Ngôi sao bị ép phải công khai giới tính

Nam diễn viên 18 tuổi Kit Connor phải công khai mình là người song tính, sau nhiều tháng bị quấy rối trên mạng xã hội.

Kit Connor công khai là người song tính. Ảnh: Emily Malan.

"Tôi là người song tính. Chúc mừng vì đã ép buộc được một người 18 tuổi công khai xu hướng tính dục của mình. Tôi nghĩ một số người đã lỡ mất nội dung bộ phim. Tạm biệt".

Kit Connor, nam diễn viên thủ vai thiếu niên song tính Nick Nelson trong loạt phim nổi tiếng Heartstopper, đã come out (công khai giới tính) theo cách hoàn toàn không thoải mái, sau vô số tin đồn, sự chỉ trích vô cớ trên mạng xã hội.

Trước đó, Connor bị buộc tội "lừa dối" fan của bộ phim sau khi có tin đồn anh hẹn hò với một phụ nữ. Từ chối thảo luận công khai về xu hướng tính dục của mình, ngôi sao trẻ tuổi bị quấy rối đến mức suy sụp.

Sự phức tạp của "queerbaiting"

Trong Heartstopper, loạt phim dành cho lứa tuổi mới lớn với cốt truyện mới lạ, Connor đóng vai một cầu thủ bóng bầu dục trung học người Anh Nick Nelson, đồng hành cùng với bạn học Charlie Spring, do Joe Locke thủ vai. Trong suốt 8 tập phim, Nick bắt đầu đặt câu hỏi về giới tính của chính mình khi tình cảm của anh dành cho cậu bạn Charlie ngày càng lớn.

Bộ phim được đón nhận nồng nhiệt khi ra mắt trong năm nay và đã chuẩn bị cho mùa thứ hai. Đây là một trong những bộ phim đầu tiên lấy nhân vật LGBTQ+ làm trung tâm và hướng đến khán giả thanh thiếu niên.

Sau thành công của phim, mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những bình luận kêu gọi Connor công khai xu hướng tính dục của mình. Đáp lại, nam diễn viên từng viết trên trang cá nhân: "Twitter thật sự hài hước, rõ ràng một số người ở đây biết rõ về giới tính của tôi hơn cả tôi".

Kit Connor chịu nhiều áp lực, sự soi mói sau thành công của "Heartstopper". Ảnh: Rob Youngson.

Tuy nhiên, áp lực không giảm bớt. Connor trở thành mục tiêu của những gì mà đám đông trên mạng xã hội gọi là "queerbaiting".

Queerbaiting ban đầu là một lời chỉ trích nhắm vào các bộ phim và chương trình được quảng cáo là đại diện cho LGBTQ+ nhưng thực tế không miêu tả chính xác về cộng đồng. Lời quảng cáo chỉ nhằm thu hút khán giả LGBTQ+ mà không đánh mất bộ phận người xem dị tính.

Ví dụ như các đạo diễn của Avengers: Endgame giới thiệu phim sẽ ra mắt nhân vật LGBT đầu tiên của vũ trụ Marvel, nhưng thực tế đó chỉ là một câu thoại của nhân vật phụ giấu tên.

Về sau, queerbaiting thường dùng để chỉ người. Bất kỳ người nổi tiếng nào cũng có thể trở thành mục tiêu vì những phát ngôn, hành động không rõ ràng. Nếu trước đây, các ngôi sao thường bị chỉ trích vì kỳ thị đồng tính thì ngày nay queerbaiting là lý do phổ biến hơn.

Không có quyền lựa chọn

Ngoài Kit Connor, Harry Styles là một trong những ví dụ đáng chú ý nhất của queerbaiting. Nam ca sĩ thường xuyên bị báo chí và người hâm mộ chỉ trích vì từ chối thảo luận về giới tính của mình.

"Tôi đã thực sự cởi mở với bạn bè, nhưng đó là vấn đề cá nhân của tôi. Tôi không cảm thấy đây là điều mà mình phải giải thích", anh nói với Better Homes & Gardens, sau khi đóng vai chính trong bộ phim LGBT My Policeman.

Taylor Swift cũng bị chỉ trích là "queerbaiting" khi sử dụng hình ảnh gắn liền với cộng đồng đồng tính nữ là hoa oải hương trong ca khúc mới Lavender Haze. Nhiều người cáo buộc Swift ám chỉ đến các chủ đề LGBT nhưng lại không thảo luận công khai về xu hướng tính dục của mình.

Tạo hình của Harry Styles trong phim "My Policeman". Ảnh: Karwai Tang.

Với queerbaiting, khán giả LGBTQ+ thường đặt ra những câu hỏi hóc búa về việc ai sẽ đóng vai các nhân vật LGBTQ+ một cách chính xác. Liệu một người dị tính có thể hóa thân thành người chuyển giới hay không?

Eddie Redmayne, người từng được đề cử giải Oscar cho vai diễn một phụ nữ chuyển giới trong The Danish Girl, cho biết anh rất hối tiếc khi tham gia vai diễn lẽ ra phải được dành cho một phụ nữ chuyển giới.

Tuy nhiên, nhiều người lại thực sự quên rằng come out là một hành trình cá nhân. Những người nổi tiếng giống Kit Connor cũng có quyền lựa chọn thời điểm, không gian và đối tượng mình muốn chia sẻ. Việc dùng queerbaiting để tạo áp lực buộc các ngôi sao come out là đi ngược lại sự tiến bộ.

Nếu hành trình tìm kiếm bản thân của nhân vật Nick Nelson được khán giả đồng cảm, ủng hộ, tại sao Connor lại bị ép buộc đến mức như vậy?

Nếu người hâm mộ Heartstopper thực sự nhớ đến một trong những câu thoại ý nghĩa nhất trong phim: "Đừng cảm thấy mình phải công khai trước khi sẵn sàng", Connor chắc chắn đã có những lựa chọn thoải mái hơn.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngoi-sao-bi-ep-phai-cong-khai-gioi-tinh-post1372116.html