Ngoại trưởng Mỹ bị 'lạnh nhạt' tại Iraq sau phát biểu cô lập Iran

Ngoại trưởng Rex Tillerson được đón tiếp lạnh nhạt ở Baghdad khi chính quyền Trump đang tìm cách cô lập Iran, một đồng minh quan trọng của Iraq ở khu vực.

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Rex Tillerson với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 23/10 diễn ra trong bối cảnh Iraq đang đối mặt với diễn biến mới nhất trong cuộc chiến đảng phái và sắc tộc tại nước này khi lực lượng người Kurd đòi ly khai để thành lập nhà nước mới.

Tuần trước, quân đội Iraq đã giành quyền kiểm soát thành phố Kirkuk từ tay người Kurd, lực lượng đang kiểm soát hầu hết miền Bắc Iraq. Cả lực lượng người Kurd và chính phủ Iraq đều quan trọng với Washington trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

"Chúng tôi quan ngại và lấy làm buồn trước những bất đồng xuất hiện gần đây giữa chính quyền khu vực người Kurd và chính quyền trung ương Iraq", New York Times trích lời ông Tillerson cho biết trong thông cáo báo chí sau cuộc gặp với Thủ tướng Abadi.

Ngoại trưởng Rex Tillerson (trái) và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. Ảnh: Getty.

Khẳng định rằng "chúng tôi có những người bạn" tại Baghdad lẫn ở thủ phủ Erbil của khu tự trị người Kurd, ông Tillerson nói "chúng tôi khuyến khích cả hai bên tiến hành thảo luận và đối thoại".

Trước khi ông Tillerson đến Baghdad, văn phòng Thủ tướng Abadi đã gửi đi thông cáo phản đối phát biểu của ngoại trưởng Mỹ kêu gọi lực lượng du kích do Iran chống lưng Hashad al-Shaabi hoặc là giải thể hoặc là rời khỏi Iraq. Dù lực lượng này được Tehran trang bị vũ khí và huấn luyện, họ đều là người Iraq và đã được sát nhập vào quân đội Iraq từ năm 2014.

Các thành viên của lực lượng trên là những người Iraq yêu nước "đã hy sinh to lớn để bảo vệ đất nước", thông cáo của ông Abadi nêu. "Không bên nào có quyền can thiệp vào công việc của Iraq hay quyết định người Iraq nên làm gì".

Trước đó trong cuộc họp báo hôm 22/10 với Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir, ông Tillerson nói "những du kích Iran đang ở Iraq cần quay về nước khi giờ đây cuộc chiến chống IS đã đi đến hồi kết. Bất cứ binh sĩ nước ngoài nào ở Iraq cần phải quay về và để người dân Iraq kiểm soát khu vực từng bị IS chiếm đóng".

Một người phát ngôn của lực lượng Hashad al-Shaabi đồng thời là nghị sĩ quốc hội Iraq nói phát biểu của ngoại trưởng Mỹ là "cáo buộc sai trái và không thể chấp nhận" đồng thời cho thấy "sự thiếu kinh nghiệm".

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ngoai-truong-my-bi-lanh-nhat-tai-iraq-sau-phat-bieu-co-lap-iran-post789860.html