Ngọt ngào bánh ống quê

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Khmer Nam bộ thường tận dụng nguyên liệu trong tự nhiên để tạo mùi thơm và màu cho các loại bánh như lá dứa, trái gấc, thốt nốt, lá mơ, lá cẩm…

Ngoài món bánh thốt nốt đặc trưng, người Khmer quê tôi còn có các món bánh dân gian mang đậm màu sắc văn hóa của dân tộc mình như bánh cống, bánh rây, bánh ống lá dứa… Tất cả đều mang hương vị thơm ngọt gắn với ký ức tuổi thơ của bao thế hệ. Không chỉ vậy, những món quà quê còn góp phần tạo sinh kế cho nhiều gia đình Khmer trong vùng.

Quê tôi ở ấp Hòa Bình, xã Thới Quản, huyện Gò Quao (Kiên Giang). Hơn nửa dân số ở đây là người Khmer. Ngoài nghề làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đa phần người dân sinh kế bằng nghề truyền thống, đánh bắt thô sơ và buôn bán nhỏ.

Như nhiều gia đình trong xóm, hàng ngày, ông tôi đi đốn lá về chằm, bà tôi đổ bánh ống bán. Quê nội tôi ngày trước là nông thôn vùng sâu vùng xa, đời sống còn nhiều khó khăn, nhờ ông bà nội tôi chăm chỉ mà nuôi con lớn khôn thành người. Sau này, các con đi làm xa đã giúp nội phần nào nhưng nội tôi vẫn đổ bánh bán để kiếm tiền cho chúng tôi đi học.

Thuở nhỏ, tôi sống với ông bà nội, vì cha mẹ tôi đi làm xa nên gửi tôi ở nhà để tôi đi học. Hôm nào nội cũng chừa lại vài cái bánh để khi đi học về trong lúc chờ cơm tôi có bánh ăn cho đỡ đói.

Tôi thường cùng bạn trong xóm ra bờ kênh trước nhà vừa thưởng thức món quà quê của nội cho vừa ngắm dòng kênh có chiếc cầu tre và hàng dừa in bóng nước, cảnh vật hiền hòa yên ả.

Mỗi ngày, sau khi bán xong mâm bánh trong phiên chợ sáng và lo cơm nước trong nhà, bà tôi lại chuẩn bị cho mẻ bánh mới để bưng đi bán trong xóm vào buổi xế.

Ông tôi đốn lá về là bằm chuối cho bò ăn thay cỏ trong mùa hạn, còn bà xay gạo, đổ bánh bán. Thấy ông bà tôi luôn tay luôn chân, các cụ trong xóm thường qua nhà giúp nội làm bánh để kịp giờ bà đi bán.

Người đi cắt lá chuối người phụ xay bột, chẳng mấy chốc, nội tôi có đầy đủ nguyên liệu và đổ những chiếc bánh đầu tiên. Ngày trước, nội dùng nồi đất nhưng nồi đất dày nấu nước lâu sôi nên nội tôi tận dụng chiếc ấm cũ để gắn ống tre. Cho nước vào trong ấm, chụm lửa lớn đến khi nước sôi, đổ bột vào ống tre chờ vài phút là bánh chín.

Bột gạo được xay chung với lá dứa, trộn thêm dừa nạo và một ít đường vừa ăn. Khi bánh chín, những hương vị quyện vào nhau bay theo làn khói từ ống tre thoảng mùi thơm ngào ngạt, hấp dẫn.

Ngày xưa, mỗi khi gia đình quây quần đông đủ, người dân Khmer quê tôi thường làm món bánh này cho con cháu ăn, vì vậy hầu như nhà ai cũng làm sẵn vài ống tre, đông người thì dùng ống tre lớn, ít hơn thì dùng ống tre vừa, chỉ đổ một ống là đủ ăn. Khi làm bán mới sử dụng ống nhỏ đổ bánh nhanh chín và cũng để mọi người dễ mua.

Bà Thị Hiền, ngụ ấp Hòa Bình, xã Thới Quản, huyện Gò Quao (Kiên Giang) đổ bánh ống bằng khuôn ống tre.

Bà tôi thường nói, bán bánh buổi xế phải tranh thủ trước ba giờ chiều, vì giờ đó mọi người thường đói bụng nhưng lại chưa tới giờ cơm nên sẽ bán rất đắt. Có khi đổ chưa kịp hết bột, nội vội vàng đi bán trước mớ bánh đó, khi nào bán hết sớm lại quay về đổ tiếp. Hôm nào bán trễ thì phải bỏ đi phần bột dư vì có dừa nạo để qua đêm bị hư.

Trên những nẻo đường quê, qua chiếc cầu cây gập ghềnh, đôi chân gầy vẫn sải bước và tiếng rao lảnh lót vẫn đều đều vang lên: “Ai bánh ống hôn”. Mỗi ngày như vậy, ai cũng quen với tiếng rao của nội nên tới giờ là ra ngóng nội đi ngang để mua bánh.

Bánh ngon, béo, có mùi thơm nhẹ của nếp, lá dứa, cơm dừa nạo hòa vào nhau tan trên đầu lưỡi, hấp dẫn nên ai cũng thích. Nhờ vậy, có hôm được mọi người ủng hộ nhiều, nội tôi bán chút xíu là hết mâm bánh hàng chục cái.

Ông bà cha mẹ là vậy, bao nhiêu khó nhọc nhận hết về mình để con cháu được học tới nơi tới chốn, được hồn nhiên trong khung trời tuổi thơ của mình với mong muốn tương lai con cháu sau này đỡ cực. Chỉ cần chúng tôi được học, được ăn no mặc ấm là nội vui lắm. Dù đời sống chưa khá giả nhưng tôi được lớn lên trong tình yêu thương vô bờ và giữa chốn quê thanh bình chan hòa, ấm áp.

Bây giờ, khuôn bánh hiện đại hơn, được làm bằng kim loại, mỗi vỉ có gần chục ống, đổ bánh nhanh chín và được nhiều bánh hơn, tiết kiệm thời gian, công sức hơn cho người bán bánh ống bởi là món ăn quen thuộc và ưa thích của đồng bào dân tộc Khmer nên những gian hàng bánh ống luôn có trong những ngày hội, ngày lễ của đồng bào Khmer. Mỗi gian hàng đều chuẩn bị hàng chục kg gạo xay sẵn và đổ liên tục bằng nhiều ống như vậy để kịp phục vụ khách đi chùa.

Mặc dù bây giờ hầu hết mọi thứ đều tiện lợi nhưng tôi vẫn luôn nhớ về chiếc bánh đổ bằng khuôn ống tre và gói bằng lá chuối của nội làm. Tất cả đều mộc mạc, đơn sơ mà đậm đà hương vị của thiên nhiên, của vùng sông nước quê tôi.

Đối với tôi, hình ảnh nội và hương bánh ống quê thuở nào vẫn luôn cao đẹp và ngọt ngào nhất mà tôi khắc sâu vào lòng không thể nào quên.

Bài và ảnh: HỒNG MỤI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/ngot-ngao-banh-ong-que-11222.html