Ngôi nhà Tiền Phong được xây dựng như thế nào?

Ngày 16/11/1953 báo Tiền Phong ra số đầu tiên tại bản Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trước khi về Hà Nội, tháng 8/1954 báo đã cùng các cơ quan của T.Ư Đoàn về Đại Từ (Thái Nguyên) rồi về thị xã Sơn Tây.

Sau ngày thủ đô giải phóng (10/10/1954) báo về Hà Nội. Ban đầu đóng trong một tòa nhà cũ của Pháp ở Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân đội 108). Giữa năm 1955, Báo dời về số 45 phố Hàm Long. Năm 1959 lại chuyển về số 167 phố Phùng Hưng. Đến cuối năm 1961, Báo mới chuyển về số 15 Hồ Xuân Hương cho tới bây giờ.

Người Tiền Phong qua các thế hệ

Đây là một tòa biệt thự 3 tầng, đẹp, có khuôn viên trên 500m2. Trong gần 30 năm, báo Thiếu niên Tiền Phong cùng làm việc ở đây cho đến đầu năm 1990 mới chuyển đi nơi khác.

Những năm 90, Tiền Phong phát triển rất nhanh, Báo đã xây dựng thêm ngôi nhà 5 tầng bên cạnh nhưng vẫn không đáp ứng đủ chỗ làm việc cho cán bộ nhân viên. Vì vậy, đến đầu năm 2001 mặc dù khi ấy Ban biên tập chỉ còn có 2 người: Tổng biên tập - Dương Xuân Nam và tôi - Phó TBT Lương Ngọc Bộ (Phó TBT Nguyễn Văn Minh đã mất tháng 6/2000) vẫn quyết định phải xây dựng trụ sở làm việc mới.

Nên xây mấy tầng và có thể xây dựng được mấy tầng? Chúng tôi đã mời Kiến trúc sư (KTS) trưởng thành phố đến thăm tòa soạn và trình bày dự định của mình. Lần đầu, KTS trưởng chỉ đồng ý cho xây dựng 7 tầng. Tuy nhiên, ở vị trí “kim cương” như thế này mà chỉ xây dựng 7 tầng thì vừa không đẹp vừa lãng phí đất. Chúng tôi tiếp tục kiên trì thuyết phục và lần thứ 2 đến tòa soạn, ông đã đồng ý cho xây dựng 10 tầng nhưng độ cao không được vượt quá 30m. Như vậy, mỗi tầng chỉ cao 3m, sau khi trừ đi khoảng không cho dầm, hệ thống điều hòa và trần thì chiều cao của các phòng chỉ còn hơn 2m, quá thấp. Thêm lần nữa chúng tôi thuyết phục Sở xây dựng, công trình đã được điều chỉnh độ cao mỗi tầng là 3,6m.

Thiết kế ngôi nhà là nhóm kỹ sư trẻ của trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Chúng tôi đã lựa chọn 2 trong số các mẫu thiết kế để các cán bộ nhân viên tòa soạn lựa chọn. Cuối cùng, đại đa số chọn phương án thiết kế như ngôi nhà hiện có.

Ngôi biệt thự 3 tầng cũ

Nếu xây 10 tầng thì tòa nhà sẽ đẹp, tăng hệ số sử dụng đất và Tiền Phong sẽ có nhiều diện tích làm việc, nhưng tiền đâu? Đến đầu năm 2001, khi tính đến phương án xây dựng trụ sở mới, số tiền tích lũy của Báo chỉ có hơn 7 tỷ đồng. T.Ư Đoàn chấp thuận phương án xây dựng Báo đã chọn và trình lên nhưng không cấp kinh phí vì thời điểm đó ngân sách của T.Ư Đoàn cũng đang gặp khó khăn. Khi ấy, đồng chí Tổng Biên tập có quen với lãnh đạo Bộ Tài chính và nhận được lời hẹn sẽ giúp đỡ. Khi đã tương đối yên tâm về tài chính thì thật không may, cuối năm 2002 Chính phủ ra chỉ thị các cơ quan nhà nước không được dùng tiền ngân sách để xây dựng trụ sở. Vậy là tắc!

Cái khó đã ló cái… liều! Bởi nếu tính cả lợi nhuận của 3 năm 2001, 2002 và 2003 thì khả năng của Báo cũng chỉ xây dựng được 6 tầng. Chúng tôi đã bàn đi tính lại mãi và quyết định để công ty CP Tiền Phong góp vốn cùng xây dựng trụ sở. Mặc dù mới thành lập (Công ty CP Tiền Phong thành lập cuối năm 1998), nhưng công ty hoạt động hiệu quả và hoàn toàn có khả năng góp vốn.

