Nghiên cứu đột phá ở thịt lợn: Cơ hội cứu sống nhiều người bệnh

Các nhà nghiên cứu Đại học Yale (Mỹ) cho biết đã có thể khôi phục lưu thông máu và các chức năng tế bào khác ở lợn một giờ sau khi chúng chết.

Điều này cho thấy các tế bào không chết nhanh như các nhà khoa học đã nghĩ. Khi có thêm các nghiên cứu, một ngày nào đó, kỹ thuật tiên tiến trên có thể giúp bảo quản các cơ quan nội tạng của con người lâu hơn, giúp nhiều người được cấy ghép các bộ phận hơn.

Tế bào của lợn được “hồi sinh”

Các nhà khoa học đã sử dụng một hệ thống mà họ phát triển có tên là OrganEx cho phép oxy được tuần hoàn lại khắp cơ thể một con lợn chết, giúp bảo tồn các tế bào và một số cơ quan của lợn sau khi tim ngừng đập.

Giáo sư Nenad Sestan là người đứng đầu nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature. Theo ông, điều này cho thấy sự chết của các tế bào có thể được dừng lại và chức năng của chúng ở các cơ quan quan trọng có thể được phục hồi ngay cả một giờ sau khi cái chết diễn ra.

Phó Giáo sư Sam Parnia tại trường Y Grossman của Đại học New York (Mỹ) là người không tham gia nghiên cứu trên. Ông nói, đây là một nghiên cứu thực sự đáng chú ý và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó chứng minh sau khi chết, tế bào trong các cơ quan động vật có vú (bao gồm con người) như não, không chết trong nhiều giờ. Điều này kéo dài tới giai đoạn sau khi chết.

Hệ thống OrganEx bơm một chất lỏng gọi là perfusate, được trộn với máu, đi khắp các mạch máu của lợn đã chết. Chất lỏng này có chứa một dạng tổng hợp của protein hemoglobin cùng một số hợp chất và phân tử khác giúp bảo vệ tế bào và ngăn ngừa cục máu đông.

6 giờ sau khi điều trị bằng OrganX, nhóm nghiên cứu nhận thấy một số chức năng tế bào quan trọng đã hoạt động ở nhiều bộ phận trên cơ thể lợn, bao gồm cả ở tim, gan và thận cùng một số chức năng của cơ quan đã được phục hồi.

OrganX được xây dựng dựa trên nghiên cứu trước đó có tên BrainEx mà chính các nhà nghiên cứu này công bố vào năm 2019. BrainEx cung cấp máu nhân tạo đến não của lợn, ngăn chặn sự suy thoái của các chức năng thần kinh quan trọng.

So sánh các mô được điều trị bằng hệ thống ECMO hiện có (cột bên trái) và hệ thống OrganEx mới (cột bên phải).

Làm thế nào để áp dụng cho người?

Năm nay, tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ), một bệnh nhân 57 tuổi tên là Bennett đã được cấy ghép trái tim của lợn. Trong vài tuần, trái tim lợn này hoạt động tốt và không có dấu hiệu bị đào thải. Ca phẫu thuật mở ra hy vọng về việc cấy ghép nội tạng giữa các loài trong tương lai có thể giúp giải quyết vấn đề thiếu nội tạng người. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng, sức khỏe bệnh nhân Bennett chuyển biến xấu và ông đã qua đời.

Mặc dù nghiên cứu trên vẫn đang ở giai đoạn đầu và chỉ mang tính thử nghiệm, các tác giả cho biết họ hy vọng nó có thể áp dụng cho người, chủ yếu về mặt phát triển các cách để mở rộng cơ hội cấy ghép nội tạng. Nguồn nội tạng hiện vô cùng hạn chế và hàng triệu người trên thế giới đang chờ được cấy ghép.

Đồng tác giả Stephen Latham- Giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học Liên ngành Yale cho biết, công nghệ này có rất nhiều hứa hẹn về khả năng bảo quản nội tạng sau khi chúng được lấy ra từ người hiến tặng.

“Bạn có thể lấy nội tạng từ một người hiến tặng đã qua đời và kết nối nó với hệ thống truyền dịch để có thể vận chuyển một quãng đường dài trong thời gian dài trước khi đến người cần nó”, ông nói.

Các nhà nghiên cứu nói rõ rằng họ không có ý định đưa những con lợn trở lại cuộc sống và cần làm nhiều việc hơn để tìm hiểu xem liệu các cơ quan của lợn có thể được sử dụng để cấy ghép hay không.

Theo tác giả Latham, hiện còn quá sớm để có thể nói nghiên cứu cho thấy bất kỳ cơ quan nào của con lợn cũng có thể sẵn sàng cấy ghép vào động vật khác vì chưa biết các cơ quan này có đang hoạt động hay không. Những gì các nhà nghiên cứu đang xem xét chỉ ở mức độ tế bào và sự trao đổi chất.

Tiến sĩ Robert J. Porte thuộc Trung tâm Y tế Đại học Groningen (Hà Lan) cho biết, nghiên cứu có khả năng dẫn đến các chiến lược điều trị mới cho người bị đau tim hoặc đột quỵ.

Chúng ta có thể tưởng tượng, hệ thống OrganEx (hoặc các thành phần của hệ thống đó) có thể được dùng để điều trị những người đau tim hoặc đột quỵ trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, trước hết cần có thêm nghiên cứu để xác nhận tính an toàn trong các tình huống lâm sàng cụ thể.

Tuy nhiên, ông Latham cho biết khả năng trên “khá xa vời”. Theo ông, trước mắt, tiềm năng ứng dụng hứa hẹn hơn của công nghệ này là bảo quản nội tạng để cấy ghép.

Các nhà khoa học đã sử dụng tới 100 con lợn để nghiên cứu và chúng được gây mê khi một cơn đau tim được tạo ra. Theo giáo sư Sestan, nghiên cứu cũng giúp họ hiểu rõ hơn về quá trình chết vốn ít được xem xét.

Giáo sư Sestan cho biết thêm, trong vòng vài phút sau khi tim ngừng đập, có một loạt các sự kiện sinh hóa được kích hoạt do sự thiếu hụt lưu thông máu, đó là chứng thiếu máu cục bộ. Nó dẫn đến việc ngừng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng mà tế bào cần đến để tồn tại. Điều này khiến cho các tế bào bắt đầu bị phá hủy.

Theo ông, điều mà các nhà nghiên cứu muốn đưa ra là sự tiến triển trên dẫn đến suy tế bào vĩnh viễn hàng loạt, nhưng nó không xảy ra nhanh đến mức không thể ngăn chặn hoặc không thể sửa chữa.

Theo CNN

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghien-cuu-dot-pha-o-thit-lon-co-hoi-cuu-song-nhieu-nguoi-benh-post605108.html