Nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội, nhưng không 'cách lòng'

Ngày 3-4, bước sang ngày thứ ba thực hiện cách ly xã hội, các địa phương, hộ dân từ các quận nội thành đến các huyện ngoại thành Hà Nội đều đang thực hiện khá tốt. Những cách làm hay và sự tuân thủ nghiêm lệnh cách ly xã hội đã và đang tiếp tục phát huy tác dụng.

Phố Định Công (quận Hoàng Mai) hằng ngày vẫn đông đúc xe cộ, nay chỉ lác đác người qua lại.

Phát huy vai trò giám sát của tổ liên gia

Tại quận Long Biên, bà Mạc Thị Huân, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 21, phường Thượng Thanh cho biết, để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện, chi bộ và tổ dân phố tập trung phát huy vai trò của các tổ liên gia và các đảng viên phụ trách hộ gia đình. Theo phân công, các đảng viên phải thường xuyên rà soát gia đình, cá nhân nào có biểu hiện chủ quan, lơ là để nhắc nhở ngay. Vì thế, 3 ngày qua, người dân trong Tổ dân phố 21 thực hiện tốt, cơ bản không có vi phạm.

“Vấn đề là để duy trì đến hết ngày 15-4 thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, duy trì việc giám sát thường xuyên. Càng về sau càng khó khăn, nên chúng tôi sẽ chú ý”, bà Mạc Thị Huân nói.

Chấp hành việc cách ly xã hội, tại phố Nguyễn Viết Xuân (quận Thanh Xuân), nhà nhà đóng cửa, ngoài phố hầu như không có bóng người.

Trên địa bàn các quận Tây Hồ, Đống Đa, Cầu Giấy…, đặc biệt là tại các tòa chung cư, việc phát huy vai trò của các tổ liên gia, các hộ sinh sống cùng một tầng chung cư cũng được đề cao tối đa. Cư dân nhiều tòa chung cư đã tự đóng góp kinh phí để thực hiện phun thuốc sát khuẩn nơi công cộng hằng tuần, mua thêm dung dịch sát khuẩn tay, nhiệt kế điện tử… để giám sát người ra, vào; thường xuyên nhắc nhở nhau đeo khẩu trang khi ra khỏi căn hộ, tòa nhà...

Dãy ki ốt kinh doanh thời trang bên ngoài chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) đã đóng cửa triệt để.

Trong khi đó, thực hiện kế hoạch xây dựng “Tổ dân phố an toàn, ngõ phố an toàn” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Ba Đình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Phạm Thanh Hà cho biết, các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về phòng, chống dịch. Trong đó, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà và thực hiện triệt để công tác cách ly xã hội.

Chị Thịnh Thị Quyên (Khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai) chia sẻ sự ủng hộ phương án cách ly xã hội nhằm ngăn chặn triệt để nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

“Tôi làm kế toán nên có thể mang hồ sơ, tài liệu về nhà làm việc và trao đổi công việc trên mạng internet với các đồng nghiệp. Điều này vừa không làm gián đoạn công việc, vừa giúp tôi có thời gian ở nhà chăm sóc con cái”, chị Quyên nói.

Phố Xa La (quận Hà Đông) vắng vẻ trong thời gian cách ly xã hội.

Cũng nhằm thực hiện yêu cầu cách ly xã hội, các cửa hàng trên các tuyến phố Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu thuộc thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm đều đã đóng cửa. Nhiều cửa hàng dán thông báo để khách hàng biết thời gian nghỉ. Người dân hầu hết sinh hoạt tại nhà, chỉ có một số ít người đi mua một số đồ dùng thiết yếu.

Cách ly xã hội nhưng không "cách lòng"

Thực hiện cách ly xã hội, đời sống người dân có nhiều xáo trộn, nhưng tại vùng ngoại thành đang dần hình thành một nếp sống: Cách ly xã hội nhưng không "cách lòng". Cuộc sống làng quê vẫn êm ả, mỗi người, mỗi nhà có những cách riêng để sống vui, sống khỏe nhưng an toàn và thích ứng với tình hình mới.

Hôm nay là một ngày đặc biệt với gia đình bà Đặng Thị Nhài ở thôn Hòa Mỹ, xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên), bởi cháu trai bà đầy tháng, nhưng gia đình chỉ làm mâm cơm thắp hương gia tiên. Bà Nhài cho biết, hằng ngày, bà ra đồng hái rau lúc sáng sớm, rồi đạp xe một vòng, đi đưa rau cho người nhà, người quen gọi điện đặt mua từ chiều hôm trước.

