Ngọn núi thiêng nơi 'người thầy muôn đời' ở ẩn

Dãy núi Phượng Hoàng nằm tại vùng đất thiêng Chí Linh bát cổ, có 72 ngọn trải dài với hai bên sườn mở rộng ra như cánh chim phượng múa. Ngọn núi ôm trọn ngôi đền thờ thầy giáo Chu Văn An - 'người thầy muôn đời' của đất Việt.

Huyền bí giếng son nơi đỉnh núi Phượng Hoàng

Nằm trên địa bàn phường Văn An, TP Chí Linh (Hải Dương), cách Thủ đô Hà Nội khoảng hơn 80km về phía đông, khu di tích Phượng Hoàng được biết đến là vùng đất đặc biệt linh thiêng, gắn bó mật thiết với những ngày cuối đời của thầy giáo Chu Văn An.

Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần, nổi tiếng bởi tính tình cương nghị, thẳng thắn, không cầu lợi lộc, học vấn tinh thông, nên được dân chúng tôn là "vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.

Núi Phượng Hoàng thuộc phường Văn An, TP Chí Linh (Hải Dương).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi đang giữ chức tư nghiệp (hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám, trông coi việc học cho cả nước; thầy giáo Chu Văn An đã dâng "thất trảm sớ" đòi chém 7 kẻ nịnh thần, đều là người quyền thế được vua yêu. Không được vua trả lời, Chu Văn An rời kinh thành về núi Phượng Hoàng mở trường tiếp tục dạy học đến cuối đời.

Núi Phượng Hoàng là nơi ở ẩn của thầy giáo Chu Văn An lúc sinh thời cho tới lúc mất.

Ông Nguyễn Văn Sông từng là Trưởng ban Quản lý di tích đầu tiên và đã có 30 năm công tác trong ngành văn hóa TP Chí Linh (Hải Dương) cho biết: Núi Phượng Hoàng thực chất là một dãy gồm 72 ngọn. Đỉnh Phượng Hoàng, nơi an nghỉ của thầy giáo Chu Văn An cao nhất, đẹp nhất, còn gọi là núi Cả.

72 ngọn núi ứng với truyền thuyết về 72 chú chim phượng hoàng - biểu tượng cho trí tuệ và cái đẹp, trong một lần rong chơi, thấy cảnh vật núi rừng đẹp đẽ đã sà xuống múa rồi hóa thành 72 ngọn núi.

Lăng mộ "ngọn tuệ đăng bất tử" được xây dựng trên đỉnh núi Phượng Hoàng.

Các dãy núi ở đây kiến tạo thấp dần theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, nối tiếp với đồng bằng phù sa và soi mình xuống sóng nước mênh mang của Lục Đầu Giang. Trên núi Phượng Hoàng còn có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Huyền Thiên cổ tự, Kỳ Lân cổ tự, Tinh Phi cổ tháp…

Trên núi, ngoài mộ của thầy giáo Chu Văn An còn có giếng Son, hay có tên là giếng Mắt Phượng. Tương truyền rằng, ở đáy giếng có một lớp son dày. Khi thầy Chu Văn An về dạy học tại đây, không có mực nên đã có người lấy ống nứa chọc xuống đáy giếng để rút son lên. Son được phơi khô, tán nhuyễn làm mực viết, còn bút nghiên thì từ tre, nứa trong rừng.

Đền thờ thầy giáo Chu Văn An nằm ngang sườn dãy núi Phượng Hoàng.

Đây là lý do tục xin chữ ở đền thờ thầy giáo Chu Văn An khi nào cũng chỉ có chữ màu son. Giếng son nhiều năm nay có một điều lạ, là trong năm khoảng trước - sau rằm tháng 7 ắt có một ngày nước đổi màu son. Có năm nước đầy, màu son chảy xuống tận điện Lưu Quang phía dưới.

"Giếng Son chưa khi nào cạn mà luôn đầy ăm ắp, trong lành, dùng để hãm trà, nấu nướng thì ngon ngọt vô cùng. Những người ở quanh đây chưa khi nào phải dùng nguồn nước khác. Còn nhiều du khách thập phương đến vãn cảnh xin cả can nước giếng Son như một món quà cho những người không đến được", ông Sông cho hay.

