Ngừng hoạt động sau khi vay CB, Đầu tư Phương Trang trở lại với khối nợ suýt tỷ đô

Đầu tư Phương Trang ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ ngày 29/12/2015 sau những lùm xùm với Trustbank. Sau đó, công ty này trở lại với khối nợ khổng lồ tăng dần đều và đạt tới con số gần 1 tỷ USD.

Ngừng hoạt động sau khi vay Trustbank

Hệ sinh thái Phương Trang của đại gia Nguyễn Hữu Luận có liên quan nhiều đến Trustbank (sau đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng - CB). Ngoài việc Xe khách Phương Trang “có mặt” trong đại án Trustbank, Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang (Đầu tư Phương Trang) đã cầm cố nhiều xe ô tô tại nhà băng này từ năm 2011 để vay số tiền tổng cộng 3.000 tỷ đồng.

Cuối năm 2016, CB thông báo sẽ kiện đòi nợ 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết hai "con nợ" là Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang và Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ ngày 29/12/2015.

Tuy nhiên, sau đó, Đầu tư Phương Trang đã quay trở lại. Tình trạng hiện tại của công ty này được xác định là “đang hoạt động”. Ngày hoạt động là 12/2/2003.

Lĩnh vực hoạt động của công ty là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Chi tiết: Kinh doanh nhà ở. Kinh doanh bất động sản”. Người đại diện pháp luật là ông Phạm Đăng Quan.

Ngoài ra, ông Phạm Đăng Quan là chủ Công ty cổ phần Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước, Công ty cổ phần P.V.C Thuận Phước, Công ty TNHH Hàn Hà và Công ty TNHH Thép Long An...

Đầu tư Phương Trang ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ ngày 29/12/2015 sau những lùm xùm với Trustbank. Sau đó, công ty này trở lại với khối nợ khổng lồ tăng dần đều và đạt tới con số gần 1 tỷ USD. Nhiều dự án địa ốc bị cầm cố trong đó có Đà Nẵng Times Square. Ảnh minh họa

Trở lại với khối nợ suýt tỷ đô

Sau khi ngừng hoạt động từ ngày 29/12/2015, Đầu tư Phương Trang đã quay trở lại hoạt động với khối nợ phình to theo năm và suýt đạt mức tỷ đô.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của Đầu tư Phương Trang lên đến 22.121 tỷ đồng (khoảng 973 triệu USD), tăng 483 tỷ đồng, tương đương 2,23% so với cuối năm 2020. Trước đó, chỉ tiêu này lần lượt là 21.638 tỷ đồng (năm 2020), 15.152 tỷ đồng (năm 2019), 8.511 tỷ đồng (2018) và 8713 tỷ đồng (năm 2017).

Như vậy, sau 5 năm, Nợ phải trả của Đầu tư Phương Trang tăng 13.408 tỷ đồng, tương đương 154%.

Cuối năm 2021, Nợ phải trả của Đầu tư Phương Trang cao gấp 6,7 lần Vốn chủ sở hữu và chiếm 87,1% Tổng nguồn vốn. Hồi cuối năm 2020, con số này thậm chí còn cao vượt trội, khiến công ty lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính.

Tại ngày 31/12/2020, với Nợ phải trả đạt 21.638 tỷ đồng nhưng Vốn chủ sở hữu chỉ là 186 tỷ đồng, Nợ cao gấp… 116 lần vốn và chiếm 99,14% Tổng nguồn vốn công ty.

Trong khi dòng tiền được trang trải bởi nợ, hoạt động của công ty vẫn không có nhiều khả quan khi doanh thu tăng nhưng công ty thường xuyên thua lỗ thảm.

2020 là năm đầu tiên thị trường bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Đầu tư Phương Trang giảm từ 329 tỷ đồng xuống 214 tỷ đồng. Thế nhưng, bước sang năm 2021, dù Covid-19 vẫn hoành hành, Đầu tư Phương Trang vẫn ghi nhận Doanh thu tăng lên 502 tỷ đồng.

Trước đó, chỉ tiêu này lần lượt là 74,6 tỷ đồng (năm 2017), 39,7 tỷ đồng (năm 2018).

Có thể thấy, xu hướng chủ yếu của Đầu tư Phương Trang là tăng. Thế nhưng, công ty thua lỗ triền miên với các khoản lỗ khủng: 110 tỷ đồng (năm 2017), 32,3 tỷ đồng (năm 2018), 246 tỷ đồng (năm 2020). Công ty chỉ lãi trong năm 2019 (53 tỷ đồng) và năm 2021 (109 tỷ đồng).

Liên tục cầm cố nhiều dự án địa ốc

Cuối năm 2021, Đầu tư Phương Trang ghi nhận Nợ phải trả suýt đạt mốc tỷ đô la. Nhưng chưa dừng lại ở đó, sang năm 2022 và 2023, công ty này tiếp tục tăng cường nợ vay. Để được ngân hàng giải ngân, Đầu tư Phương Trang cầm cố loạt dự án địa ốc.

Cụ thể, ngày 30/11/2023, Đầu tư Phương Trang đã cầm cố “Toàn bộ các quyền tài sản hiện tại, hình thành trong tương lai thuộc sở hữu hợp pháp” của công ty liên quan đến dự án hình thành tại lô F5 khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ cao tầng Phương Trang tại Khu phức hợp đô thị cao tầng Phương Trang, phường Minh Hòa, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Ngày 5/3/2023, “Toàn bộ quyền lợi, lợi ích gắn liền hoặc phát sinh từ việc kinh doanh, khai thác dự án Lô đất B2, B3, B4, B5, B6 Dự án Đà Nẵng Times Square, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng” cũng đã trở thành tài sản đảm bảo tại ngân hàng.

Ngày 5/8/2022, “Toàn bộ quyền lợi, lợi ích gắn liền hoặc phát sinh từ việc kinh doanh, khai thác dự án Căn hộ cao tầng diện tích 14.716,2m2 thuộc thửa đất số 1, tờ bản đồ số 39 tại địa chỉ Lô 03 Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cũng bị cầm cố.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngung-hoat-dong-sau-khi-vay-cb-dau-tu-phuong-trang-tro-lai-voi-khoi-no-suyt-ty-do-post288842.html