Ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ, cách nào cải thiện?

Ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ là vấn đề phổ biến, có thể gặp ở cả người lớn, trẻ em, có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại.

Tình trạng ngừng thở tái diễn nhiều lần trong đêm, xảy ra thường xuyên theo thời gian có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Ngủ ngáy khi nào nguy hiểm?

Tại buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề: "Cập nhật về ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ" do BV Tai Mũi Họng Trung ương tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng Bộ môn Thần kinh, Đại học Y Hà Nội, Trưởng Khoa Thần kinh và Bệnh Alzheimer, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, theo y văn, ngủ ngáy là hiện tượng luồng khí lưu thông trong khi ngủ đi qua một vùng hẹp ở đường hô hấp trên, tác động làm cho niêm mạc các mô xung quanh rung lên và tạo nên một loại âm thanh đặc trưng gọi là tiếng ngáy.

"Sẽ không có gì nghiêm trọng nếu âm thanh ngáy nhỏ, êm dịu, đều đều không ảnh hưởng đến những người xung quanh và giấc ngủ ngon, khi tỉnh dậy cơ thể khỏe, thoải mái… Ngược lại nếu ngủ ngáy to, có từng cơn tắc nghẽn, ngừng thở được chứng kiến, kèm rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, giật mình, ngộp thở, khô miệng và tiểu đêm nhiều lần…; khi dậy tinh thần và toàn thân mệt mỏi, đau đầu, ban ngày buồn ngủ quá mức, khó tập trung, trí nhớ suy giảm, thay đổi khí sắc, xa lánh xã hội… Đây là trường hợp ngủ ngáy bất thường và có thể liên quan tới hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn" - chuyên gia cho biết.

Ngủ ngáy bất thường có thể liên quan tới hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Ngủ ngáy bất thường có thể liên quan tới hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Nguyên nhân ngừng thở khi ngủ

Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể do một hay sự kết hợp của nhiều yếu tố sau:

Tuổi: Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi, đến khoảng 65-70 tuổi thì tỷ lệ ổn định không tăng thêm nữa. Tuổi càng cao làm lắng đọng nhiều mỡ ở xung quanh vùng hầu họng và lưỡi làm tăng nguy cơ hẹp đường thở.
Giới: Tỷ lệ mắc ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ ở giới nam cao gấp 2 đến 3 lần so với giới nữ. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đã cho thấy nam giới có sự lắng đọng mô mỡ xung quanh hầu nhiều hơn và chiều dài đường thở vùng hầu cũng lớn hơn nên dễ bị xẹp trong khi ngủ. Phụ nữ sau tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ chưa mãn kinh và tương đương với nam giới.
Béo phì: Ở cả hai giới, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên cùng với tỷ lệ béo phì, giảm cân sẽ làm giảm độ nặng của hội chứng ngừng thở khi ngủ. Béo phì làm tăng lắng đọng tổ chức mỡ quanh hầu làm tăng nguy cơ xẹp đường thở.
Hút thuốc lá, uống rượu bia: Hút thuốc lá có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với những người chưa từng hút thuốc hoặc đã bỏ hút thuốc. Uống rượu trước khi đi ngủ làm tăng khả năng xẹp của đường hô hấp và gây ra các cơn ngừng thở, giảm thở, kể cả ở người bình thường.
Bất thường sọ mặt: Những bất thường này hay gặp ở người châu Á, nơi có tỷ lệ béo phì không cao như người da trắng.
Yếu tố di truyền: Bệnh nhân ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường có tiền sử gia đình có người ngủ ngáy hoặc đã được chẩn đoán mắc ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Điều này có thể do các thành viên trong gia đình có chung các hành vi làm tăng nguy cơ béo phì hoặc cùng các gen liên quan đến cấu trúc vùng sọ mặt làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Phụ nữ có thai: Tỷ lệ mắc ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở phụ nữ có thai cao hơn so với phụ nữ không có thai trong độ tuổi sinh đẻ.
Đột quỵ não: Bệnh nhân bị đột quỵ não, bao gồm nhồi máu não, xuất huyết não…

Mặc dù sinh lý bệnh của ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là đa yếu tố, nhưng về mặt nguyên nhân là do tắc nghẽn hoặc xẹp đường hô hấp trên ở một hoặc nhiều mức độ: họng mũi, họng miệng và họng thanh quản.

Các chuyên gia chia sẻ thông tin cập nhật về ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ.

Các chuyên gia chia sẻ thông tin cập nhật về ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ.

Chẩn đoán và điều trị ngừng thở khi ngủ

PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, bên cạnh việc gây ồn ào, ảnh hưởng tới mọi người xung quanh, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống của bản thân người bệnh (như mệt mỏi, làm việc không hiệu quả, sao nhãng dễ gây tai nạn khi lái xe và vận hành máy móc,…), ngừng thở khi ngủ còn có các biến chứng đi kèm như: bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, suy tim,…), bệnh lý mạch máu não và gây suy giảm chức năng nhận thức.

Theo PGS. Bình, các phương pháp điều trị ngừng thở do tắc nghẽn khi ngủ hiện nay là thở áp lực dương liên tục, sử dụng dụng cụ hỗ trợ vùng miệng, phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác như giảm cân, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần, thuốc giãn cơ, nằm nghiêng khi ngủ, điều trị suy giáp, liệu pháp Estrogen... Trong đó, thở áp lực dương liên tục là phương pháp không xâm lấn mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp điều trị cần dựa vào nhiều yếu tố.

Về chẩn đoán bệnh ngừng thở khi ngủ, nếu có vấn đề với giấc ngủ, khuyến nghị người dân nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, Hô hấp. Các bác sĩ sẽ tiến hành những thăm dò sâu hơn về giấc ngủ để chẩn đoán như:

Đo đa ký giấc ngủ: Máy ghi lại được tất cả những thay đổi sinh lý xảy ra trong giấc ngủ;
Nội soi ống mềm khi ngủ: Phương tiện khảo sát rất cần thiết cho việc xác định chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi ngủ.

TS.BS Đào Đình Thi - Trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, hiện nay phương pháp nội soi ống mềm đường thở khi ngủ là một phương pháp chẩn đoán chính xác vị trí hẹp gây ra tình trạng ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ. Trong trường hợp có chỉ định phẫu thuật, nó giúp lập ra bản đồ cho ca phẫu thuật.

Cách cải thiện hội chứng ngừng thở khi ngủ

Theo TS.BS Đào Đình Thi, để cải thiện hội chứng ngừng thở khi ngủ, người dân cần thay đổi lối sống, và một số hành vi như:

Nên nằm ngủ nghiêng về một bên thay vì nằm ngửa. Nằm ngửa là tư thế đặc biệt không tốt đối với người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ vì khi nằm ngửa hàm sẽ khép lại, lưỡi khép lại và chặn đứng đường thở do đó làm bệnh trở nên trầm trọng hơn;
Giảm cân;
Không hút thuốc, uống rượu bia;
Tránh sử dụng chất kích thích (cafe) hay thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc chống động kinh... vào ban đêm;
Tập thể dục thường xuyên, tập thói quen đi ngủ theo giờ giấc đều đặn.

Phương Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngu-ngay-va-ngung-tho-khi-ngu-cach-nao-cai-thien-169230529112317492.htm