Ngô Thảo với bốn nhà văn nhà số 4

Trong ba tập sách xuất bản khi ở vào tuổi 80 của nhà văn Ngô Thảo, tôi có ấn tượng với cuốn 'Bốn nhà văn nhà số 4' do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, vì đó là tập hợp những bài viết về các nhà văn mặc áo lính một thời ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4, Lý Nam Đế, Hà Nội. Hai cuốn còn lại là 'Nghiêng trong bóng chiều'; 'Lặng lẽ những đời văn' cũng đặt ra nhiều vấn đề về đời sống văn học, nghệ thuật rất tâm huyết của tác giả, có dịp chúng tôi sẽ trở lại trong một bài viết khác. Trong sự nghiệp văn chương của mình, Ngô Thảo có hàng chục đầu sách, nhưng có hai tác phẩm 'Nhà văn bàn về nghề văn' và 'Đời người đời văn' thể hiện quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi, đã được trao Giải thưởng Nhà nước.

 Nhà văn Ngô Thảo -Ảnh: T.L

Nhà văn Ngô Thảo -Ảnh: T.L

Những trang văn về một thời hào hùng

Từ những trang viết của Ngô Thảo, bạn đọc tìm thấy tư liệu về vùng đất, con người, sử liệu về chiến tranh; lần theo những bước chân của những nhà văn mặc áo lính, cùng các binh đoàn vượt qua bao đồn bốt, hàng rào kẽm gai, lưỡi lê họng súng của đối phương, từ đảo Cồn Cỏ “chiến hạm không thể đánh chìm”; vùng đất nóng bỏng Khe Sanh từng làm đau đầu những bộ óc ở Lầu Năm Góc; hay đường Trường Sơn huyền thoại, chiến trường Trị Thiên khói lửa đến Tây Nguyên bất khuất, Sài Gòn ngày toàn thắng, khi giang sơn quy về một mối, toàn dân bắt tay xây dựng cuộc sống mới trong hòa bình.

Đọc tác phẩm của Ngô Thảo, có thể thấy đối tượng ông dành nhiều tâm sức nghiên cứu là sáng tác của những nhà văn quân đội, tập trung nhất ở trong tập sách “Bốn nhà văn nhà số 4” gồm các nhà văn: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn - cả bốn nhà văn đều được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là những tên tuổi lớn trong văn học cách mạng và kháng chiến.

Đọc tác phẩm của Ngô Thảo viết về nhà văn Nguyễn Thi (bút danh Nguyễn Thi là tên con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn), mới thấy nhà văn này có một cuộc đời gian nan, oanh liệt. Nguyễn Thi thuộc thế hệ những người trực tiếp cầm súng chiến đấu, rồi được bồi dưỡng trở thành lớp nhà văn quân đội đầu tiên. Hai tập truyện “Trăng sáng” (1960) và “Đôi bạn” (1962) là những tác phẩm mang dấu ấn đầu tiên của Nguyễn Thi, mặc dù trước đó, năm 1952, những bài thơ đầu tiên của ông tập hợp trong tập “Hương đồng nội” được tặng Giải thưởng Cửu Long. Sau một thời gian tập kết ra Bắc, khi có chủ trương của cấp trên điều các nhà văn vào Nam, Nguyễn Thi dù không phải trong diện đi nhưng vẫn tha thiết xin được trở lại chiến trường với bầu nhiệt huyết của một nhà văn năng nổ, tâm huyết.

Vào Nam Bộ, Nguyễn Thi làm cán bộ chính trị và tham gia viết báo, viết văn cho tờ báo Quân giải phóng, Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Nhà văn Nguyễn Thi hy sinh trong đợt tổng tấn công năm 1968. Gia tài để lại của ông là những tác phẩm như: “Người mẹ cầm súng”; “Những sự tích ở đất thép”; “Ước mơ của đất”; “Cô gái đất Ba Dừa”; “Sen trong đồng”; “Chuyện ở xã Trung Nghĩa”… Đặc biệt trước lúc hy sinh, ông nhờ đồng đội chuyển về Tạp chí Văn nghệ Quân đội 24 cuốn sổ tay ghi chép.

