Ngôi nhà thứ 2 của người có công

Những năm qua, bằng tấm lòng, tình cảm tri ân đối với thế hệ cha anh đi trước, Trung tâm Điều dưỡng người có công (NCC) Sa Pa luôn năng động, sáng tạo đưa ra nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho thương - bệnh binh, người có công với cách mạng.

2 năm một lần, ông Nguyễn Xuân Đằng, thương binh 61% ở xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên) được hưởng chế độ điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Sa Pa. Ông Nguyễn Xuân Đằng bày tỏ: Chúng tôi được Đảng và Nhà nước cho đi điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, không khí ở Sa Pa trong lành, cùng với sự chăm sóc tận tình, chu đáo của cán bộ Trung tâm Điều dưỡng NCC Sa Pa, tôi cảm thấy sức khỏe được phục hồi, tinh thần thoải mái.

Mỗi đợt điều dưỡng cho người có công kéo dài 6 - 8 ngày.

Mỗi đợt điều dưỡng cho người có công kéo dài 6 - 8 ngày.

Anh Phạm Tuấn Vũ, Phụ trách Phòng Quản lý chăm sóc đối tượng, Trung tâm Điều dưỡng người có công Sa Pa cho biết: Người đến trung tâm điều dưỡng đều ở độ tuổi đã cao, nên việc ăn uống cần thận trọng, vừa đảm bảo thành phần dinh dưỡng, ngon miệng, vừa phải hợp vệ sinh. Vì vậy, chúng tôi luôn xây dựng thực đơn hợp lý, khoa học với 1 bữa sáng, 2 bữa chính. Ngoài ra, trong mỗi đợt điều dưỡng, trung tâm tổ chức 2 lần liên hoan dành cho người có công vào thứ 2 và thứ 5 hằng tuần. Cùng với ăn uống thì buồng phòng cũng được dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng với các vật dụng thiết yếu đầy đủ nhằm tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho người có công đến điều dưỡng.

Mỗi năm, Trung tâm Điều dưỡng người có công Sa Pa đón tiếp và tổ chức các đợt điều dưỡng cho hàng trăm thương binh và người có công. Mỗi đợt điều dưỡng thường kéo dài 6 - 8 ngày. Riêng trong năm 2022, trung tâm đã tiếp nhận và tổ chức 5 đợt điều dưỡng cho 132 người có công của tỉnh và 2 đợt điều dưỡng cho 157 người có công tỉnh Phú Thọ. Các chương trình hoạt động tổ chức điều dưỡng luôn được xây dựng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, như thăm khám, tư vấn sức khỏe, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động phục hồi chức năng (ngâm chân, massage chân và toàn thân bằng máy)… Cùng với các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thương binh, người có công còn được tham gia các câu lạc bộ: Hồi ký, thơ ca, bóng bàn, cờ tướng... Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện thời tiết, trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa, như chợ phiên Sa Pa, đồi hoa hồng cổ Sâu Chua, tàu hỏa leo núi Mường Hoa, ga cáp treo Fansipan Legend, chợ đêm, chợ tình, cổng trời…

Do người điều dưỡng đều cao tuổi, sức khỏe yếu, thường bị huyết áp cao, vết thương cũ tái phát khi trái gió, trở trời… nên công tác chăm sóc y tế và phục hồi sức khỏe là nhiệm vụ được trung tâm quan tâm hàng đầu. Mỗi đợt điều dưỡng, các đối tượng được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án và điều trị. Hằng ngày, các đối tượng được nhân viên y tế cấp phát thuốc bổ, thuốc chữa bệnh thông thường tại phòng nghỉ và hướng dẫn các bài tập để nâng cao sức khỏe, đồng thời tham gia luyện tập bằng máy tại phòng tập thể dục của trung tâm dưới sự hướng dẫn của cán bộ y tế.

Xác định môi trường sống an toàn, sạch sẽ, gần gũi với thiên nhiên chính là góp phần đảm bảo sức khỏe cho mọi người, khuôn viên trung tâm luôn được chăm sóc sạch đẹp, tạo cảm giác thư giãn để đối tượng yên tâm điều trị. Đặc biệt, vườn hoa hồng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Sa Pa là điểm đến quen thuộc của những người yêu hoa. Nhiều loài hoa hồng đua nhau khoe sắc ở nơi đây, như tường vi, hồng Golden celebration, hồng Peace tượng trưng cho sự an bình, Ingrid Bergman của Thụy Điển… các loài hoa đặc trưng của Sa Pa với hương thơm ngát giúp mọi mệt nhọc dường như tan biến.

Đoàn Người có công tỉnh Lào Cai tham quan Đồi hồng cổ Sa Pa vào tháng 6/2022.

Đoàn Người có công tỉnh Lào Cai tham quan Đồi hồng cổ Sa Pa vào tháng 6/2022.

Ông Đinh Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Sa Pa cho biết: Người có công là những người ở độ tuổi cao, sức khỏe đã yếu, lại bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Đây là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm. Các cấp, các ngành cần tuyên truyền mục đích, ý nghĩa công tác điều dưỡng cho người có công, để người có công được hưởng đúng quyền lợi, chế độ điều dưỡng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đổi mới hoạt động điều dưỡng, tạo không khí thoải mái cho người có công đến điều dưỡng. Chúng tôi hy vọng nơi đây sẽ trở thành ngôi nhà thứ 2 dành cho người có công.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364445-ngoi-nha-thu-2-cua-nguoi-co-cong