Ngọn tuệ đăng bất tử

Theo ông Phan Văn Đức, Phó Ban quản lý đền Chu Văn An, khu đền thờ thầy giáo Chu Văn An trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá rất nhiều.

Năm 1997, chính quyền tỉnh Hải Dương bắt đầu từng bước khai quật khảo cổ và trùng tu tôn tạo đền thờ thầy Chu Văn An. Năm 2004 ngôi đền được tôn tạo toàn diện và khánh thành vào đầu năm 2008.

Điện Lưu Quang là nơi dạy học lúc sinh thời của thầy Chu Văn An được tu bổ, phục dựng gần như nguyên vẹn.

Hiện nay lăng mộ được trùng tu, tôn tạo khang trang bằng chất liệu đá xanh, phía trước có hương án, phía sau có phù điêu là hậu chẩm khắc nổi ba chữ: Đức - Lưu - Quang, chính giữa là nghiên bút.

Đường lên mộ được kè bằng đá gồm 770 bậc ngắn - dài, tượng trưng cho số 7 - "thất trảm sớ" mà thầy giáo Chu Văn An dâng lên thuở trước.

Nhóm học sinh đến tham quan núi Phượng Hoàng và chiêm bái tại đền.

Hơn 10 năm về trước, địa danh núi Phượng Hoàng được ít người biết tới, bởi nằm trong vùng núi sâu lại xa đường quốc lộ, lối vào toàn là đường đất hoặc ít nhiều trải đá lởm chởm đi lại vô cùng khó khăn. Giờ đây, có ít nhất 3 cung đường hướng từ QL18 và QL37 dẫn vào dãy núi Phượng Hoàng đã được trải nhựa khang trang, thuận tiện cho du khách viếng thăm.

"Để khôi phục, bảo tồn nguyên vẹn giá trị lịch sử, văn hóa, thời gian tới Ban quản lý di tích sẽ trình cơ quan chức năng xin phép được khơi thông dòng suối dọc từ đỉnh núi xuống quanh đền, tu bổ chùa Kỳ Lân, ao Miết Trì và giải tỏa toàn bộ hàng quán ở đường vào để trồng hoa tạo điểm nhấn", ông Đức thông tin thêm.

Theo thống kê từ Ban quản lý khu di tích đền Chu Văn An, hàng năm có tới hơn 1,5 triệu lượt khách tới tham quan, chiêm bái tại đền, nhất là tháng giêng, tháng 5 và rải rác vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Phần lớn du khách thường ở lứa tuổi học sinh, các giáo viên ở nhiều địa phương cùng người dân trong cả nước.

Ngày 8 tháng giêng âm lịch hàng năm tại đền sẽ diễn ra lễ khai bút, thể hiện bản sắc văn hóa, truyền thống hiếu học trong trí tuệ, trí nhân của dân tộc Việt Nam.

"Nhắc đến Chu Văn An là nhắc đến núi Phượng Hoàng, người được ví như "ngọn tuệ đăng bất tử", sống trọn những năm tháng ẩn cư cuối đời ở vùng đất Chí Linh, trên núi Phượng Hoàng. Để tưởng nhớ công lao của thầy, đồng thời đề cao thông điệp của việc học là rất quan trọng, hàng năm trường chúng tôi tổ chức ít nhất 2 lần cho các em học sinh tới tham quan và dâng hương tại đây", chị Nguyễn Thị Huế, giáo viên trường tiểu học Phả Lại (Hải Dương) chia sẻ.

Ông Đỗ Đức Phu, Chủ tịch UBND phường Văn An cho biết: "Rừng cây trên dãy núi Phượng Hoàng đang được bảo tồn chặt chẽ, nhằm làm phong phú thêm các giá trị văn hóa của quần thể di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam".

Đình Quế

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngon-nui-thieng-noi-nguoi-thay-muon-doi-o-an-192231111102507977.htm