Ngổn ngang nỗi lo

QĐND - Ngay từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, các hộ dân trồng đào, trồng hoa trên địa bàn TP Hà Nội đã phải bỏ ra bao công sức, tiền của chăm bón để mong có những cây đào, bó hoa đẹp nhất phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Thế nhưng, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn với những diễn biến bất thường của thời tiết đã khiến các hộ trồng đào, trồng hoa đứng ngồi không yên khi Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần.

Anh Nguyễn Trung Hướng đang trùm ni-lông để tránh rét cho những cây đào nhà mình.

Vào giữa tháng 1-2013 (khoảng mồng 3 tháng Chạp âm lịch) khi nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội xuống dưới 10ºC, chúng tôi tìm về xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Được biết, đã vài ba năm trước, những thửa ruộng của người dân xã Đại Mỗ đã được người dân xã Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội thuê lại để trồng đào thay cho vùng đào La Cả. Trên từng thửa ruộng, những người nông dân vẫn mải mê chăm bón cho từng gốc đào. Người thì bón phân, tro bếp; người thì “mặc áo” cho đào bằng những tấm ni-lông... tất cả nhằm chống chọi lại cái rét cắt da, cắt thịt với hy vọng sắp tới trời sẽ nắng ấm và những cây đào sẽ ra hoa kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Trung Bình, ở tổ dân phố Hoàng Văn Thụ, xã Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi thuê 4 sào ruộng để trồng đào từ năm 2009 đến nay với giá 2 triệu đồng/sào/năm. Đào thường bị các bệnh rệp, rầy, sâu ăn búp, ăn lá, nấm, nhện đỏ nên việc chăm bón đào cũng khá vất vả. Cứ khoảng 10 đến 15 ngày chúng tôi lại phải phun thuốc cho đào. Mỗi lần phun như thế cũng khá tốn kém, từ 200 đến 400 nghìn/sào/lần phun. Trong những ngày rét đậm, rét hại như thế này chúng tôi phải bón thêm phân lân và tro bếp nhằm tránh rét. Nếu cứ tiếp tục rét thế này, chúng tôi sẽ phải trùm ni-lông, thắp điện để giữ ấm cho đào”.

Cách không xa ruộng nhà ông Bình là ruộng đào của gia đình anh Nguyễn Trung Hướng ở xã Dương Nội. Gia đình anh Hướng thuê 2 mẫu ruộng ở xã Đại Mỗ từ năm 2009. Để chống rét cho đào, anh Hướng đã phải trùm ni-lông cho từng cây. Anh Hướng tâm sự với chúng tôi: “Nếu thời tiết cứ rét đậm kéo dài thì dù có chăm bón, che chắn kiểu gì đào cũng sẽ chậm phát triển, khó làm nhụy và nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Chúng tôi hy vọng sắp tới trời sẽ ấm lên và có nắng khoảng 10 đến 15 ngày thì đào sẽ phát triển tốt”.

Đây không chỉ là nỗi lo lắng của người trồng đào mà với cả những người trồng hoa ở làng hoa Tây Tựu, xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội). Ông Nguyễn Hữu Gia, ở thôn 3, xã Tây Tựu tâm sự: “Năm vừa qua là một năm khó khăn đối với những người trồng hoa chúng tôi. Tháng 3, 4, 5 và 10 (âm lịch) giá hoa rẻ quá nên chúng tôi bị thua lỗ nặng, đến nỗi không đủ tiền mua báo để chụp nụ hoa. Chính vì vậy, nhiều gia đình trồng hoa đã chuyển sang trồng rau theo mùa. Đợt rét đậm, rét hại vừa rồi khiến hồng không đâm được mầm, nên không có nụ, hoa. Mấy ngày vừa rồi thời tiết có ấm lên và trời đã hửng nắng chúng tôi cũng bớt lo lắng phần nào, tuy nhiên, thời tiết như vậy cũng có thể xuất hiện sương muối khiến hồng bị cháy và rụng lá, nếu không kịp phun thuốc thì chúng tôi cũng sẽ trắng tay”.

Sự lệ thuộc vào thời tiết khiến nhiều năm nay, thị trường đào, hoa, cây cảnh phục vụ Tết ở TP Hà Nội luôn mất ổn định. Khi thời tiết thuận lợi thì thị trường hoa, đào dồi dào nhưng người bán lại bị mất giá và ngược lại. Trước những khó khăn trên của người dân, rất mong các ngành chức năng có những dự báo và các biện pháp kỹ thuật nhằm giúp người dân bớt lệ thuộc vào thời tiết, góp phần ổn định thị trường đào, hoa, cây cảnh ngày tết và giữ người dân gắn bó với nghề.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/26/26/225594/Default.aspx