Ngồi khoanh tay rế

'Đêm năm canh ngồi khoanh tay rếNgày sáu khắc ngô phế nông tangBây chừ khó liệu khôn hànVì đâu nên thiếp phụ chàng, chàng ơi...'.

Nằm vắt chân chữ ngũ, phe phẩy chiếc quạt giấy trên tay để xua cái nóng hầm hập ngày hè, mắt nhìn qua khung cửa sổ, cha tôi khe khẽ hát, giọng vừa đủ cho mình nghe. Khúc hát theo dạng bài chòi này tôi nghe ông hát nhiều lần rồi và lần nào cũng nhận ra chất hồn nhiên, tự phát. Cứ như cha chẳng hát mà chính ông đang thở ra cái thanh âm kia, thở ra giọng điệu từ chính lòng mình.

Ông hát cho chính ông nghe, say sưa, chân chất, hát mà không cần để ý xung quanh có ai đang lắng nghe cái giọng quê mùa cục mịch của mình. Có thể lúc ấy ông đang thả hồn theo một hồi ức xa xăm nào đó. Hát vì thế như một nhu cầu tự thân, một thúc ép tự nhiên từ phút giây cao hứng trong lúc ông ngả lưng nghỉ trưa sau nhiều giờ bận rộn.

Giả bộ loay hoay với công việc, tôi thích thú lắng nghe giọng bài chòi lúc bổng lúc trầm kia, miệng mỉm cười một mình. Đó là nét cười lém lỉnh của thằng con nhận ra cha mình đang vui. Chắc chắn một trăm phần trăm như thế rồi. Chỉ khi vui cha mới ngân nga cao hứng. Đâu riêng cha tôi, ai cũng thế mà! Lòng không vui, không hứng khởi thì làm sao miệng cất lên câu hát điệu hò! Dù lời lẽ của khúc bài chòi kia gói ghém nỗi niềm đôi lứa nhưng chắc chắn người hát không hề bi lụy.

Hát vì vui thôi mà, mấy ai để ý nội dung ca từ, nhất là lúc hứng khởi tự ru mình vào giấc ngủ hoặc sửa soạn cho một buổi bận rộn đang chờ. Kìa, sau khúc bài chòi quen thuộc đậm chất phương ngữ xứ Quảng, giọng cha tôi chuyển sang các câu ca dao hào sảng khác, những "Trời mưa trời gió, vác đó đi đơm, chạy về ăn cơm, trở ra mất đó. Kể từ ngày xa đó, đó ơi…" hoặc "Ngó lên mây trắng trời xanh. Thương ai cũng vậy, thương anh cho rồi…".

Cha hát say sưa. Ông không hề biết con trai mình lúc ấy cũng thấy lòng vui biết bao vì hiểu rằng hẳn thân sinh mình vừa trải qua một buổi sáng êm đềm, không điều gì khiến ông phiền hà hay nhọc tâm. Nó khác hẳn những buổi cha tôi ngồi một mình nghiêm nghị, trầm tư vì một chuyện không vui nào đó mà mình vừa gặp phải, những lúc ông bực bội rầy la anh em chúng tôi vì nhận ra có đứa hoang nghịch, lỗi lầm. Càng nhớ những khoảnh khắc không vui ấy, tôi càng thấy quý cái giai điệu "ngồi khoanh tay rế" kia từ giọng hát của cha cùng dáng ông nằm thư thái trên chiếc phản gỗ giữa trưa hè.

Không như chồng mình, mẹ tôi hiếm khi có những khoảnh khắc cất giọng như thế. Chưa bao giờ tôi nghe mẹ hát khi ngồi một mình, chỉ nghe bà hát ru cháu bên tao nôi hoặc cùng ngân theo cái đuôi à ơi vào lúc đứa cháu nội lên ba của bà tập hát. Mẹ chỉ hát thầm theo các bài vọng cổ hoặc khi xem các tuồng hát bội, cải lương mà bà ưa thích như "Lưu Bình - Dương Lễ" hay "Phạm Công - Cúc Hoa". Nhìn mẹ ngồi đưa cả hai chân vào lòng ghế salon, hai tay vòng đầu gối, mắt say sưa dõi theo cảnh Lưu Bình tìm gặp Dương Lễ sau lúc vinh quy, tôi hiểu lúc ấy mẹ cũng đang hát thầm trong bụng với biết bao xúc cảm. Có đứa con nào không hào hứng theo khi nhìn thấy ánh mắt say sưa, vành môi mấp máy cùng dáng ngồi hiền hòa tự tại kia của người mẹ sau bữa cơm chiều!

Cũng vậy, có người nào không hứng khởi, yên tâm khi vào phút giây nào đó trong ngày đột nhiên nghe được một giai điệu cất lên từ vợ chồng, con cháu mình. Bước vào nhà sau lúc tan sở trở về, nghe vọng từ tầng trên tiếng huýt sáo vang ra nơi buồng tắm của cậu út, tôi hiểu con mình vừa trải qua một ngày làm việc trôi chảy, hanh thông. Nghe giọng người bạn đời vừa ư hử theo một giai điệu thịnh hành vừa lặt rau sửa soạn bữa cơm chiều, bao phiền muộn, mỏi mệt của một ngày tất bật bỗng chốc tan biến. Nhiều bữa, nhìn đứa cháu nội 5 tuổi vừa chơi xếp hình vừa nghêu ngao "baby shark, baby shark", tôi cảm nhận được niềm vui và thấy mình cũng hòa theo nét hồn nhiên êm ái từ không gian thơ bé tự khi nào.

Tiếng huýt sáo của cậu con trai vừa xối nước vừa đuổi theo một giai điệu, giọng ậm ừ mà sôi nổi của "bà xã" lúc sửa soạn bữa cơm sum họp, bàn tay dẻo theo điệu múa của đứa cháu vừa tan trường mẫu giáo, tất cả đều bộc phát từ niềm hứng khởi như một phản xạ của niềm vui. Không ép buộc, không khiên cưỡng, tất cả đều mở ra hồn nhiên, chân chất trong không gian gần gụi, đầm ấm, như là báu vật của từng người thân. Cứ như họ không hát, không huýt sáo mà đang tỏ bày niềm vui. Âm thanh và giai điệu thô vụng, thiếu lớp lang bài bản kia nói với tôi là con cháu mình đang vui và mong cha ông của chúng cũng vui theo. Càng thấm thía điều này, tôi càng náo nức chờ đợi cái thanh âm trong trẻo kia mỗi chiều sau giờ tan trường, tan sở hay trong mỗi cuối tuần cả nhà sum họp. Rồi có lúc, không hề chuẩn bị, chẳng rào trước đón sau, tôi nhận ra chính mình cũng bất giác cất lên dăm ca từ quen thuộc, vài giai điệu lâu rồi chợt nhớ. Kìa vui thay, chúng cũng hồn nhiên và hứng khởi như năm xưa cha tôi cất giọng "ngồi khoanh tay rế" giữa trưa hè.

Và ngày mới bắt đầu nhẹ nhàng từ giọng hát người thân.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ, ảnh: lê trọng khang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngoi-khoanh-tay-re-196240205155649789.htm