Qua công trình “Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập” (phần đầu do nhà phê bình văn học Nhị Ca thực hiện, nhưng khi ông bị bệnh, nhà phê bình văn học Ngô Thảo viết tiếp), bạn đọc có thể hình dung được một nhà văn xông xáo, vừa tham gia chiến đấu, vừa sáng tác và thực tế đấu tranh quyết liệt từ những năm tháng chiến trường Nam Bộ nóng bỏng, sục sôi trong kháng chiến chống ngoại xâm. Trong sổ tay ghi chép của nhà văn Nguyễn Thi, có những điều đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Mai ngày giải phóng, đất nước thống nhất, công việc đầu tiên chưa phải là xây dựng những tượng đài ghi công to lớn mà là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân đã hết lòng vì cách mạng những năm tháng này”.

Trong tập sách “Bốn nhà văn nhà số 4”, Ngô Thảo ghi thể loại là Tư liệu văn học. Nếu hiểu theo nghĩa văn học tư liệu (phi hư cấu) thì nhờ những tư liệu này mà bạn đọc hôm nay có thể hiểu sâu hơn về một thế hệ nhà văn và thời đại họ sống. Đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hai mươi năm ròng rã. Qua những bài viết của Ngô Thảo về nhà văn Nguyễn Khải, bạn đọc thấy được một nhà văn sắc sảo, thông minh trong cảm quan nghệ thuật.

Nguyễn Khải có những tác phẩm có dấu ấn trong nền văn học kháng chiến thời chống Mỹ, hầu hết là truyện ngắn, ký sự, tiểu thuyết như: “Xung đột”; “Tầm nhìn xa”; “Hãy đi xa hơn nữa”; “Chủ tịch huyện”; “Đường trong mây”; “Tháng Ba ở Tây Nguyên”. Sau này về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh ông có nhiều sáng tác là tiểu thuyết, truyện, kịch bản phim, như: “Gặp gỡ cuối năm”; “Khoảnh khắc đang sống”; “Thời gian của Người”; “Điều tra về một cái chết”; “Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu”; “Một thời gió bụi”; “Hà Nội trong mắt tôi”; “Chút hương phấn của đời”…

Ngô Thảo cho rằng tác phẩm nào của Nguyễn Khải cũng nổi bật bởi nội dung gần gũi cuộc sống, nói được nhiều điều về vấn đề đang làm nhiều người lo nghĩ, quan tâm, băn khoăn muốn biết cụ thể và muốn tìm lời giải đáp. “Thật hiếm có nhà văn nào mà tác phẩm lại gắn bó chặt chẽ với những chuyến đi như vậy. Nhưng không ở đâu thấy dấu vết của việc ăn sống nuốt tươi, sử dụng tài liệu một cách sống sượng. Anh có một cái dạ dày khỏe để tiêu hóa mọi tài liệu đời sống, nên những sáng tác kịp thời, gần như cùng lúc với những sự kiện vừa xảy ra lại không bị rơi rụng theo những bản tin thông tấn. Chất ký trong tác phẩm Nguyễn Khải một phần có nguồn gốc từ đó”, Ngô Thảo nhấn mạnh.

Đối với nhà văn Nguyễn Minh Châu, có thể nói đây là bạn văn gần gũi với Ngô Thảo. Suốt cuộc đời cầm bút của mình, Nguyễn Minh Châu có nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng được bạn đọc yêu mến, như các truyện vừa, truyện ngắn: “Cửa sông”; “Những vùng trời khác nhau”; “Cỏ lau”; “Những người từ trong rừng ra”; “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”; các tập tiểu thuyết: “Dấu chân người lính”; “Lửa từ những ngôi nhà”; “Miền cháy”; “Miền đất thân yêu”; “Phiên chợ Giát”…

