Ngóng hỗ trợ lãi suất 2%

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ được nhận định là chiếc 'phao vàng' sẽ tạo thêm động lực giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc triển khai còn rất nhiều vướng mắc.

Hỗ trợ 2% lãi suất là điều được người dân, doanh nghiệp trông mong nhưng việc triển khai không dễ dàng (ảnh minh họa)

Hỗ trợ 2% lãi suất là điều được người dân, doanh nghiệp trông mong nhưng việc triển khai không dễ dàng (ảnh minh họa)

Doanh nghiệp trông mong

Hoạt động trong lĩnh vực vận tải kho bãi gần 15 năm nay, Công ty CP V.I.P Việt Nam (V.I.P Logistics) ở TP Hải Dương đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mỗi năm công ty này dự toán nguồn vốn lưu động cần sử dụng trên 10 tỷ đồng. “Thời gian ngắn vừa rồi, chúng tôi đã tiêu tốn hàng tỷ đồng tiền dầu phục vụ hoạt động của 40 đầu xe vận tải do giá dầu tăng. Nếu được hỗ trợ 2% lãi suất, chúng tôi sẽ có thêm nguồn lực tài chính, cân đối thu chi”, ông Lê Anh Hà, Giám đốc công ty nói. Tuy nhiên, dù muốn song công ty này đến nay vẫn chưa thể tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi. “Chúng tôi đợi chính sách hỗ trợ lãi suất từ lâu, đến nay vẫn tiếp tục đợi. Thậm chí chúng tôi đã chủ động gọi đến một số ngân hàng nhưng chưa được phản hồi về việc triển khai”, ông Hà cho biết thêm.

Cùng trong tình cảnh trên, ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) cho rằng việc sớm triển khai chính sách hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp có thêm động lực phát triển. Để góp phần phục vụ hiệu quả các kế hoạch xuất khẩu nông sản của tỉnh và mở rộng thị trường mới, mỗi năm công ty này cần nguồn vốn lưu động trung bình 17 tỷ đồng. “Chúng tôi đã nghe nói đến chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, tuy nhiên đến nay ngân hàng đối tác của chúng tôi chưa thông báo gì về việc triển khai”, ông Trường cho biết.

Trên đây là 2 trong số rất nhiều doanh nghiệp của tỉnh nằm trong diện đối tượng được hưởng hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn tại các ngân hàng hiện nay phổ biến ở mức 5,5-9,5%/năm. Nếu được hưởng mức hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp sẽ giảm bớt được khó khăn, có thêm nguồn kinh phí bổ sung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dòng vốn ách tắc

Căn cứ từ Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trung tuần tháng 6.2022, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh có văn bản gửi các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh về việc triển khai chính sách này.

Ông Bùi Xuân Như, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đông cho biết: “Bên cạnh việc ban hành văn bản chỉ đạo triển khai, tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên, chúng tôi đã gửi thư tới các khách hàng trong diện được hưởng hỗ trợ. Qua đó, giúp khách hàng nắm bắt thông tin và phản hồi về nhu cầu”.

Qua rà soát, chi nhánh này có 47 khách hàng doanh nghiệp và 1 khách hàng là hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực được hỗ trợ theo Nghị định 31. Theo ông Như, sau khi gửi thư, đến nay ngân hàng vẫn chưa nhận phản hồi từ khách hàng. Lý giải điều này, ông Như cho rằng các điều kiện chặt chẽ trong quy định tại Nghị định 31 là nguyên nhân chính.

Trong nhiều điều kiện quy định tại nghị định này, khách hàng muốn hưởng hỗ trợ 2% lãi suất phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của từng ngân hàng thương mại. Ngoài ra, những khoản vay có dư nợ gốc quá hạn, chậm trả tiền lãi hoặc những khoản vay được gia hạn nợ sẽ không được hỗ trợ theo nghị định này. Bà Vũ Thị Thu Nga, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Hải Dương cho rằng những điều kiện này sẽ thu hẹp số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ lãi suất. “Thời gian dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề vừa qua, người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh nên rất khó tránh khỏi nợ quá hạn”, bà Nga nói.

Ngoài ra, dòng vốn tín dụng theo Nghị định 31 đến nay vẫn ách tắc do các ngân hàng nâng mức thận trọng trong phê duyệt. Một phần do đánh giá hồ sơ khách hàng, nhất là khả năng phục hồi, một phần khác do không ít ngân hàng đã hoặc sắp cạn hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng. Cạn room tín dụng đồng nghĩa với việc không thể giải ngân các khoản vay mới. Nếu không được xem xét nâng room tín dụng, dòng vốn tín dụng ưu đãi rất khó được khơi thông...

Các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được hỗ trợ
lãi suất theo Nghị định 31/2022

- Các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục-đào tạo; nông-lâm nghiệp-thủy sản; công nghiệp chế biến-chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin, bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.

- Thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31.12.2023.

HÀ KIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/ngong-ho-tro-lai-suat-2-209159