Nghiên cứu nhân giống, trồng thâm canh và chế biến măng bát độ: Từng bước xây dựng chuỗi sản xuất và chế biến nông sảnTin khácCông tác dân vận tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằngĐẩy mạnh tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cá

Để góp phần nâng cao chất lượng tre măng Bát độ, nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã triển khai đề tài 'Nghiên cứu nhân giống, trồng thâm canh và chế biến măng Bát Độ tại huyện Hữu Lũng'.

Đề tài “Nghiên cứu nhân giống, trồng thâm canh và chế biến măng Bát độ tại huyện Hữu Lũng” do nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Bá Triệu, nghiên cứu viên Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đảm nhận. Đề tài được triển khai từ tháng 11/2018 đến tháng 12/2021 nhằm hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc và chế biến măng tre Bát độ.

Thành viên nhóm nghiên cứu kiểm tra mô hình trồng, chăm sóc măng tre Bát độ theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng

Thành viên nhóm nghiên cứu kiểm tra mô hình trồng, chăm sóc măng tre Bát độ theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng

Tiến sĩ Nguyễn Bá Triệu, chủ nhiệm đề tài cho biết: Chúng tôi đã tiến hành khảo sát tình hình trồng, chế biến măng tre Bát Độ tại các xã của huyện Hữu Lũng. Qua khảo sát cho thấy kỹ thuật sơ chế, bảo quản các sản phẩm từ măng của người dân còn hạn chế. Người dân chủ yếu bán măng tươi, giá thành phụ thuộc vào thương lái. Một số hộ chế biến măng khô nhưng theo cách phơi nắng thủ công nên dễ bị mốc, hỏng, màu sắc không đẹp mắt, giá thành thấp; chưa có hộ dân nào xây dựng lò sấy với quy mô lớn. Nhiều hộ chưa nắm vững kỹ thuật nhân giống, trồng, khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm dẫn đến thời gian bảo quản, sử dụng ngắn, hiệu quả kinh tế không cao.

Từ thực tiễn trồng, chế biến măng Bát độ trên địa bàn huyện Hữu Lũng, nhóm nghiên cứu đã bổ sung kỹ thuật nhân giống vô tính tre Bát độ bằng cách chiết cành kết hợp sử dụng thuốc kích thích (IBA, NAA). Cách làm này cho tỉ lệ ra rễ đến 100%. Cùng đó, thành viên của nhóm tiến hành thử nghiệm các biện pháp tạo măng khác nhau và chỉ ra phương pháp tốt nhất là dùng đất tơi xốp che phủ trên bề mặt bụi tre và dùng rơm, rạ, lá cây che phủ. Nhờ đó, độ ẩm được tăng cường măng mọc nhiều hơn, cây măng ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ có màu măng trắng, non hấp dẫn người tiêu dùng.

Đối với quy trình sơ chế và bảo quản măng tre Bát độ, nhóm thực hiện đề tài chỉ ra công thức ngâm măng tươi trong nước sạch hoặc nước muối 3%, thái sợi muối khô sẽ tạo được măng chua ngon, màu sắc đẹp, thời gian bảo quản lên đến 9 tháng. Đối với phương pháp sấy khô, tiến hành xây dựng mô hình lò sấy ở nhiệt độ thấp từ 65-70 độ C, mỗi lần có thể sấy 400 kg măng luộc. Măng sau khi sấy tiến hành đóng túi nilong hút chân không để đảm bảo trong thời gian dài mà không bị mốc, hỏng. Ngoài ra, để bảo quản măng tươi với số lượng lớn, nông dân có thể vùi trong cát nhằm duy trì nhiệt độ, độ ẩm ổn định, giúp kéo dài thời gian bảo quản lên 10 ngày.

Để nâng cao năng suất, chất lượng măng Bát độ, nhóm nghiên cứu khuyến cáo nông dân nên để mật độ 400 bụi tre/ha, số cây tre để lại trong 1 bụi từ 10 đến 12 cây, kết hợp với bón phân, phủ đất. Cách làm này giúp cây măng lấy được nhiều dinh dưỡng, từ đó cho năng suất trên 13.300 kg/ha, cao hơn đối chứng hơn 3.000 kg/ha, tăng 28% năng suất. Cùng đó, các thành viên nhóm nghiên cứu cũng triển khai mô hình trồng mới thâm canh măng Bát độ theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10,5 ha, với 65 hộ tham gia tại các xã: Hòa Bình, Quyết Thắng và Thiện Tân. Sau 3 năm, tỉ lệ cây sống trung bình đạt 91,8%, các hộ bắt đầu được thu hoạch với năng suất đạt từ 1.000 đến 2.000 kg/ha.

Ông Nông Văn Dũng, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Năm 2019, tôi trồng 1 ha măng tre Bát độ theo đề tài khoa học do tiến sĩ Nguyễn Bá Triệu. Bên cạnh cấp giống, nhóm nghiên cứu còn hướng dẫn tôi rất tỉ mỉ về cách chăm sóc, bón, phân, tỉa cây. Trong năm 2021 vừa qua, gia đình tôi đã thu được hơn 2.000 kg măng tươi. Mỗi búp măng đều có kích thước lớn, non, trắng đẹp nên thương lái trả giá cao hơn từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg.

Sau khi hoàn thành các mô hình, thí nghiệm, từ tháng 6 đến tháng 9/2021, nhóm nghiên cứu đã xây dựng tài liệu hướng dẫn trồng, chế biến măng tre Bát độ và tập huấn cho 80 lượt cán bộ khuyến nông, khuyến lâm tỉnh, huyện, xã và người dân một số xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng; in 10.000 tem truy xuất nguồn gốc cung cấp cho các hộ trồng, chế biến măng tre Bát độ. Đặc biệt, trong năm 2020 và năm 2021, các thành viên đề tài cùng đại diện hội măng tre Bát độ huyện Hữu Lũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với 3 đơn vị tiêu thụ sản phẩm và một số cửa hàng đồ khô ở các chợ tại thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang. Theo đó, các đơn vị sẽ thu mua măng tre Bát độ với giá từ 10.000 đồng/kg măng tươi, từ 200.000 đồng/kg măng khô đóng gói hút chân tùy theo thời vụ. Như vậy, nông dân sẽ bán sản phẩm với giá thành và đầu ra luôn ổn định.

Với những giá trị mang lại, đề tài “Nghiên cứu nhân giống, trồng thâm canh và chế biến măng Bát độ tại huyện Hữu Lũng” đã được Hội đồng khoa học tỉnh Lạng Sơn nghiệm thu tháng 4/2022. Thời gian tới, nông dân huyện Hữu Lũng tiếp tục áp dụng những kết quả của đề tài vào sản xuất, từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng đến xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/508723-nghien-cuu-nhan-giong-trong-tham-canh-va-che-bien-mang-bat-do-tung-buoc-xay-dung-chuoi-san-xuat-va-che-bien-nong-san.html