Ngôi kể của Murakami

Sau 6 năm kể từ 'Những người đàn ông không có đàn bà', Haruki Murakami vừa mới trở lại với độc giả Việt Nam qua tập truyện ngắn 'Ngôi thứ nhất số ít'.

Ra mắt vào năm 2020 trên toàn thế giới, qua tuyển tập này, một Murakami có phần khác lạ đã được giới thiệu đến với người đọc, qua 8 truyện ngắn là 8 mô thức về một giọng kể có phần thống nhất.

Ngôi thứ nhất

Là một tác giả luôn được chờ đón mỗi khi ra mắt các tác phẩm mới, nhiều thập kỷ qua Murakami cuốn hút người đọc bởi một thế giới thiên về huyễn tưởng với những cơn mơ cũng như đời thực liên tục tranh chấp. Những 1Q84, Xứ sở kỳ diệu bạo tàn và nơi chốn tận cùng của thế giới, Kafka bên bờ biển… tính đến giờ đây vẫn duy trì được sức hút của mình, và cũng phần nào góp phần định hình thế giới Murakami mở đầu từ Pinball cho đến dài rộng sau này.

Nhà văn Haruki Murakami. Nguồn: The New York Times

Tuy vậy có một nghịch lý là những tác giả “pop” nhất và hiện thực nhất mới lại là những tác phẩm mang đến danh tiếng cho ông. Chúng là Rừng Na Uy, là Phía Nam biên giới Phía tây mặt trời. Murakami cũng từng nói rằng chính bản thân ông thật lòng không thích những tác phẩm này, và không bao giờ muốn quay trở lại những nhân vật đó, để kéo giãn, nối dài... đời sống của họ như mình thường làm. Điều này gần như cho thấy được thiên hướng sáng tác của ông, khi luôn thoải mái và hiệu quả nhất với những tình tiết nằm ở biên giới của cõi hư thực.

Ngôi thứ nhất số ít mới vừa ra mắt nằm trong dòng chảy khác lạ, khi hướng nhiều hơn về phía hiện thực. Như đúng tựa đề, 8 câu chuyện trong tập sách này đều được kể lại từ một nhân vật dẫn chuyện ngôi thứ nhất, và nó dường như mang nhiều tính chất tự truyện hay bán tự truyện của chính tác giả.

Đáng nói ngôi kể vốn là một điểm đặc trưng trong các sáng tác của ông, thế nhưng phải phải đến tận tác phẩm này ta mới thấy được vai trò cũng như góc nhìn của Murakami đối với cấu phần văn chương mà không nhiều người chú ý khai thác.

Theo đó vào năm 1985, theo lời Jay Rubin – dịch giả thường xuyên chuyển ngữ Murakami sang tiếng Anh, thì nhà văn người Nhật cũng từng cho xuất bản một tập truyện ngắn ghi chép những trải nghiệm thật mà bạn bè và những người quen kể lại với mình. Tuy vậy không rõ vì sao mà sau này ông thú nhận rằng tất cả chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Như vậy có thể thấy rằng dù cho viết từ góc nhìn cá nhân, nhưng Murakami sẽ luôn khước từ tác phẩm của mình là “I-Novel” vốn là dòng văn nổi tiếng ở Nhật.

Từ cảm xúc đó mà có thể thấy Murakami luôn luôn ẩn hiện trong các truyện ngắn một cách gián tiếp. Jay Rubin cũng từng đề cập Murakami không thấy thoải mái khi đón nhận “vị thế của một kẻ sáng tạo toàn quyền thưởng phạt, ban phát tên nhân vật của mình và kể lại hành động của họ theo ngôi thứ ba”. Điều này có phần tương tự Angela Carter khi bà luôn thấy sự thiếu tự nhiên khi dùng mẫu thức đối thoại trong các truyện ngắn của mình. Do đó “boku” hay từ tiếng Nhật chỉ “tôi” một cách trung tính - là thứ ông đã sử dụng nhằm để khước từ quyền uy cá nhân.

Cũng chính vì vậy, ở Ngôi thứ nhất số ít, ta sẽ thấy lại một chàng trai trẻ đang độ trưởng thành ghét học môn toán và đến thư viện để đọc văn học. Đó cũng còn là một người cảm thấy cách xa với cha mẹ mình, cũng như với những mô tả thích đọc trinh thám, đi đến quán bar, thích nghe nhạc jazz và nhạc cổ điển ở tuổi ngũ tuần. Một thời tuổi trẻ của nam nhà văn cũng được tái hiện với các lựa chọn viết lách một cách ngẫu nhiên, không hề đoán định và kết hôn sớm…

Đáng nói đây cũng không phải là lần duy nhất Murakami tự nguyện đưa bản thân mình vào trong tác phẩm, khi ở những truyện trước đó, ông cũng từng đóng vai trò như người mào đầu, một người dự phần để kể lại các câu chuyện. Như thể trong truyện Cơ quan độc lập hay Yesterday của tập Những người đàn ông không có đàn bà, ta thấy ông không đã khéo léo lật ngược tên mình (từ Murakami sang Tanimura), cũng như nói về xuất thân và nghề viết văn như mình vốn là.

Minh họa cho 8 truyện ngắn của Ngôi thứ nhất số ít. Nguồn: The New York Times.