Trong sáng tác của mình, đề tài chiến tranh, vùng đất Trị Thiên luôn là mối quan tâm của Nguyễn Minh Châu. Ngô Thảo cho rằng, sau cái giản dị của chữ nghĩa, cuộc sống người lính và những mảnh đời của đất nước trong chiến tranh cứ hiện ra xao động, lung linh, nhiều chiều. Thấm đượm trong các trang viết, suy nghĩ của Nguyễn Minh Châu là một nỗi đau nhân thế triền miên, mênh mông và dai dẳng. Rất tiếc giữa những bản thảo dở dang mà Nguyễn Minh Châu để lại, có những trang phác thảo đề cương cuốn tiểu thuyết “Chân trời vỏ đạn” viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 chưa thực hiện được thì nhà văn đã ra đi (ông mất ngày 23/1/1989, lúc mới 59 tuổi).

Trong những ngày cuối đời, Nguyễn Minh Châu có nhiều trăn trở về nghề văn, về sự đổi mới trong văn hóa văn nghệ. Nhà văn từng giải bày: “… Là những nhà văn hiền lành, vô sự, chỉ biết ca ngợi, cả đời chúng ta không làm hại ai, không làm điều ác với ai. Nhưng cái lỗi lớn nhất của mỗi người chúng ta là đã khiếp hãi trước cái xấu và cái ác, nhất là khi cái xấu và cái ác đã nắm quyền lực. Và lâu dần, dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không có nó, cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất…”.

 Những cuốn sách của Ngô Thảo được xuất bản khi ông vào tuổi 80 - Ảnh: T.L

Những cuốn sách của Ngô Thảo được xuất bản khi ông vào tuổi 80 - Ảnh: T.L

Có thể nói cách viết phê bình văn học của Ngô Thảo có sự hiểu biết chiều sâu về tác giả, tác phẩm. Trong số bốn nhà văn nhà số 4, có một sự gặp gỡ chung trong khai thác đề tài ở cùng một vùng đất. Nếu như nhà văn Nguyễn Thi từ Hà Nội đi thẳng vào chiến trường Nam Bộ, thì ba nhà văn còn lại đều có những chuyến đi dài ngày ở chiến trường Quảng Trị và đã có những tiểu thuyết ấn tượng về mảnh đất này.

Đó là “Dấu chân người lính”, “Cỏ lau” của Nguyễn Minh Châu; “Chiến sĩ”; “Ra đảo”; “Họ sống và chiến đấu” của Nguyễn Khải và “Dưới đám mây màu cánh vạc”; “Vùng sáng hỏa châu” của Thu Bồn. Ngô Thảo viết về các nhà văn quân đội một cách gần gũi, hiểu biết, tôn trọng sức lao động nghệ thuật của mỗi người, từ đó khái quát chân dung, từ tác phẩm đến nhân cách nhà văn. Giữa nhà phê bình văn học với nhà văn không có giới hạn; họ sống với nhau như những người lính, ngay thẳng, chân tình, sát cánh bên nhau, yêu thương và tràn đầy sự cảm thông.

Trong tập sách “Bốn nhà văn nhà số 4”, Ngô Thảo dựng chân dung nhân vật khá tài tình, từ tác phẩm, cách kể chuyện tự nhiên. Từ một lần ghé đất mũi Cà Mau, hay những lần về miền Trung, ông nhớ đến các nhà văn, rồi cứ thế là viết, viết như là chuyện kể hằng ngày về những bạn văn. Những bài viết của Ngô Thảo về nhà thơ Thu Bồn, một người con tài hoa của đất Quảng có sức lay động lòng người. Thu Bồn là nhà văn tham gia cách mạng sớm, từ khi mới mười hai tuổi và ông luôn có mặt trên các chiến trường quyết liệt, từ Khu V, Tây Nguyên, Quảng Trị 1972, biên giới phía Bắc, Tây Nam Bộ, nước bạn Campuchia.

