'Nghiện' mạng xã hội khó cai không kém ma túy

Theo một nghiên cứu thực nghiệm, những người 'nghiện' mạng xã hội thường cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, thiếu thốn, lo lắng khi thiếu mạng xã hội.

Mạng xã hội đang ngày càng phát triển và trở thành sân chơi rộng lớn để giao lưu, chia sẻ và kết nối mạnh mẽ. Theo nghiên cứu của We Are Social Media, tháng 1/2017, với dân số khoảng 93 triệu người, Việt Nam có hơn 46 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng mạng xã hội. Trong đó, Facebook mới xuất hiện tại Việt Nam năm 2009, đã nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Thời gian trung bình vào mạng xã hội là 2 giờ 39 phút mỗi ngày, tập trung ở lứa tuổi từ 18 đến 34.

Có hơn 46 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. (Ảnh minh họa. Nguồn: KT)

Có hơn 46 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. (Ảnh minh họa. Nguồn: KT)

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã hình thành những hành vi và biểu hiện tâm lý mới ở con người như thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng hay cách thức thể hiện cá tính bản thân, trong đó có cả những thay đổi tích cực và những biến thiên tiêu cực dẫn đến nhiều vấn đề.

Trong hội thảo “Tác động của mạng xã hội tới tâm lý người dùng 2017” được tổ chức mới đây tại trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, các chuyên gia đã đưa ra những thông tin đáng báo động về tình trạng “nghiện” mạng xã hội cũng như những tác động tới tâm sinh lý người dùng.

TS Trần Thành Nam chia sẻ về tác động đến tâm lý người dùng của mạng xã hội.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu của Chuơng trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), TS Trần Thành Nam cho biết: “Báo cáo Tác động tâm lý của mạng xã hội với tâm lý người dùng 2017 là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phương pháp thực nghiệm 72 giờ không Facebook để đo lường sự thay đổi trạng thái tâm lý của người tham gia và mức độ gắn bó với Facebook sau 3 ngày. Kết quả đáng chú ý là gần 43,1% người tham gia thực nghiệm đã vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên tham gia. Những trạng thái cảm xúc thường thấy ở mức cao hơn trung bình quá trình diễn ra thực nghiệm là khách thể tham gia cảm thấy mất kết nối với bạn bè, lạc hậu do không nắm được các thông tin đang diễn ra và luôn bứt rứt, thiếu thốn một thứ gì đó".

Còn theo Phó Giáo sư Bùi Thị Hồng Thái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sinh viên thường sử dụng mạng xã hội với mục đích tương tác và giải trí trên mạng ở mức cao nhất, tiếp đó là mục đích thể hiện bản thân như bày tỏ cảm xúc, ý kiến, chia sẻ khó khăn tâm lý và ở mức thấp nhất là việc sử dụng mạng xã hội nhằm kinh doanh và thử nghiệm cuộc sống. Sinh viên sử dụng mạng xã hội thường chịu áp lực về mặt thời gian, khi thời gian sử dụng mạng xã hội càng tăng lên, sẽ càng ảnh hưởng đến việc học hành, giao tiếp, sức khỏe của các em.

Bác sỹ Vũ Huy Hoàng - Hiệp hội y học nghiện quốc tế cho biết hiện các nước trên thế giới đang có nhiều nỗ lực nghiên cứu đưa ra những tiêu chí chẩn đoán các rối loạn liên quan đến các ứng dụng trên internet. Hiện các rối loạn do nghiện chất gây nên biểu hiện như buộc phải sử dụng, thèm nhớ, thời gian và tần suất sử dụng ngày càng tăng… Do đó, cần dự phòng và can thiệp sớm nhất, trước mắt là các mô hình can thiệp ở viện, trường…/.

Nguyễn Trang - Nguyễn Lai/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/tin-24h/nghien-mang-xa-hoi-kho-cai-khong-kem-ma-tuy-668035.vov