Nghiêm ngặt phòng dịch tại các khu công nghiệp, làng nghề

Trước thực tế Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch ở mức tập trung cao nhất, không được lơ là. Đặc biệt, tại các khu vực tập trung đông người như các khu công nghiệp, làng nghề, lực lượng chức năng phải siết chặt hơn nữa công tác phòng dịch.

Chủ các nhà vườn quất cảnh Tứ Liên, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) có ý thức chấp hành tốt các nội dung phòng, chống dịch theo cam kết với UBND phường.

Chủ các nhà vườn quất cảnh Tứ Liên, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) có ý thức chấp hành tốt các nội dung phòng, chống dịch theo cam kết với UBND phường.

Làng nghề tuân thủ công tác phòng dịch

Địa bàn phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) có nghề gia truyền là trồng quất cảnh, với hơn 20ha nhà vườn, gần 500 hộ trồng quất cảnh. Khảo sát thực tế, chúng tôi thấy các chủ nhà vườn đều có ý thức thực hiện phòng, chống dịch, tại mỗi vườn đều có dán mã QR và sổ khai báo y tế cùng nước sát khuẩn tay cho khách.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ một nhà vườn tại làng nghề cho biết: "UBND phường cấp phát nước sát khuẩn và khẩu trang cho chúng tôi. Trước thực trạng dịch phức tạp, nhà vườn chúng tôi bảo nhau thực hiện đúng cam kết đã ký với UBND phường".

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại làng nghề trồng quất, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên Phạm Quang Thắng cho biết: UBND phường đã ký cam kết phòng, chống dịch và tổ chức tiêm phòng đầy đủ đối với 100% chủ nhà vườn và nhân viên của các vườn. Đồng thời, chỉ đạo 12 tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên nhắc nhở các hộ trồng quất và nhân dân đến mua khai báo y tế và thực hiện "5K". UBND phường cũng kêu gọi xã hội hóa được hàng nghìn chai nước sát khuẩn và khẩu trang y tế cấp phát cho các chủ nhà vườn. Đồng thời, bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm phòng, chống dịch, chúng tôi đồng hành cùng nhân dân làng nghề duy trì phát triển kinh tế, giúp bà con làng nghề quất cảnh tạo Logo, xây dựng thương hiệu quất cảnh Tứ Liên để phát triển kinh tế làng nghề.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng, có một số làng nghề tập trung đông lao động như nghề chế biến lâm sản ở xã Liên Trung, nghề mộc ở xã Liên Hà, Liên Hồng. Trên địa bàn huyện cũng có một số cụm công nghiệp, điểm sản xuất làng nghề. Để thực hiện công tác phòng, chống dịch, huyện đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất chấp hành các điều kiện phòng, chống dịch, thực hiện "5K", nghiêm túc thực hiện khai báo y tế qua mã QR; duy trì hoạt động lưu thông hàng hóa được bảo đảm, các sản phẩm sản xuất trên địa bàn được tiêu thụ kịp thời; kiểm tra hoạt động tại các chợ truyền thống, các doanh nghiệp trong và ngoài cụm công nghiệp.

Lực lượng chức năng xã Cổ Loa, huyện Đông Anh nhắc nhở người dân phòng, chống dịch tại các chợ và khu dân cư.

Lực lượng chức năng xã Cổ Loa, huyện Đông Anh nhắc nhở người dân phòng, chống dịch tại các chợ và khu dân cư.

Nghiêm túc phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp

Bên cạnh việc phòng dịch tại các làng nghề, các địa phương cũng tập trung phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp. Ngày 23-12, khảo sát trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), hiện nay, Khu công nghiệp Hoàng Mai có 54 doanh nghiệp hoạt động. Để bảo đảm an toàn trong sản xuất, từ ngày 1-10, Ban quản lý khu công nghiệp đã thành lập 18 tổ xét nghiệm Covid-19 với 77 người tham gia công tác phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Thăng Long, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai cho biết, hiện nay, toàn thể công nhân, người lao động làm việc ở khu công nghiệp đều được tiêm 2 mũi vắc xin và không có trường hợp nào là F0, F1. Nhưng, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch, Ban đã giao tổ bảo vệ giám sát việc quét mã QR, đo thân nhiệt đối với công nhân, khách đến liên hệ công việc. Đồng thời, chuẩn bị phương án 3 tại chỗ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế, chính quyền địa phương sẵn sàng thu dung, điều trị nếu phát sinh các trường hợp lây nhiễm, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, bảo đảm công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, tính từ ngày 31-10 đến nay, tại Khu công nghiệp Thăng Long đã ghi nhận 114 F0 tại 36 doanh nghiệp, trong đó, phân bố F0 theo địa bàn Đông Anh 55 F0, địa phương khác 59 F0. Huyện yêu cầu các khu công nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm) thực hiện nghiêm công tác phòng dịch để giữ ổn định sản xuất.

Công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm) thực hiện nghiêm công tác phòng dịch để giữ ổn định sản xuất.

Khảo sát thực tế tại Cụm công nghiệp Phú Thị, một số cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Gia Lâm, công tác phòng dịch được các đơn vị thực hiện nghiêm. Trưởng phòng Hành chính Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam Đỗ Thanh Bình cho biết, để thích nghi với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh, Ban lãnh đạo công ty yêu cầu toàn thể cán bộ, công nhân viên tiếp tục duy trì và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Hằng ngày, phải khai báo y tế, tuân thủ "5K", hạn chế việc tập trung đông người khi tham gia các hoạt động trong và ngoài công ty; duy trì các khu vực làm việc riêng, ăn uống đối với các đối tượng F2. Với các trường hợp sinh sống tại khu vực địa phương có nhiều F0 thì cần được test nhanh trước khi vào công ty...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, huyện đã yêu cầu các đơn vị chức năng huyện tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các nhà máy, cơ sở sản xuất trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp; các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài các khu, cụm công nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, thành phố và huyện về phòng, chống dịch. Các cơ sở sản xuất phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, quản lý chặt chẽ nơi ăn ở, di biến động của người lao động, định kỳ test Covid-19 cho công nhân, người lao động..., chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch của đơn vị.

Tương tự, theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các thành viên các tổ dân vận của quận tích cực tham gia phòng, chống dịch; quan tâm, nắm bắt tình hình nhân dân, đặc biệt đối tượng yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc, giãn việc... để kịp thời chia sẻ, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền trong việc giúp đỡ, góp phần đảm bảo sức khỏe, an sinh xã hội, tuyệt đối không để người dân nào "bị bỏ lại phía sau". Tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát chặt chẽ đúng quy định.

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1020791/nghiem-ngat-phong-dich-tai-cac-khu-cong-nghiep-lang-nghe