Nhân chuyến về dự ngày giỗ và đêm tưởng niệm Thu Bồn do chị Đỗ Thanh Thu (vợ nhà thơ) và con trai Hà Băng Ngàn đứng ra tổ chức nhân Thu Bồn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với sự tham dự của cả ngàn quan khách, bạn bè, người thân và bà con quê nhà, Ngô Thảo liên tưởng đến tính cách và tầm vóc, sự gắn bó của Thu Bồn với đất nước, quê hương. Ông nói: “Chỉ có thể là tài năng Thu Bồn mới có sức tập hợp tự nguyện ấy từ bạn bè và người hâm mộ”.

Nói đến nhà thơ Thu Bồn (1936 - 2003) là nói đến sức sáng tạo không ngừng nghỉ. Lần theo từng tác phẩm, từ những tiểu thuyết, trường ca nổi tiếng (10 trường ca, 10 tiểu thuyết), Thu Bồn còn có nhiều tập thơ được bạn đọc đón nhận như: “Tre xanh”; “Mặt đất không quên”; “Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên”; “Tôi nhớ mưa nguồn”; “Đánh đu cùng dâu bể”…, từ đó hiện lên một nhà thơ với tầm vóc cao lớn, một sức làm việc đáng nể, một tài năng nhiều mặt và quan trọng là một cảm hứng sáng tạo thường trực, mãnh liệt.

Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh, cùng với tiểu thuyết “Vùng sáng hỏa châu”, tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc” gồm 2 tập, 800 trang, Thu Bồn viết về cuộc chiến tranh ác liệt ở Quảng Trị vào năm 1972. Trong “Dưới đám mây màu cánh vạc”, Thu Bồn đã có những trang viết hào hùng về cuộc đời ngắn ngủi mà trải qua nhiều thử thách và lập nên kỳ tích anh hùng của Trần Thị Tâm, người đội trưởng du kích kiên cường, gan góc của đội du kích Mỹ Thủy.

Thu Bồn dày công miêu tả về cuộc chiến với một lực lượng quân sự áp đảo, với những hành động cực kỳ tàn bạo, quân địch đã tàn sát hàng trăm người hòng tận diệt lực lượng và cơ sở cách mạng nhưng ngọn lửa cách mạng vẫn được ấp ủ, nhen nhóm trong xóm làng từ sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân -1968. Cuộc chiến đấu kiên cường, đầy tài trí thông minh, từng bước tiến công kẻ thù, diệt địch để bám dân diệt địch, phá tan sự kìm kẹp của địch, giành một thế đứng mới của đội du kích và dân làng Mỹ Thủy đã được thể hiện bằng một bút pháp hiện thực rất giàu chất sử thi, chân thực đến từng chi tiết mà vẫn đầy sức lãng mạn, bay bổng của người anh hùng, có đủ sức khái quát, có ý nghĩa tiêu biểu cho cả một thời kỳ thử thách khó khăn.

Nhà văn - tác phẩm và nỗi đau nhân thế

Qua ngòi bút của Ngô Thảo, người đọc còn biết thêm nhiều thông tin về đời tư của các nhà văn mặc áo lính. Như cuộc đời của nhà văn Nguyễn Thi là một cuộc đời lao đao, lận đận, tự nỗ lực vươn lên để trở thành nhà văn. Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Ngọc Tấn (sinh năm 1928), quê ở làng Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Lên 9 tuổi, cha ông mất vì bệnh lao, mấy năm sau mẹ đi bước nữa, ông học hành dở dang, sớm phải sống tự lập. Năm 15 tuổi, Nguyễn Ngọc Tấn vào Sài Gòn ở nhờ nhà người anh cùng cha, từ đây được chuẩn bị thêm vốn liếng về văn hóa. Chàng trai 17 tuổi đón Cách mạng Tháng Tám - 1945 như đến với một giấc mơ.

Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, Nguyễn Ngọc Tấn tham gia lực lượng kháng chiến trong đội du kích cảm tử mang tên vị tướng huyền thoại Nguyễn Bình, rồi chuyển vào bộ đội chiến đấu. Nhờ chút năng khiếu văn nghệ, ông được cử đi học rồi làm chính trị viên trung đội. Ông lập gia đình với cô nữ sinh Sài Gòn hoạt động bị lộ phải ra vùng kháng chiến. Được tổ chức đồng ý, hai người kết hôn, dựng chòi làm mái ấm ở rừng Tha La, Tây Ninh. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), Nguyễn Ngọc Tấn theo đơn vị tập kết ra Bắc, còn người vợ ở lại miền Nam. Ngày ông lên tàu ra Bắc, vợ ông sinh con gái (tên là Nguyễn Trang Thu).

Miền Nam trước và sau năm 1960, cách mạng và những người yêu nước bị đàn áp dữ dội. Trong những ngày phải lẩn tránh sự truy đuổi ráo riết của kẻ thù, vợ ông phải đóng giả vợ chồng, rồi lỡ có con với một người cùng hoạt động. Ở miền Bắc, Nguyễn Ngọc Tấn được điều về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Khi được tin người vợ ở miền Nam có con với người khác, Nguyễn Ngọc Tấn đã rất đau khổ, sau đó ít lâu ông xây dựng gia đình mới và có một con trai với người vợ vốn không được học hành đầy đủ. Nhưng khi con trai mới được 6 tháng thì Nguyễn Ngọc Tấn nằng nặc xin tổ chức cho vào chiến trường, ngoài trách nhiệm của một nhà văn quân đội, ông còn mong gặp con gái của mình sinh ra mà chưa một lần gặp mặt. Cho đến ngày nhà văn hy sinh trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân - 1968, mong ước đó vẫn không thành.

Còn nhà văn Nguyễn Khải trong góc nhìn của Ngô Thảo là một nhà văn sắc sảo, thẳng băng. Có lần Nguyễn Khải tự bạch về những trang viết của mình: “Tôi luôn luôn bị thôi thúc nôn nóng nói những điều mình nghĩ cho mọi người, rất có thể những điều mình nghĩ cũng như điều mình nói không đến nơi đến chốn, nhưng ít ra nó cũng gợi cho người đọc suy ngẫm thêm. Tôi tin người đọc. Người đọc của chúng ta bây giờ thông minh lắm. Họ thừa tri thức để đẩy lên cao hơn đến mức cần thiết những gì người viết chỉ mới gợi ra”.

Người ta kháo nhau vì thông minh, sắc sảo quá nên thời trẻ ông không có người yêu. Trong tác phẩm của Nguyễn Khải hầu như vắng bóng lao động quá khứ, chỉ thấy toàn hiện tại. Ông viết nhanh, ào ạt về những cái mới; có khi trong truyện lấy nguyên mẫu là người thật, việc thật ngoài đời, có hư cấu thêm (như truyện ngắn "Sức vượt") nên trong cuộc sống cũng bị nhiều hệ lụy, nhà văn gặp phải sự kiện tụng của một số người rất phiền hà liên quan đến tác phẩm văn học đã xuất bản.

 Làng quê thanh bình - Ảnh: ĐÀO TÂM THANH

Làng quê thanh bình - Ảnh: ĐÀO TÂM THANH

Riêng nhà văn Nguyễn Minh Châu thì có một đời sống gia đình đặc biệt và Ngô Thảo cũng đã công bố câu chuyện này qua ký ức của nhà văn Thái Bá Lợi. Thời cải cách ruộng đất, bố Nguyễn Minh Châu bị đấu tố là địa chủ, cường hào ác bá. Nhà ông có khoảng 20 mẫu ruộng, 10 chiếc thuyền đánh cá và ông có làm lý trưởng.Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, ông khao cả một tiểu đoàn nhiều bữa trong nhà để chiến sĩ lên đường chiến đấu.

