đo sóng não, nồng độ ôxy huyết, nhịp tim và thở, cử động mắt và chân. Tổng cộng, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ 31 bệnh nhân bị OSA từ mức trung bình đến nặng và có sử dụng liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) trong 2 đêm. Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 50,8 tuổi.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, ngừng sử dụng CPAP làm tái phát OSA có liên quan với ngủ kém, tăng nhịp tim và giảm ôxy huyết. Ngừng sử dụng CPAP cũng làm tăng nồng độ acid béo, glucose, cortisol và huyết áp. Tăng huyết áp và xơ cứng động mạch có thể góp phần gây bệnh tim mạch.

Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của liệu pháp CPAP đối với bệnh nhân OSA để phòng ngừa các vấn đề về chuyển hóa và tim mạch. Thi thoảng, bệnh nhân bị OSA có thể gặp khó khăn để thích ứng với CPAP. Điều quan trọng là những bệnh nhân này phải liên lạc với chuyên gia về giấc ngủ có thể hỗ trợ họ sử dụng CPAP hoặc có thể khuyến cáo các liệu pháp thay thế.

Các kết quả nghiên cứu được đăng trên số ra tháng 8 của tạp chí The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism.

BS P.Liên

(Theo sciencedaily)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ngung-tho-khi-ngu-lam-tang-nguy-co-cac-van-de-chuyen-hoa-tim-mach-n135939.html