Ngọc Duệ và những ca khúc thấm đẫm tình đời

Có thể diễn đạt như trên để giới thiệu cuốn sách đầu tay của nhạc sĩ Ngọc Duệ - “Lấp Vò đẹp mãi tình quê”, ấn phẩm gồm 60 ca khúc, được tuyển chọn từ nhiều ca khúc, sáng tác trong chặng đường hoạt động văn học - nghệ thuật của anh từ trước đến nay.

Nhạc sĩ Ngọc Duệ tên thật là Nguyễn Ngọc Duệ (sinh năm 1953) tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Anh được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Đồng Tháp năm 1991, thuộc chuyên ngành Âm nhạc. Hiện nay, nhạc sĩ Ngọc Duệ là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Lấp Vò.

“Lấp Vò đẹp mãi tình quê” là tên một ca khúc được chọn đặt tên cho cả tập, bởi tính bao quát và tượng trưng của nó. Quê hương Lấp Vò của tác giả cũng chính là mỹ danh của nhiều miền quê khác mà tác giả nhắc đến và hơn thế, đó cũng chính là quê hương Việt Nam thân yêu, đẹp mãi trong cảm hứng của nhạc sĩ cũng như của mọi người.

Về phương diện nội dung (tên ca khúc và ca từ), nhìn một cách khái quát, có thể nói, tính phong phú, đa dạng ở trong tập ca khúc bộc lộ khá rõ. Ngọc Duệ không chỉ viết về Lấp Vò, về Đồng Tháp mà anh còn đặt chân đến và thể hiện cảm xúc của mình qua tác phẩm âm nhạc ở nhiều miền đất khác của đất nước như: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn... Ngọc Duệ không chỉ viết về người lính (nhất là người lính đảo), về người giáo viên mà còn tiếp cận, khai thác đề tài doanh nhân... Với riêng tôi, trong 60 ca khúc này, có 2 mảng đề tài mà nhạc sĩ Ngọc Duệ đã khai thác, để lại dư âm sâu lắng, mênh mang nhất...

Đầu tiên là quê hương, mẹ và tình yêu với những ca từ sâu lắng, thiết tha, nồng ấm: “Khua mái chèo nhẹ lướt trong đêm/Ôi, tóc mẹ nhớ thương ngả bạc thời gian” (Mẹ và quê hương); “Dòng sông nhớ trăng sao/Cầu Cao Lãnh gió hát nồng nàn, thành phố cất lời ca/Tìm yêu dấu về làng xưa bến nhớ/Yêu Đất Sen hồng, yêu chiếc áo bà ba” (Tôi yêu miền Đất Sen hồng); “Ngày gặp nhau dưới cơn mưa/Tiếng thu về xôn xao ru nỗi nhớ/Bóng hình ai vầng trăng khuyết cô đơn/Còn đây dư âm lời ru tơ vương” (Chưa một lời yêu nhau)...

Kế đến là những suy tư chiêm nghiệm hồn nhiên nhưng sâu sắc về cuộc đời, lẽ sống và sự tồn tại của con người trong vũ trụ (tiêu biểu là chùm ca khúc phổ thơ, dựa theo ý thơ của Nguyễn Đình Huân): “Cảm ơn đời cho ta về cõi tạm/Được gặp em trong hạnh phúc tràn đầy/Sông có khúc, đời ta cũng có lúc/Chảy dòng đời lúc nhục, lúc vinh” (Chắc gì có kiếp sau); “Đời người như chiếc lá/Mềm mại và mong manh” (Đời người như chiếc lá); “Cuộc đời cõi tạm mà thôi/Bến thuyền tan hợp ngậm ngùi xiết bao” (Con đò lạc bến)... Có thể nói, Ngọc Duệ là một trong ít nhạc sĩ ở Đồng Tháp đã có nhiều ca khúc viết về lĩnh vực mang tính chiêm nghiệm đầy chất thế sự này. Bởi, đây là một mảng đề tài có thể dễ dàng với văn học hoặc một số lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác, song khá “hóc búa” với âm nhạc, nhất là với ca khúc. Từ trước đến giờ, trong lịch sử ca khúc đương đại, chúng ta chỉ có thể nhắc đến các tên tuổi như: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên... ở lĩnh vực này. Đương nhiên, không thể so sánh Ngọc Duệ với các nhạc sĩ lớn vừa nêu, song nhắc lại để có thể ghi nhận đóng góp của anh với nền âm nhạc non trẻ Đồng Tháp ở một mảng đề tài khó, ít người chọn.

Về phương diện nghệ thuật, 60 ca khúc của Ngọc Duệ thường có cấu trúc thông dụng nhất của ca khúc Việt đương đại, gồm 2 đoạn A, B. Đây là cấu trúc dễ tiếp cận, dễ xử lý đối với người hòa âm, phối khí, người hát, cũng như dễ tiếp nhận, đồng cảm nơi người nghe, người xem.

Ngọc Duệ cũng chỉ sử dụng nhịp đơn, đa phần là 2/4; 2/2; 4/4 (chỉ có 2 bài là nhịp 3/4 - “Đi tìm ngày đó” và 3/8 - “Lối xưa”), cũng là những loại nhịp thông dụng trong sáng tác ca khúc đương đại, tương thích với việc lựa chọn các điệu nhạc phổ biến như bolero, rhumba; tango; ballade; các điệu slow... trong hòa âm, phối khí và biểu diễn.

Trong 60 ca khúc trong “Lấp Vò đẹp mãi tình quê”, Ngọc Duệ hầu hết chọn điệu thức thứ (55/60), nhiều nhất là La thứ, như là một đặc trưng âm nhạc của anh. Như chúng ta đã biết, điệu thức thứ thường êm dịu, mềm mại hơn điệu thức trưởng, phù hợp với các đề tài mà Ngọc Duệ thể hiện trong 60 ca khúc đã điểm qua ở trên. Tôi còn nhìn thấy ở khía cạnh khác, điệu thức thứ thể hiện một phần tính cách con người của Ngọc Duệ: hiền hậu, chân tình, hòa nhập...

Có nhiều ca khúc của nhạc sĩ Ngọc Duệ được thẩm định và đánh giá tốt trong các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác hoặc xét đầu tư hằng năm, không chỉ trong tỉnh mà còn ở ngoài tỉnh. Ca khúc “Ký ức Mỹ Hòa Hưng” đạt giải trong cuộc thi viết về Chủ tịch Tôn Đức Thắng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tổ chức là một ví dụ. Có thể khẳng định, nhạc sĩ Ngọc Duệ là một trong những người góp phần tích cực trong phong trào hoạt động văn học, nghệ thuật và âm nhạc, sáng tác ca khúc ở huyện Lấp Vò nói riêng và miền Đất Sen hồng nói chung.

Đây là cuốn sách đầu tay nhưng cũng là một trong những cuốn sách của một đời dâng hiến, sáng tạo của Ngọc Duệ. Xin trân trọng giới thiệu với đông đảo công chúng và những người yêu thích âm nhạc tập ca khúc “Lấp Vò đẹp mãi tình quê”.

THAI SẮC

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/van-hoa/ngoc-due-va-nhung-ca-khuc-tham-dam-tinh-doi-117218.aspx