Ngữ Yên chọn đường đến… bao tử bạn đọc

“Sài Gòn là nỗi niềm tha hương của tôi. Mỗi lần về quê mình lại hoài tha hương. Mỗi lần tha hương mình lại hoài quê.

Đó là tình cảm mà tôi muốn gửi đến người đọc trong một số bài viết về ẩm thực của mình” - nhà báo, tác giả Ngữ Yên nói về những quyển sách ẩm thực của ông.

Sáng 5-8, tại đường sách TP.HCM, nhà báo Trần Công Khanh (bút danh Ngữ Yên) đã gặp gỡ, giao lưu cùng độc giả với chủ đề “Sài Gòn của người tha hương” nhân dịp ông ra mắt hai quyển sách mới Sài Gòn chở cơm đi ăn phởSài Gòn ồ bỗng ngon ghê!.

Không theo trào lưu viết về Sài Gòn

. Phóng viên: Đã và đang có trào lưu viết về Sài Gòn ở nhiều người thuộc nhiều thế hệ, nhiều nghề nghiệp… Ông có xếp mình vào trào lưu đó?

+ Tác giả Ngữ Yên: Lúc mà tôi bắt đầu viết loạt bài về Sài Gòn trên báo Sài Gòn Tiếp Thị thì chưa có trào lưu gì hết. Có thời gian người ta còn cấm dùng chữ Sài Gòn nữa. Sau này, các nhà sách mới nâng việc viết về Sài Gòn thành một dòng “à la mốt”, thời thượng. Còn như quyển sách này, bắt đầu từ năm 2003 với loạt bài về Sài Gòn trên báo thì sao là trào lưu được!

. Vì sao ông chọn chữ Sài Gòn gắn với những quyển sách của mình trong khi quyển sách của ông luôn hòa quyện giữa yếu tố Sài Gòn và những ký ức, so sánh về những vùng quê. Với ông, tình yêu Sài Gòn ra sao?

+ Sài Gòn là nỗi niềm tha hương của tôi. Mỗi lần về quê mình lại hoài tha hương. Mỗi lần mình tha hương mình lại hoài quê. Đó là tình cảm mà tôi muốn gửi thông điệp đến người đọc trong một số bài viết. Chọn chữ Sài Gòn là tôi chọn lâu rồi chứ không phải do trào lưu bây giờ. Sài Gòn là nơi tôi chọn để sống dù có lúc mình nhớ quê. Dùng chữ Sài Gòn còn là để… bán sách chạy hơn.

. Nếu nói một điều gì đó ngắn gọn về Sài Gòn và ẩm thực Sài Gòn, ông sẽ nói gì?

+ Trên báo Sài Gòn Tiếp Thị Tết 2014, tôi có một bài viết mang tên “Sài Gòn bao dung”. Nhiều tờ báo sau này đã lấy lại chữ “Sài Gòn bao dung” này làm bài báo xuân cho mình. Sài Gòn là vùng đất dung chứa ẩm thực của cả nước.

Tác giả Ngữ Yên trong buổi ra mắt hai quyển sách mới Sài Gòn chở cơm đi ăn phở Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê!

Giúp người đọc ăn cả quá khứ

. Là nhà báo, thư ký tòa soạn của những tờ báo viết về kinh tế, vì sao ông lại chọn viết về ẩm thực? Ông viết đến từ cảm giác tự nhiên, ham thích ăn uống hay là tìm hiểu, khảo cứu để viết?

+ Lúc đầu là sự thiếu thốn cây bút ẩm thực tại báo Sài Gòn Tiếp Thị nên tôi được yêu cầu, năn nỉ, động viên viết. Sau đó dần dần trở thành cái duyên để mình nhận được sự hoan nghênh từ độc giả, tạo thành động lực khuyến khích để mình viết tiếp, viết nhiều về ẩm thực. Tùy trường hợp, có món mình thấy nó ngon, ham thích, có món mình thấy không ngon lắm nhưng nó gợi nhớ như khi tôi ngồi lột từng chiếc lá chùm ruột ra ở một chiếc nem Ninh Hòa, cách nơi tôi sống thuở nhỏ 30 cây số, tôi bèn nhớ ra: “A, cái nem này người ta gói đến mười mấy cái lá chùm ruột”. Khi người ta gói như vậy, tôi nghĩ đến cảm xúc của người gói, tôi muốn dẫn bạn đọc vào cái ngon bắt đầu từ việc bóc lá chùm ruột cho đến khi ăn chiếc nem Ninh Hòa. Khi viết một món ăn, có khi tôi muốn độc giả nhớ về món này mình từng được má mình nấu ăn cho thuở nhỏ ra sao. Tức là tôi giúp người đọc ăn cả quá khứ.

Đường đến… bao tử bạn đọc nhanh hơn đến trái tim

. Công việc làm báo giúp gì cho ông trong quyển sách viết về Sài Gòn, về ẩm thực? Ông có sợ mình sẽ nhàm chán và mòn đi khi viết mãi về một đề tài?

+ Tôi áp dụng cách làm báo để viết sách là đi thực tế, ăn, ghi chép, hỏi những người hiểu biết hơn mình, đọc nhiều để tra cứu. Và cảm ơn nhất là “ông Google”. Nhưng mà “ông Google” ổng cũng kỳ lắm, bài copy nhiều lắm, mình không chú ý dễ bị bứt khỏi bài gốc.

Muốn không mòn, không chán, vậy thì mình phải lăn. Hòn đá có lăn mới cuốn được nhiều rêu, nhiều bụi, chứ hòn đá nằm một chỗ là thua. Vậy thì phải đi, đi nhiều thì phải chịu cực. Tôi chọn viết về ẩm thực như cách đi bằng một con đường ngách trong viết lách của mình và sẽ đi suốt con đường. Và chọn bao tử là con đường tôi đi nhanh đến với độc giả hơn là chọn trái tim.

. Sài Gòn và cuộc sống bây giờ bao gồm ẩm thực đã không còn như ngày trước nữa. Thực phẩm bẩn đang là nỗi lo của mọi người, mọi nhà. Viết về ẩm thực, là một nhà báo gắn với thời sự, ông có nghĩ rằng mình cần đề cập đến nỗi lo thực phẩm bẩn ở sách của mình, giúp độc giả ăn đẹp, ăn ngon mà vẫn an toàn?

+ Đầu tiên, đánh giá cái bẩn thì mình phải nhìn lại bản thân mình coi cách đánh giá như thế nào. Nếu đánh giá bẩn như kiểu một số tờ báo nói nước mắm truyền thống là bẩn thì tôi không bao giờ đánh giá như vậy. Khi đánh giá thì phải trung thực, không từ động cơ nào khác, phải trung thành với ngòi bút của mình, không để cái gì làm ngòi bút mình cong đi được. Bắt đầu từ hơn một năm nay, cả xã hội chứ không riêng gì tôi quan tâm đến nguồn gốc của thực phẩm để biết bẩn hay không bẩn, trong các bài viết của mình tôi bắt đầu đề cập điều này. Cách đây hai tuần tôi có viết bài “Cẩm Thanh - vườn rau xanh mướt một màu” về 11 hộ chỉ trồng 1 ha rau thôi. Họ tự kiểm soát lẫn nhau và đóng dấu hữu cơ của quốc tế để đưa ra thị trường.

. Xin cám ơn ông.

HÒA BÌNH thực hiện

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/van-sach/ngu-yen-chon-duong-den-bao-tu-ban-doc-719628.html