Ngư dân Quảng Ngãi tuân thủ quy định 'Đi khai về báo'

Đến nay, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã chấp hành rất nghiêm các quy định như lắp thiết bị giam sát hành trình, đi khai về báo, ghi chép vị trí khai thác… khi ra khơi đánh bắt hải sản. Việc chấp hành pháp luật trong quá trình hành nghề của ngư dân góp phần chống khai thác bất hợp pháp, từng bước chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.

Vừa hoàn thành chuyến biển, ngư dân Trương Phú, ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi về cảng Mỹ Á, thị xã Đức Phổ để bán hải sản và tranh thủ nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến biển sau. Trước khi cho tàu vào cảng khoảng 1 giờ đồng hồ, ông Phú điện đàm thông báo với ban quản lý cảng về thời gian vào cảng bán hải sản để cán bộ lên phối hợp kiểm tra, giám sát.

Thuyền trưởng tàu cá ghi chép lại tọa độ trong quá trình hành nghề để trình báo cơ quan chức năng

Ngư dân Trương Phú cho biết "đi khai về báo" đã trở thành thói quen bắt buộc của ngư dân: “Bỏ cây cờ đánh phải ghi, kéo xong rồi phải ghi chính xác độ Đông, độ Bắc, vĩ tuyến nào thì phải ghi cho thật chính xác. Chứ vào mà tàu làm một đường ghi một nẻo vào cảng họ không nhập cho tàu mình. Nói chung là phải ghi 100% chính xác vị trí”.

“Đi khai, về báo” đến nay đã trở thành thói quen của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Trước mỗi chuyến biển, ngư dân kiểm tra kỹ các thiết bị bắt buộc trên tàu cá. Đó là thiết bị giám sát hành trình, máy định vị…Các thiết bị này phải liên tục bật để hàng ngày khai báo với trạm bờ và đánh dấu vị trí đánh bắt hợp pháp. Mỗi lần thả lưới, buông neo, chủ tàu cá đều ghi chép cẩn thận vị trí, sản lượng đánh bắt. Tàu cá sau khi hoàn thành chuyến biển thì vào các cảng cá được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định để bán hải sản.

Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trước khi rời bến

Thực hiện đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các tàu cá, nhất là các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU. Trước mỗi chuyến ra khơi, các chủ tàu đều trình báo với cán bộ Trạm Biên phòng các thủ tục, giấy tờ liên quan như giấy phép khai thác, số lượng thuyền viên... Lực lượng Bộ đội biên phòng cũng thường xuyên theo dõi các tàu cá hoạt động sau khi tàu xuất bến cho đến khi nhập bến.

Chủ tàu ghi chép tỷi mỉ tọa độ để khai báo khi về bờ

Thượng úy Trần Văn Mạnh, Trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Khi tàu làm thủ tục nhập bến thì chúng tôi kiểm tra số tàu trên hệ thống. Nếu tín hiệu tàu cá không ngắt quảng và liên tục thì chúng tôi cho nhập bến còn tín hiệu bị ngắt quảng hay mất tín hiệu thì chúng tôi điều tra xác minh làm rõ và xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm”.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có gần 4.300 tàu cá, trong đó hơn 3.000 tàu cá dài từ 15 mét trở lên đánh bắt xa bờ. Đến thời điểm này, 100% tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã được cập nhật dữ liệu vào ứng dụng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, toàn bộ tàu cá đã đăng kiểm thực hiện đánh dấu tàu cá. Tỉnh Quảng Ngãi xác định mục tiêu của chống khai thác IUU không chỉ là nỗ lực gỡ “Thẻ vàng” mà mục tiêu lớn hơn là hướng đến nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.

Bộ đội Biên phòng kiểm tra tàu cá trên biển

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Chúng tôi duy trì vấn đề này không chỉ gỡ thẻ vàng IUU mà xây dựng nghề cá có tính chất bền vững, lâu dài; Tạo sự chuyển biến hết sức cơ bản và hết sức bền vững sau này trong câu chuyện chúng ta đánh bắt, nuôi trồng thủy sản phát huy lợi thế của tỉnh theo hướng bền vững, gắn với vấn đề môi trường, gắn với vấn đề phát triển kinh tế của địa phương”.

Thành Long/VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ngu-dan-quang-ngai-tuan-thu-quy-dinh-di-khai-ve-bao-post1057788.vov