Nghiên cứu tăng mức nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm Văn học nghệ thuật

Ngày 24/10, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 21/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến kết nối với 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước hoặc chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

 Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 21/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 21/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Việc triển khai thực hiện Nghị định trong hơn 8 năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc xây dựng dự toán và thanh, quyết toán kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao hàng năm; góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và phổ biến các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và nhu cầu hưởng thụ của công chúng.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Nghị định cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung kịp thời; đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; Đồng thời, việc sửa đổi còn nhằm đáp ứng sự thay đổi, phát triển trong thực tiễn của hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật những năm vừa qua; bao quát đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, các chức danh sáng tạo, khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động sáng tạo.

“Sau khi tiếp thu đầy đủ các ý kiến, Bộ VHTTDL sẽ giao các cơ quan có liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như cách thức tổ chức thực hiện chế độ nhuận bút, thù lao trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nêu rõ.

Đánh giá tác động của Nghị định 21, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Nghị định được ban hành kịp thời, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội; góp phần cụ thể hóa, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung và chế độ nhuận bút, thù lao nói riêng.

Nghị định đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chi trả nhuận bút, thù lao cho sự sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

Tuy nhiên ông Lê Minh Tuấn cũng cho rằng, sau 8 năm triển khai, một số quy định của Nghị định đã không còn phù hợp. Chế độ nhuận bút, thù lao cho tác giả, bồi dưỡng cho văn nghệ sĩ, người làm nghệ thuật còn thấp, chưa đánh giá đúng mức, chưa tương xứng với tài năng, công sức của người nghệ sĩ sáng tạo.

Do đó, chưa thực sự động viên, khích lệ, tạo động lực cao cho các nghệ sĩ sáng tác và tổ chức, cá nhân đầu tư sáng tạo tác phẩm và chương trình nghệ thuật chất lượng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như đánh giá việc tổ chức thực hiện Nghị định số 21/2015/NĐ-CP; những bất cập và nguyên nhân; khó khăn trong chi trả nhuận bút, thù lao; đề xuất, kiến nghị gì liên quan đến hoàn thiện các quy định tại Nghị định…

 Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng khẳng định Bộ VHTTDL sẽ nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về chi trả nhuận bút, thù lao cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng khẳng định Bộ VHTTDL sẽ nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về chi trả nhuận bút, thù lao cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật

Kết luận tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trách nhiệm, những luận cứ thực tiễn, khoa học. Qua đó. giúp Bộ VHTTDL nắm bắt sát hơn về thực tiễn thi hành và những yếu tố cần thiết cho quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về chế độ nhuận bút.

Cũng theo ông Trần Hoàng, trong giai đoạn tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Đồng thời, khuyến khích sáng tạo, phổ biến các loại hình nghệ thuật truyền thống. Qua đó, thúc đẩy sự tham gia tích cực lao động sáng tạo của các nghệ sĩ, góp phần bảo tồn và giữ gìn giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; góp phần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghien-cuu-tang-muc-nhuan-but-thu-lao-doi-voi-cac-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-post269780.html