Từng mớ rau được bà Nhài gói cẩn thận trong túi, treo ở cổng hoặc đặt trước cửa mỗi nhà. Đến nhà ai, bà cũng đánh tiếng: “Rau sạch nhé!”, người trong nhà ra mở cửa lấy rau thì bà Nhài cũng đã đạp xe đi cách cả chục mét.

Trao đổi ở cổng cũng trở thành thói quen của người dân thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô (huyện Ba Vì). Ông Nguyễn Ngọc Nho, Trưởng thôn Cổ Đô chia sẻ, nhiều ngày nay, đa số hộ dân trong thôn “cửa đóng then cài”, hầu như không có người ra ngoài đường. Nếu ai có việc cần trao đổi, chỉ đến đứng ở cổng nói chuyện chứ không vào nhà.

"Đối với việc chung của thôn, chúng tôi không tổ chức hội họp như trước kia, mà chủ yếu thông tin với nhau qua điện thoại. Nếu phải họp, bàn bạc để có sự thống nhất, thì cứ biện pháp người đứng trong nhà, người đứng ngoài cổng, cách xa nhau ít nhất 2 mét và đều phải đeo khẩu trang khi nói chuyện", ông Nho vui vẻ cho biết.

Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở thôn Mỹ Tiên, xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức).

Còn ông Văn Đình Tiến ở thôn Thanh Hội, xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) hóm hỉnh nói: “Cách ly khiến chúng tôi nở phổi, khỏe giọng”. Gia đình ông Tiến có trang trại nuôi gà, vịt. Trước đây, mỗi ngày ra trang trại cho vịt, cá ăn, ông cùng các chủ trang trại khác có thói quen ngồi nói chuyện với nhau bên ấm trà. Tuy nhiên, mấy ngày nay, ông Tiến và “đồng nghiệp” chỉ hỏi thăm nhau từ bờ ao bên này sang bờ bên kia.

Việc nghiêm túc cách ly còn được cả những người trong gia đình nhắc nhở, bảo ban nhau. Bà Đồng Thị Huynh ở thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) cho hay, dù các con cháu sống cùng trong thôn, chỉ cách nhau vài chục mét, nhưng bà gọi điện dặn con cháu không được qua lại nhà nhau, cũng không cần qua thăm bố, mẹ.

"Phòng tránh dịch bệnh cần hạn chế tiếp xúc, dù không ai cấm cản, nhưng tôi nghĩ mỗi người cần có trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và xã hội", bà Huynh khẳng định.

Khác với cảnh yên bình, vắng vẻ tại các con ngõ nhỏ, thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) vẫn có xe cộ qua lại, nhưng chỉ có những cửa hàng thiết yếu được mở cửa theo quy định, còn lại tất cả đã đóng cửa. Theo UBND huyện Ứng Hòa, do có nhiều cửa hàng kiêm nhà dân sinh sống nên hằng ngày, lực lượng chức năng tổ chức tuần tra và nhắc nhở trường hợp mở cửa phải có biển thông báo là đóng cửa hàng, không phục vụ.

Tại huyện Phúc Thọ, các xã, thị trấn trên địa bàn đều đã lập chốt kiểm soát y tế tại các thôn, tổ dân phố, chợ dân sinh. Bà Nguyễn Thị Nhẫn, thôn Bảo Lộc (xã Võng Xuyên) cho biết: “Tôi đi chợ, thấy lực lượng chức năng nhắc nhở người bán hàng, người mua hàng giữ khoảng cách và nếu không đeo khẩu trang theo quy định thì sẽ được yêu cầu về nhà, không cho vào chợ”.

Các chốt ở địa bàn xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì yêu cầu người dân sát trùng và kiểm tra thân nhiệt khi vào các thôn, xóm.

Còn tại địa bàn xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Tạ Đăng Doanh cho biết, thực hiện cách ly, người dân trên địa bàn xã hầu như ở nhà.

“Xã thành lập 18 chốt ở 8 thôn, tổ dân phố để tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội. Ngoài ra, 150/150 cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn xã đều đóng cửa. Hằng ngày, tổ giám sát thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý những hộ không chấp hành quy định”, ông Tạ Đăng Doanh nhấn mạnh.

Mỗi người dân Hà Nội, từ nội thành ra ngoại thành, từ nhà này sang nhà khác, từ phố này đến phố khác, từ phường, xã này sang phường, xã khác... đều đang đồng lòng tuân thủ cách ly xã hội để hướng tới mục tiêu cao nhất là chiến thắng "giặc" Covid-19.

Nhóm PV HNM

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/963275/nghiem-tuc-thuc-hien-cach-ly-xa-hoi-nhung-khong-cach-long