Ngôi đền cổ ẩn mình giữa rừng xanh

Ẩn mình giữa một khe núi trong quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) có một ngôi đền được dựng chủ yếu bằng đá xanh nguyên khối, đến nay đã hơn 760 năm. Đó là đền nhà Trần (đền Trần) - ngôi đền cổ có ý nghĩa đặc biệt qua nhiều triều đại.

Du khách chụp ảnh những cột đá độc đáo ở đền Trần - Ảnh: YÊN LAN

Du khách chụp ảnh những cột đá độc đáo ở đền Trần - Ảnh: YÊN LAN

Từ bến đò của Khu du lịch sinh thái Tràng An, để đến được đến Trần, du khách đi đò trên dòng sông đẹp như tranh, qua một số hang động kỳ bí trong lòng núi đá vôi rồi theo các bậc đá quanh co mà lên, xuống sườn núi. Đền Trần nằm giữa một khe núi trong vùng lõi của khu di sản thế giới, là điểm đến không thể bỏ qua của khách phương xa.

Sử sách chép rằng: Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư. Nhà vua cho xây dựng 4 ngôi đền, mượn quyền uy của các bậc thánh thần để trấn trạch 4 hướng đông - tây - nam - bắc. Ngôi đền cổ linh thiêng này thờ vị tướng của vua Hùng đời thứ 18, tước hiệu là Thánh Quý Minh đại vương cùng phu nhân của ngài - Minh Hoa công chúa. Thánh Quý Minh là một trong Hoa Lư tứ trấn, trấn trạch ở hướng nam.

Sau khi chỉ huy quân dân Đại Việt kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất và giành thắng lợi vào năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con trai Trần Thánh Tông. Thái thượng hoàng mang theo một số tăng ni phật tử lui về vùng núi Trường Yên (Ninh Bình), lập am tu hành và cho tu sửa lại ngôi đền gỗ của nhà Đinh, đổi tên là đền nhà Trần. Đến nay, ngôi đền đã 761 tuổi.

Đền Trần được dựng theo kiểu chữ nhị, chủ yếu bằng đá xanh nguyên khối được đưa ra từ Thanh Hóa. Đây là ngôi đền cổ nhất nằm giữa vùng lõi khu di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2014.

Điểm nhấn của đền Trần là 4 cột đá xanh nguyên khối ở tòa tiền bái - 4 tác phẩm nghệ thuật mà người xưa gửi gắm bao khát vọng. Cổ nhân đã chạm khắc vào đây theo tích của bộ tứ linh: long, ly, quy, phụng. Ông Dương Đình Thanh - người trông coi, hương khói đền Trần, nói: Cổ nhân chạm khắc 4 cột đá này bằng tâm đức, bằng trí tuệ và sự tài hoa nên đường nét hoa văn rất mềm mại, sống động. Cột đá thứ nhất ở bên phải ngôi đền, tạc phượng hoàng với đôi cánh dang rộng, mỏ to, mắt sáng, bay cao nhìn chếch về phía dưới, thể hiện tinh thần thượng võ. Mỏ phượng hoàng cong dải lụa đào và cuốn thư, biểu tượng tinh thần thượng văn. Cột đá này thể hiện văn võ song toàn. Cột đá thứ hai chạm khắc bầu rượu túi thơ và phượng hoàng bay cao, trên lưng điểm một áng mây hồng, miệng cong dải lụa đào và cuốn thư. Cũng trên cột đá này, cổ nhân chạm khắc rồng giáng hạ hút nước, chống chân lên đầu ly. Khi rồng cuộn lên, rùa từ trong đầm sen ló ra; cá chép ngỡ mình được hóa long, tung lên theo rồng. Cột đá này thể hiện khát vọng thành công của người xưa.

Trên cột đá thứ ba, cổ nhân chạm trổ cây bút, quyển sách. Phượng hoàng hai cánh dang rộng, đầu ngẩng cao, đôi chân nhỏ, chắc như chân gà chọi. Theo ông Dương Đình Thanh, tác phẩm này thể hiện khát vọng sức mạnh Phù Đổng. Còn trên cột đá thứ tư, phượng hoàng hai cánh đan chéo giống như trái tim, mỏ cong dải lụa đào và cuốn thư, mắt nhìn chếch về phía trên, cạnh đó là một đóa hoa cúc đã nở rộ. Còn bên dưới, cung kiếm được gác lại. Tác phẩm nghệ thuật này thể hiện khát vọng hòa bình, hạnh phúc của người xưa.

Bên trong đền, trên bệ thờ, tượng Thánh Quý Minh đại vương được tạc ở tư thế ngồi, đầu đội mũ quan, mắt nhìn thẳng, tay phải cầm chùy, chân chữ ngũ. Tượng phu nhân của ngài - Minh Hoa công chúa cũng được tạc ở tư thế ngồi, gương mặt hiền từ. Bệ thờ Mẫu Thượng Thiên Thượng Ngàn được đặt bên phải ngôi đền.

Hơn 700 năm đã trôi qua, biết bao vật đổi sao dời. Ngôi đền cổ của Hoa Lư tứ trấn vẫn còn đó, kể với con cháu về một chặng đường giữ nước và những khát vọng của người xưa.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/221878/ngoi-den-co-an-minh-giua-rung-xanh.html