Nghiên cứu biện pháp thâm canh, giảm hạt: Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng quýt Bắc SơnTin khácÝ nghĩa qua các chuyến sinh hoạt về nguồnĐảm bảo cơ sở vật chất đón năm học mới

Quýt vàng Bắc Sơn là sản phẩm đặc sản của tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên những năm gần đây, chất lượng quýt vàng Bắc Sơn không ổn định, số hạt trên quả còn nhiều. Do đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng loại quả đặc sản này.

Toàn huyện Bắc Sơn có hơn 520 ha quýt, sản lượng trên 1.700 tấn, doanh thu đạt trên 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn đang gặp phải các vấn đề dẫn đến suy giảm về năng suất, chất lượng. Cụ thể như: quả nhỏ, không đồng đều, xấu mã, vị chua, nhiều xơ, đặc biệt là rất nhiều hạt. Nhiều vườn quýt trước đây có năng suất cao thì nay năng suất giảm đáng kể, thậm chí mất trắng. Nguyên nhân là do các biện pháp kỹ thuật chăm sóc chưa được người dân quan tâm hoặc triển khai thiếu đồng bộ, không kịp thời khiến cây bị giảm tuổi thọ, nhanh thoái hóa. Để khắc phục những hạn chế trên, từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2020, nhóm nghiên cứu do Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hiếu, Viện Nghiên cứu rau quả (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) làm chủ nhiệm đã triển khai thực hiện đề tài: Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật thâm canh, xử lý giảm hạt nâng cao năng suất và chất lượng quýt Bắc Sơn”.

Người dân xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn thu hoạch quýt

Người dân xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn thu hoạch quýt

Triển khai đề tài, nhóm các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của các biện pháp cắt tỉa cành lá, sử dụng phân bón vi sinh, chất điều tiết sinh trưởng, vật liệu giữ ẩm… đối với quá trình sinh trưởng, ra hoa, đậu quả, chất lượng khi thu hoạch sản phẩm quýt Bắc Sơn. Cùng đó tiến hành nghiên cứu các biện pháp làm giảm số lượng hạt, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây quýt…

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hiếu cho biết: Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng GA3 với nồng độ 100 ppm hoặc đồng sun phát CuSO4.5H2O nồng độ 100 ppm giai đoạn trước, trong và sau khi cây ra hoa có tác động rõ rệt làm giảm số hạt/quả. Trong đó, đồng sun phát cho kết quả cao nhất, làm giảm 62 – 73% số hạt/quả. Việc phun các chất này không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu sinh hóa của quả, đồng thời còn giúp cho năng suất thực thu cao hơn so với đối chứng.

Đối với quy trình kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng quýt vàng Bắc Sơn, nhóm triển khai đề tài đề xuất sử dụng các công thức phân bón và chất điều tiết sinh trưởng cho năng suất thực thu đạt 33 – 35kg quả/cây. Cùng đó, sử dụng vật liệu giữ ẩm AMS-1 với liều lượng 100 gam/cây/năm cũng giúp giữ độ ẩm cho đất trong thời kỳ khô hạn, nhất là vào thời điểm phát triển quả và nuôi quả. Việc áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp góp phần làm giảm mức độ gây hại của sâu bệnh, giảm số quả bị thối hỏng từ đó tăng số quả thu hoạch.

Nhóm triển khai đề tài đã xây dựng mô hình thâm canh, xử lý giảm hạt nâng cao năng suất chất lượng quýt vàng Bắc Sơn với quy mô 3 ha (1.500 cây), các cây quýt có độ tuổi từ 6 đến 12 năm. Với mô hình phun CuSO4.5H2O xử lý giảm hạt kết hợp áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật quy mô 1,4 ha, năng suất thực thu đạt 36,5 kg/cây, cao hơn 22,5% và số hạt/quả giảm 44,2% so với sản xuất đại trà. Mô hình thâm canh phun GA3 xử lý giảm hạt kết hợp áp dụng các biện pháp kỹ thuật quy mô 1,6 ha cho năng suất thực thu cao hơn 26,2%, số hạt/quả giảm 29,5% so với sản xuất đại trà. Hiệu quả kinh tế của 2 mô hình đạt từ 273 đến 282 triệu đồng/ha. Doanh thu cao hơn sản xuất đại trà 27 đến 30%.

Ông Đặng Văn Quân, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho hay: Theo nhóm triển khai đề tài hướng dẫn tôi đã áp dụng các biện pháp thâm canh và sử dụng đồng sun phát để giảm hạt đối với 150 cây quýt của gia đình. Kết quả cho thấy, vườn quýt có nguy cơ thoái hóa được hồi phục, quả quýt khi thu hoạch có khối lượng, hình dáng đồng đều, màu sắc sáng đẹp. Đặc biệt, lượng hạt giảm đáng kể so với trước. Hiện nay, tôi vẫn áp dụng các kỹ thuật được hướng dẫn và chia sẻ cho nhiều hộ trồng quýt trên địa bàn cùng áp dụng.

Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm triển khai đề tài đã xây dựng 1 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thâm canh và xử lý giảm hạt quýt Bắc Sơn và tổ chức 1 hội nghị đầu bờ, 2 lớp tập huấn cho gần 100 lượt người dân trên địa bàn huyện. Với những kết quả mà đề tài mang lại, tháng 12/2020, Hội đồng khoa học tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đề tài, đây là cơ sở để từng bước chuyển giao cho người dân áp dụng.

HOÀNG VƯƠNG

THANH MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/519728-nghien-cuu-bien-phap-tham-canh-giam-hat-gop-phan-nang-cao-nang-suat-chat-luong-quyt-bac-son.html