Đánh giá về ngôi kể này, ông cũng nói rằng: “'Tôi’ ở đây, các bạn nên biết, nghĩa là tôi, Haruki Murakami, tác giả của truyện […] Như trong một vở tuồng kiểu cũ nhân vật đứng trước tấm màn, xướng đoạn bắt đầu, rồi cúi chào khán giả. Tôi cảm kích sự kiên nhẫn của quý vị, và hứa sẽ không để quý vị chờ lâu. Lý do vì sao tôi xuất hiện tại đây, đó là vì tôi nghĩ tốt hơn hết cần trực tiếp liên hệ với những sự kiện gọi là kỳ lạ đã xảy ra với tôi. Kỳ thực, những sự kiện kiểu này xảy ra khá thường. Một số quan trọng, và ảnh hưởng cách này hay cách khác đến cuộc sống của tôi.”

Từ những điều trên mà có thể thấy thế giới trong Ngôi thứ nhất số ít là dịp hiếm hoi mà nhà văn này đã mở lòng mình. Ở đó ông chia sẻ về chứng mất trí nhớ của mẹ và sự xa cách với cha (có cảm tưởng đây là phiên bản khác kiểu Annie Ernaux). Ngoài ra đó cũng còn là những người phụ nữ lướt qua đời ông, một cô F* cùng nghe những bản giao hưởng, một cô thiếu nữ với các quy tắc kỳ lạ, và rồi có một cô nàng ở tận vùng quê mà khi gặp lại đã không còn nữa…

Truyện ngắn và sự liên kết

Vì vậy như Jay Rubin đã một lần nói, “boku” của Murakami “có thể gặp phải những câu chuyện lạ kỳ, nhưng anh ta tâm sự với độc giả bằng một giọng văn vừa quen thuộc vừa giống như văn nói – và theo cách nào đó, tách bạch với những sự kiện trong truyện kể ấy – như thể một người bạn đang kể lại những điều mà chính anh đã trải qua". Cho nên “boku” vừa chỉ đích xác một Murakami bằng xương bằng thịt, mà đó cũng là một bản thể khác vốn luôn dịch chuyển dòng thời gian, để mang đến nhiều sự kiện bất khả lý giải.

Do đó với ai từng thích những tiểu thuyết lớn của nam nhà văn, thì đây là tập truyện ngắn có thể thiếu nhiều sức hút. Nhưng nhìn kỹ hơn vào trong văn nghiệp vốn thích liên kết giữa các tác phẩm, thì Ngôi thứ nhất số ít cũng vẫn cho thấy một dòng chảy chung với các trước tác như ông từng nói: “Tôi thường cho xuất bản truyện ngắn trong các tập san, mỗi lúc một truyện ở một nơi, nhưng giờ không như vậy nữa. Tôi chỉ không thích cách này. Nếu viết thành một dòng duy nhất, khi ấy tôi có thể cảm thấy giữa các truyện có mối liên kết với nhau – và viết lẻ từng truyện với tôi thật vô nghĩa. Nếu có thể, tôi muốn viết một lượt năm sáu truyện liên tục”.

Bìa tác phẩm Ngôi thứ nhất số ít.

Vì chính điều trên mà ta sẽ thấy những sự trở đi trở lại trong các tác phẩm của Murakami. Chẳng hạn như truyện Lời thú tội của khỉ Shinagawa kể về một con khỉ biết nói có khả năng lấy đi ký ức của những người phụ nữ mà nó yêu thích, chính là một phiên bản khác của truyện Con khỉ Shinagawa đã từng ra mắt vào năm 2006. Tuy vậy câu chuyện mới này đã giảm bớt đi tình thế hư ảo, chỉ để cho ta một mối nghi hoặc về sự hiện hữu của khả thể trên, cũng như nghi ngờ chính sự thật đó. Nó như một sự chuyển dịch từ vị nghệ thuật sang vị nhân sinh, và cũng bám sát thực tế với một truyện khác là Charlie Parker play bossa nova.

Ngoài ra những cặp đôi khác cũng cho ta thấy những điều tương tự, như With the Beatles với Yesterday (trong Những người đàn ông không có đàn bà, về những con người giờ không còn nữa), hay Trên gối đá với Rừng Na Uy (về sự vô nghĩa cũng như cô độc của cuộc sống này)… Điều này càng làm rõ hơn về việc Murakami sử dụng truyện ngắn như một “sân khấu diễn tập” cho các cố gắng sáng tác dài hơi hơn.

Trong buổi chia sẻ lúc đương là Nghệ sĩ nhiệm trú ở Viện Reishauer vào năm 2005 ở Cambridge, ông cũng đã nói: “Tôi thấy viết tiểu thuyết quả là thử thách, nhưng viết truyện ngắn lại là niềm vui”. Ông chia sẻ rằng khi viết truyện ngắn mình không phải chịu cam kết thời gian cũng như sức lực, và do đó được phép thử nghiệm với những chất liệu xuất hiện ngẫu nhiên. Ông nói: “Bạn có thể tạo ra câu chuyện từ những chi tiết nhỏ nhất – một ý nghĩ bật ra trong đầu, một từ, một hình ảnh, bất kể là gì. Trong hầu hết trường hợp, nó cũng giống jazz ứng tác, câu chuyện cứ dẫn tôi đến nơi nào nó muốn”.

Vì vậy Ngôi thứ nhất số ít vẫn là tác phẩm có phần phong phú của Murakami, khi ông dịch chuyển giữa những chiều kích, khi thì thận trọng với ký ức cá nhân, nhưng cũng có khi sẽ biến đổi nó, và đưa người đọc vào mê hồn trận để gắn nó vào một “cõi Murakami” đã từng xuất hiện nhiều thập kỷ trước. Tập truyện ngắn này như một thử nghiệm của riêng nhà văn, ít nhiều mở ra những khám phá mới, giữa hư và thực, giữa thực vào ảo, và rồi cuối cùng là đến tính không.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ngoi-ke-cua-murakami-39897.html