Ngoại giao là điểm sáng đầy ấn tượng của Việt Nam

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, chiều 18/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chịu trách nhiệm trả lời chính các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngồi "ghế nóng" trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn chiều 18/3.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: “Từ sau Đại hội Khóa XIII của Đảng, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước”.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, ngoại giao văn hóa đã trở thành một kênh quảng bá thương hiệu, hình ảnh hết sức quan trọng của các địa phương, của đất nước nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc. Công tác thúc đẩy các hoạt động đối ngoại du lịch được đẩy mạnh. Đến nay, visa công dân Việt Nam đã có thể đi lại thuận lợi ở 55 quốc gia, vùng lãnh thổ (miễn thị thực). Giá trị du lịch 2 chiều (khách quốc tế đến Việt Nam và người Việt Nam du lịch nước ngoài) ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo hiệu ứng kinh tế - xã hội tích cực.

Về thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, từ sau Đại hội Đảng XIII, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức, phục vụ hơn 100 hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhân các hoạt động đối ngoại cấp cao, các ban, bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã ký kết với các đối tác quốc tế hàng trăm cam kết, thỏa thuận hợp tác, trong đó có những thỏa thuận hợp tác có giá trị lớn, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc phát huy vai trò và đóng góp của công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng được các đại biểu nêu ra tại nghị trường. “Khoảng 10% đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài là đội ngũ trí. Thông qua các kênh, tổ chức kết nối, Bộ Ngoại giao đã tổ chức rất nhiều diễn đàn để có thể tập hợp, phát huy của bộ phận hơn 600.000 trí thức kiều bào để đóng góp cho Tổ quốc. Thông qua việc tổ chức giảng dạy tiếng Việt để khơi gợi, lan tỏa lòng tự hào, tình yêu của kiều bào với quê hương”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.

Về chiến lược lâu dài, phải kết hợp chặt chẽ ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hóa, tăng cường vai trò, vị thế, uy tín và lan tỏa hình ảnh của đất nước ta trên trường quốc tế. Hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193/193 quốc gia và lãnh thổ thành viên của Liên hợp quốc; trong đó có 7 đối tác chiến lược toàn diện, 11 đối tác chiến lược và 12 đối tác toàn diện. Thông qua những sự kiện lớn, Việt Nam rất cần tranh thủ để quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa thông qua các hình thức video, tranh, ảnh hoặc ẩm thực... “Có những sự kiện, khách quốc tế phải chờ đợi chỉ để thưởng thức một bát phở của Việt Nam”, ông Sơn chia sẻ.

Đối ngoại văn hóa, trong đó có kích cầu phát triển du lịch là một trong những điểm bứt phá để quảng bá hình ảnh con người, đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. (Ảnh minh họa: Du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại Điểm du lịch sinh thái Hương Tràm, xã Khánh An, huyện U Minh).

“Không có chuyện “việc nhẹ lương cao” đối với lao động di cư bất hợp pháp”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đồng thời khuyến cáo: “Công dân phải hết sức tỉnh táo và không để mình rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Cơ quan ngoại giao đã phải giải cứu nhiều công dân là nạn nhân của tình trạng lao động di cư bất hợp pháp, chủ yếu là ở các sòng bạc, hình thức cưỡng bức lao động bất hợp pháp”.

Với “thẻ vàng” IUU, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng ngoài công tác ngoại giao thì chính ý thức, sự cầu thị của ngư dân, của toàn hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả về chuyển đổi phương thức đánh bắt, chuyển đổi sinh kế cho ngư dân... mới là giải pháp căn cơ lâu dài.

Gỡ "thẻ vàng" IUU cần giải pháp từ gốc là chuyển đổi mô hình đánh bắt, mô hình sinh kế cho ngư dân. (Ảnh minh họa: Nghề lưới ven bờ của ngư dân xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển).

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá: “Chất lượng phiên chất vấn, trả lời chất vấn của 2 Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại giao là trách nhiệm, chất lượng, nắm chặt lĩnh vực quản lý và đúng trọng tâm những băn khoăn, vướng mắc của đại biểu đặt ra. Trên cơ sở này, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để phục vụ cho kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực tài chính, ngoại giao của đất nước trong thời gian sắp tới”./.

Quốc Rin

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ngoai-giao-la-diem-sang-day-an-tuong-cua-viet-nam-a31692.html