Ngòi Khù vươn mình

Những ngày tháng 3 khi tiết trời vẫn còn đang xuân, chúng tôi về Ngòi Khù, xã Đạo Viện (Yên Sơn) bắt gặp khung cảnh nên thơ khi tia nắng mảnh mai vương vội trên những mái nhà xây, trải xuống con đường bê tông... Khó khăn đã qua rồi, Ngòi Khù đã vươn mình.

Một thời đã xa

Trong câu chuyện với bà Giàng Thị Chía, một đảng viên kỳ cựu ở đây, người đang giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Khù càng thấy sự đổi thay mạnh mẽ trong nếp nghĩ, cách làm của bà con. Năm nay bà Chía bước sang tuổi 76 rồi nhưng còn hiểu chuyện lắm. Bà kể, cuộc di cư của người Mông từ Hà Giang về đây đã 40 năm rồi. Có 7 hộ gia đình là đồng bào dân tộc Mông cùng đi với bà về Ngòi Khù này nhưng chỉ có duy nhất bà biết nói tiếng Kinh thôi. Bà lặn lội lên huyện làm các thủ tục định canh định cư cho các hộ, lo cho chỗ ăn chỗ ở, vậy nên ai cũng nể phục bà lắm.

Bà Giàng Thị Chía, thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện (Yên Sơn) phát triển kinh tế từ trồng rừng.

Nơi này xưa kia còn hoang sơ, đất đai phì nhiêu, muông thú cũng nhiều nhưng những tập quán lạc hậu của người Mông khiến vẫn nghèo đói triền miên. Bà Chía buồn. Có đêm thức trắng. Chồng bà mất sớm, mình bà nuôi đàn con, giờ nhìn cảnh nghèo của bà con, khiến cái bụng bà càng đau. Bà bảo, xã, huyện tin tưởng bà, giao cho bà nhiều việc lắm, nào là phát triển đảng viên để gây dựng tổ chức đảng, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nhất là tảo hôn, sinh nhiều con, phá rừng... vân vân và vân vân. Bà Chía cười vui bảo thế. Cấp trên giao là phải làm thôi, người Mông nhận lời là làm mà đã làm là ra làm. Từ chi bộ phải sinh hoạt ghép, Ngòi Khù đã có đủ số đảng viên để thành lập chi bộ độc lập, đây là hạt nhân để lãnh đạo người dân xây dựng đời sống mới.

Việc đầu tiên, bà Chía cùng các đảng viên noi gương trồng lúa nước để người dân noi theo. “Ấy dà, cái việc này đâu có dễ, bởi người Mông xưa nay mang cái mai lên nương chọc xuống đất trồng ngô lúa quen rồi, giờ trồng lúa nước hai, ba vụ là khó đấy” - bà Chía kể. Nhưng khó cũng phải làm, không làm thì cái bụng đói thôi, đói sẽ chết dần chết mòn đi đấy. Bà nói với đám trẻ như thế. Trẻ thế này mà cứ ngồi nhà chơi, uống rượu thì cái bụng no sao được. “Đi trồng lúa cùng tao”, bà Chía nói nhẹ nhưng cái uy thì cứ tỏa ra khiến ai cũng nể lắm, răm rắp làm theo. Bà không nhớ rõ vụ lúa nước đầu tiên trồng năm bao nhiêu nhưng thắng lợi lắm, thế là từ 1 vụ, giờ thôn trồng 2 vụ lúa, năng suất đạt trên 62 tạ/ha, sản xuất cả vụ 3 nữa. Cái đói không thành vấn đề nữa rồi.

Bà Giàng Thị Chía, Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện (Yên Sơn) tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cho bà con dân tộc Mông.

Trồng lúa làm tốt rồi, nhưng tập quán phá rừng làm nương vẫn chưa bỏ được đâu. Bà Chía lại đến từng nhà, nói với đứa vợ trẻ bảo chồng không lên rừng chặt cây nữa, hết rừng là hết của đấy. Thì đúng thế, từ khi người Mông về đây, rừng Ngòi Khù cũng bị ảnh hưởng do tập tục lạc hậu ấy. Vừa vận động bà vừa làm, nhà bà nhận 4 ha đất trồng rừng, cây rừng lên tốt lắm, người Mông ở đây lại học theo bà nhận đất trồng cây. Giờ nhiều hộ trong thôn liên doanh với Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn trồng rừng ăn chia lợi nhuận, thuận lắm. Ông Sùng Seo Chính cho biết, vài năm gia đình ông lại khai thác 1 ha rừng trồng, thu về trên 100 triệu đồng. Có vốn ông đầu tư trồng 200 gốc cam Vinh, bưởi Diễn, chăn nuôi 2 trâu. Năm 2023, ông xây được căn nhà mới diện tích trên 120 m2 tổng trị giá trên 500 triệu đồng.

Bước đột phá

Bà Chía dẫn chúng tôi đi một vòng thăm các hộ gia đình trong thôn, nhà nào cũng khang trang, thóc lúa đầy bồ, đàn lợn ụt ịt, đám gà thảnh thơi dẫn nhau đi kiếm ăn...

Một giờ học hát múa của trẻ tại điểm Trường Mầm non Ngòi Khù, xã Đạo Viện (Yên Sơn).

Ông Cừ Seo Dế, Trưởng thôn cho biết, toàn thôn có 35 hộ với 161 nhân khẩu. Năm 2021, thôn Ngòi Khù được tỉnh đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia. Công trình có quy mô 1.754 m đường dây trung áp; 1.792 m đường dây hạ thế 0,4 kV cùng với lắp đặt công tơ, bảng điện, cầu dao, bóng điện đến từng hộ gia đình. Điện về sáng mắt sáng lòng người Mông, nhà nào cũng thi đua trồng rừng, phát triển chăn nuôi quy mô hơn. Toàn thôn có 54 ha rừng, nhà nào cũng có từ trên 1 ha rừng trồng; 50 con trâu, bò, lợn 1.500 con gia cầm. Thu nhập bình quân đạt trên 2,2 triệu đồng người/tháng, 100% hộ dân đều có tivi, xe máy, sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch, trẻ em đến tuổi được đến trường. Thôn huy động bà con làm 1,2 km đường bê tông nông thôn, sửa chữa nhà văn hóa với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng; hoàn thành xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê” dài 600 m do Đoàn Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tài trợ. Thôn có đội văn nghệ, thể thao duy trì nhiều tiết mục truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Đồng chí Hứa Ngọc Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Viện cho biết, từ dự án, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp diện mạo Ngòi Khù đã có nhiều đổi thay. Người dân Ngòi Khù một lòng tin Đảng, nghe theo chính quyền thi đua phát triển kinh tế, đẩy lùi nghèo đói, lạc hậu. Kết quả điều tra về nhà ở tại Ngòi Khù có đến 10 hộ xây được nhà hoành tráng, các hộ đều có công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn, cuộc sống mới đã hiện hữu trong mỗi nếp nhà người Mông nơi này.

Ghi chép: Minh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ngoi-khu-vuon-minh-189327.html