Có một nhạc sĩ nghiệp dư của tiểu đoàn đã sáng tác bài hát ca ngợi cụ, mở đầu là câu: “Làng ta có ông Lý Bích…” (chị Bích là con đầu trong gia đình). Trong cải cách ruộng đất, ông bị đấu tố và tòa tuyên án: “Tên Nguyễn Huy P. đáng bị tử hình, nhưng vì có 5 người con đi bộ đội nên hạ xuống chung thân”. Ông cụ mất sau đó ít lâu. Nhà văn Nguyễn Minh Châu là em út trong 5 người con của gia đình đi bộ đội. Ngô Thảo viết: “Chuyện đau lòng đó trong cả ngàn trang truyện, chưa thấy nhà văn động đến bao giờ”.

Hay như cuộc đời của Thu Bồn qua trang viết của Ngô Thảo cũng hiện lên lắm nỗi truân chuyên. Ngô Thảo thốt lên: “Có lẽ không có thời nào, không có một đất nước nào như ở nước ta, bao nhiêu tình yêu đẹp đẽ lại sản sinh ra những sinh linh không hoàn chỉnh”. Đó là Ngô Thảo nói về chuyện tình của Thu Bồn với người vợ đầu - nữ biệt động Sài Gòn Đỗ Thanh Thu, là bạn học cũ của Thu Bồn từ nhỏ ở quê. Quý mến tác giả trường ca “Bài ca chim Ch’rao”, đích thân Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công liên hệ với Thành ủy Sài Gòn xin cô y tá Đỗ Thanh Thu ra Khu V công tác. Kết quả mối tình nồng thắm của họ là sự ra đời của hai đứa con, nhưng đều bị nhiễm chất độc da cam, một đứa mất, một đứa bị bệnh thần kinh. Bởi thế sau này có thêm mấy đời vợ nhưng Thu Bồn không dám sinh con vì sợ sẽ sinh ra những đứa con tật nguyền.

Âm thầm nén nỗi đau, có lẽ niềm vui còn lại của Thu Bồn là chuyên tâm đi và viết, cho đến khi ông đột quỵ trong một lần nói chuyện về văn chương ở Kon Tum. Ngô Thảo cho biết, những năm cuối đời, sau khi về hưu, Thu Bồn muốn tìm một nơi cư trú ở thành phố quê nhà (Đà Nẵng), nơi từng gắn bó nhiều năm trong chiến tranh và cả thời kỳ đầu xây dựng, nhưng không thể. “Hộ khẩu tôi nhập cuộc với tình yêu/Thành phố hỡi! Đừng gọi tôi là “tạm trú”. Sau một đời chiến trận, nhà thơ - người lính đã không tìm được hộ khẩu ngay trên quê hương của mình.

Như đã đề cập, là nhà phê bình văn học chuyên viết về những nhà văn quân đội, ngòi bút của Ngô Thảo thể hiện sự dày công thu thập tư liệu, quan sát, ghi chép về nhân vật một cách cẩn trọng, nâng niu. Văn phong phê bình, tiểu luận của ông trong “Bốn nhà văn nhà số 4” được thể hiện trong sáng, gần gũi đời thường. Qua lăng kính của Ngô Thảo đem đến cho bạn đọc cảm giác thêm yêu quý, kính trọng những nhà văn mặc áo lính và không khí sáng tạo văn học sôi nổi của một thời kháng chiến gian lao nhưng hào hùng.

Ngày ấy tay cầm súng tay cầm bút, họ đã đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với sự cống hiến, hy sinh vô điều kiện. Trong số họ, phần nhiều đã ra đi về cõi thiên thu nhưng tác phẩm của họ vẫn còn ở lại với đời sống văn học hôm nay và mai sau. Ngô Thảo là một trong những nhà phê bình văn học sắc sảo, chân tình, thẳng thắn, khách quan, sống và viết hết mình vì đồng đội, góp phần làm cho tác phẩm của thế hệ nhà văn mặc áo lính ngày ấy trở nên bất tử.

Minh Tứ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=164683&title=ngo-thao-voi-bon-nha-van-nha-so-4