Chúng tôi bàn với Phó TGĐ Trần Đức An để Công ty Tiền Phong góp vốn xây dựng 4 tầng, coi như một khoản đầu tư: Công ty Tiền Phong sử dụng 1 tầng, 3 tầng còn lại cho thuê. Chúng tôi làm văn bản báo cáo T.Ư Đoàn, nhưng chờ mãi không thấy trả lời. Chúng tôi nghĩ, đây là việc chưa có chính sách cũng như chưa từng có tiền lệ nên chắc T.Ư Đoàn không thể chấp thuận bằng văn bản. Vì vậy, chúng tôi vẫn thực hiện kế hoạch theo dự kiến. Chúng tôi luôn ở trong tình trạng thấp thỏm lo cho đến khi tòa nhà được xây dựng xong. Chúng tôi đã xác định trước là nếu có chuyện gì thì sẵn sàng chấp nhận, miễn là Tiền Phong có được trụ sở mới.

Trụ sở hiện nay

Tuy nói là “liều” nhưng thực ra là liều có cơ sở. Cơ sở ở đây chính là hiệu quả nó mang lại: Sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, tập thể và người lao động. Trụ sở mới được xây dựng 10 tầng, Nhà nước, mà đại diện là T.Ư Đoàn có một tài sản lớn hơn, báo Tiền Phong có được nơi làm việc khang trang, rộng rãi; còn người lao động có thêm thu nhập nhờ vào lợi nhuận, trong đó báo Tiền Phong vẫn có thêm 51% cổ tức từ công ty. Sau 25 năm sử dụng, tòa nhà hoàn toàn thuộc sở hữu của Nhà nước, còn báo Tiền Phong được toàn quyền sử dụng, có chỗ dự trữ cho sự phát triển trong tương lai.

Đầu năm 2005, T.Ư Đoàn có yêu cầu chúng tôi giải trình và kiểm điểm, nhưng ngay sau đó Chính phủ đã có chỉ thị cho phép cán bộ nhân viên các đơn vị sự nghiệp có thu (như báo Tiền Phong) được góp vốn sản xuất kinh doanh để nâng cao đời sống. Vậy là sự mạo hiểm đi trước một bước của chúng tôi đã đúng. Điều may mắn nhất là nếu chỉ chậm 1 năm thôi, giá xây dựng tăng gấp rưỡi, khi ấy, trụ sở sẽ không thể xây dựng và không biết khi nào Tiền Phong mới có được tòa soạn khang trang như hiện tại. Đây cũng là tờ báo đầu tiên ở phía Bắc xây dựng được trụ sở bằng vốn tích lũy của chính mình.

Sau hai năm chuẩn bị, đầu năm 2003 trụ sở được khởi công. Trong một năm rưỡi chờ đợi xây dựng, Báo phải thuê nhà khách của Bộ tư lệnh biên phòng tại số 25 phố Trần Khánh Dư làm tòa soạn. Tháng 10/2004, mọi người được trở về trụ sở mới xây trên đất cũ tại số 15 phố Hồ Xuân Hương. Và cũng cuối năm 2004, Ban Biên tập báo được bổ sung 2 Phó Tổng Biên tập: Lê Xuân Sơn và Nguyễn Ngọc Nam để chuẩn bị thay thế chúng tôi sau vài năm nữa.

Quanh việc xây dựng trụ sở mới, có nhiều chuyện mà ít người được biết. Như chuyện “ông hàng xóm” đề nghị được lấy tên 15 Hồ Xuân Hương, đổi cái địa chỉ thân thương mà nhiều thế hệ bạn đọc và những người làm báo Tiền Phong đã gắn bó thành 15A. Tổng Biên tập giao cho tôi và Phó văn phòng Đỗ Hà làm việc. Chúng tôi đã kiên quyết từ chối ý định vô lý đó.

Lại còn chuyện cây hoa đại rất đẹp trước sân tòa nhà. Có lẽ nó đã được chủ nhà trồng từ khi xây ngôi biệt thự này và đã gắn bó với người Tiền Phong từ năm 1961. Khi xây dựng trụ sở mới, tôi đã yêu cầu đơn vị xây dựng bằng mọi cách phải bảo vệ cây hoa đại vì nó đã là một phần của Tiền Phong, như một linh vật của tờ báo. Vậy mà năm 2009 nó đã bị chuyển đi nơi khác. Tôi nghe nói là cây hoa đại ấy vẫn còn sống và đang được chăm sóc ở một nơi nào đó. Mong rằng nó sẽ sớm được trở về nơi mà nó đã gắn bó gần 50 năm.

