Ngư lôi Mỹ và 10 tỷ USD 'đánh chìm' tàu ngầm Kursk?

Nguyên nhân thực sự của vụ chìm tàu ngầm nguyên tử Kursk đã được che dấu bằng một thỏa thuận ngoại giao bí mật giữa Mỹ và Nga, gồm việc xóa khoản nợ 10 tỷ USD.

(ĐVO) Sau thảm kịch (>> xem thêm ) , một ủy ban đã được lập ra nhằm điều tra về vụ việc. Ủy ban này sau đó đã đặt ra tất cả các giả thiết có thể. Mãi 5 ngày sau, những người có trách nhiệm công bố trước công chúng về kết luận của ủy ban điều tra thảm họa.

Theo đó, nguyên nhân khiến tàu Kursk gặp nạn làm toàn bộ 118 thủy thủ đoàn thiệt mạng ở biển Barents là do vụ nổ bất ngờ trong khoang chứa ngư lôi của tàu. Kursk bị hư hại nặng và chìm xuống đáy biển làm cho khả năng giải cứu thuyền viên gần như là không thể.

Tuy nhiên Maurice Stradling – cựu quan chức Bộ Quốc phòng Anh, một chuyên gia về ngư lôi và là nhân vật chủ chốt trong cuộc điều tra sơ bộ về nguyên nhân tai nạn tàu Kursk nhiều năm trước, ủng hộ giả thuyết cho rằng tàu ngầm Kursk bị đánh chìm bởi một ngư lôi từ tàu ngầm Mỹ. Thậm chí ông còn chỉ đích danh loại ngư lôi người Mỹ dùng để đánh chìm tàu ngầm Kursk.

“Có bằng chứng cho thấy tàu ngầm nguyên tử Kursk bị trúng một quả ngư lôi MK-48 của Mỹ”, - Stradling tuyên bố như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ “Người quan sát Nga”, ngày 28/12/2011.

Vị trí tàu ngầm nguyên tử Kursk trúng ngư lôi MK-48

Cần lưu ý rằng, Maurice Stradling đã nhiều năm liền theo đuổi công việc nghiên cứu tìm ra nguyên nhân thực sự của vụ chìm tàu Kursk.

Năm 2001, ông là cố vấn chính của BBC trong bộ phim tài liệu “Điều gì đã làm chìm tàu Kursk?”, lúc này ông đưa ra quan điểm cho rằng rằng Kursk có thể bị chìm do sự cố của ngư lôi đã lỗi thời của Nga.

Mới đây ông tham gia cố vấn cho các nhà làm phim Pháp thực hiện bộ phim tài liệu có tiêu đề “Kursk – Tàu ngầm trong vùng nước hiểm”. Bộ phim này đã thu hút một lượng khán giả kỷ lục - hơn 4 triệu người xem - trên truyền hình Pháp.

Trao đổi với “Người quan sát Nga”, ông tin rằng bộ phim này sẽ làm thay đổi quan điểm của cộng đồng thế giới về kết luận nguyên nhân làm tàu Kursk bị chìm.

Trong phim tài liệu của người Pháp, Stradling đã giải thích về sự thay đổi quan điểm của mình. Ông nói: "Vào thời điểm đó, năm 2001, giả thuyết mà BBC đưa ra là có thể chấp nhận được, do thực tế là lúc đó chúng tôi chỉ có được một số thông tin hạn chế. Nhưng giờ đây thì khác, chúng tôi có nhiều tư liệu thuyết phục hơn và có cái nhìn toàn diện hơn về sự việc".

Cơ sở chính cho sự khẳng định của Stradling đó là lỗ hổng được phát hiện ở phía bên phải của tàu Kursk và bằng chứng cho thấy có sự hiện diện của tàu ngầm Mỹ trong cùng một khu vực vào thời điểm tàu Kursk bị chìm.

“Các hình ảnh trong bộ phim tư liệu của Pháp cho thấy Kursk được đưa lên khỏi mặt nước với một lỗ tròn tương đối nhẵn ở phía bên phải của con tàu. Và các cạnh của lỗ thủng này rõ ràng uốn cong vào trong tàu, phù hợp với thực tế của một cuộc tấn công từ bên ngoài tàu ngầm.

Lỗ hổng này chính là bằng chứng rõ ràng nhất của cuộc tấn công bằng ngư lôi MK-48, loại ngư lôi này có khả năng xuyên qua vỏ thép của tàu ngầm thông qua một cơ chế đặc biệt nằm ở phần mũi quả ngư lôi có thể đốt cháy và làm tan chảy đồng” – chuyên gia về ngư lôi Stradling giải thích.

Theo bộ phim tài liệu này, cuộc tấn công xảy ra trong bối cảnh khi hai tàu ngầm Mỹ Toledo và Memphis đang bí mật theo dõi tàu Kursk. Sau đó Toledo bất ngờ va chạm với Kursk, tàu ngầm Nga đã ngay lập tức khởi động hệ thống phóng ngư lôi của mình, dẫn đến hành động tấn công bằng ngư lôi của tàu ngầm Memphis vào Kursk trong tích tắc. Sau sự việc Memphis đã hộ tống Toledo rời khỏi hiện trường.

Sau đó, nguyên nhân thực sự của vụ chìm tàu ngầm nguyên tử Kursk, theo các nhà làm phim, đã được che dấu bằng một thỏa thuận ngoại giao bí mật giữa Mỹ và Nga. Thỏa thuận bao gồm việc hủy bỏ khoản nợ của Nga với số tiền 10 tỷ USD.

>> Nhìn lại vụ tai nạn tàu ngầm thảm khốc ở Trung Quốc
>> Vụ tai nạn đầu tiên của tàu ngầm nguyên tử
>> Những bí mật tàu ngầm nguyên tử Kursk

Danh Nguyễn (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://quocphong.baodatviet.vn/home/qpcn/ngu-loi-my-va-10-ty-usd-danh-chim-tau-ngam-kursk/20121/186223.datviet