Khi ngôi nhà sắp hoàn thành, bên công ty xây dựng thông báo với chúng tôi là có thể còn dư hơn 700 triệu đồng so với dự toán và tư vấn nên đổi một số vật liệu như các loại cửa và gạch lát nền để sử dụng cho hết số tiền trên. Họ nói đã làm ở nhiều nơi, chỉ thấy phát sinh thêm chứ chưa thấy đơn vị nào lại để dư ra so với dự toán. Nhưng chúng tôi đã từ chối vì đây là tiền do cán bộ phóng viên Báo làm ra, không thể phung phí được.

Sở dĩ thế hệ thứ ba chúng tôi đã làm được một số việc có ích cho sự phát triển của Tiền Phong vì chúng tôi đã tiếp thu và kế thừa những tiền đề cả về vật chất lẫn tinh thần của các thế hệ đi trước. Ít ai biết được rằng anh Đinh Văn Nam nguyên Tổng Biên tập Báo đã nghỉ hưu sớm hơn 2 năm để tạo điều kiện cho lớp trẻ chúng tôi thử sức. Cũng ít người biết rằng, từ năm 1974, dưới sự chỉ đạo của Tổng Biên tập Đinh Văn Nam, báo Tiền Phong đã xin được tự chủ về tài chính, tự hạch toán kinh doanh để nuôi nhau, không nhận lương từ ngân sách Nhà nước. Đến năm 1976, tờ báo đã có lãi và còn đóng góp cho T.Ư Đoàn. Chắc có lẽ Tiền Phong cũng là tờ báo đầu tiên dám làm điều này.

Tiền Phong đi lên và sau này đi lên mạnh mẽ cũng bắt nguồn từ những điều như thế. Thế hệ lãnh đạo thứ 3 chúng tôi đã mạnh dạn, tự tin và đi trước trong việc đa dạng hóa các sản phẩm báo chí của Tiền Phong, xin đất cho anh chị em xây nhà, sau đó thành lập công ty cổ phần TP,… Nhưng cũng còn nhiều việc, nhiều dự định chưa làm được: mong ước phát triển Tiền Phong thành một tập đoàn với tờ báo làm trung tâm; xin đất ở nhiều nơi để liên doanh, liên kết như ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây), hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc), xã Hùng Thắng (Quảng Ninh). Những nơi này, nay đã trở thành những trung tâm du lịch sầm uất, nhưng khi ấy không có nhiều đại gia như bây giờ để hợp tác. Chúng tôi tự thấy khả năng mình có hạn, thời cơ lại chưa tới nên dù có tiếc cũng đành “lực bất tòng tâm”.

Ngay từ thuở hàn vi, đi xin về rồi chia nhau từng con cá, mớ rau, ngay những lúc khó khăn ấy và mãi sau này người Tiền Phong vẫn luôn đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau và nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp của tờ báo.

Đầu những năm 90, Tiền Phong mới có khoảng 60 người. Đến nay, cả sau khi sáp nhập với báo Sinh viên – Hoa học trò, ĐẠI GIA ĐÌNH TIỀN PHONG đã tăng lên khoảng 250 người. Mong rằng mọi người cùng sống trong NGÔI NHÀ TIỀN PHONG luôn phát huy được truyền thống quý báu đó. Hy vọng sau 70 năm phát triển, Tiền Phong sẽ có bước tiến vượt bậc, làm được nhiều việc có ích cho tờ báo và xã hội hơn lớp chúng tôi đã làm.

Thiết kế ngôi nhà là nhóm kỹ sư trẻ của trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Chúng tôi đã lựa chọn 2 trong số các mẫu thiết kế để các cán bộ nhân viên tòa soạn lựa chọn. Cuối cùng, đại đa số chọn phương án thiết kế như ngôi nhà hiện có.

Ngay từ thuở hàn vi, đi xin về rồi chia nhau từng con cá, mớ rau, ngay những lúc khó khăn ấy và mãi sau này người Tiền Phong vẫn luôn đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau và nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp của tờ báo.

Trường An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngoi-nha-tien-phong-duoc-xay-dung-nhu-the-nao-post1586986.tpo