Nghịch lý startup Việt: Có nền tảng, nhưng chưa thành Quốc gia khởi nghiệp

Bên lề cuộc thi khởi nghiệp Start Jerusalem dành cho thí sinh Việt Nam, Đại sứ Israel cho rằng: Việt Nam có tất cả nền tảng cần thiết để trở thành Quốc gia khởi nghiệp.Song, làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp từ nền tảng hiện có lại không hề đơn giản.

Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp cho cả một quốc gia càng khó hơn. Thực tế cũng cho thấy Việt Nam có tỷ lệ startup tính theo đầu người cao nhất châu Á, vượt qua cả Trung Quốc và Ấn Độ. Người Việt dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đứng thứ 2 thế giới về thái độ tích cực khởi nghiệp. Có vị trí chiến lược ở châu Á. Quy mô thị trường lớn, phát triển nhanh. Chi phí thuê văn phòng, nhân công thấp... Hội tụ được hầu hết nhân tố cần thiết, nhưng Việt Nam vẫn chưa trở thành quốc gia khởi nghiệp và vẫn vô danh trên bản đồ startup thế giới.

Để thay đổi thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng: Điều cốt lõi nhất là cần thay đổi tư duy từ gốc rễ các khái niệm khởi nghiệp, tránh làm theo phong trào, thậm chí phải nghiêm túc ngay từ khi tạo lập và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp. Có như vậy, Việt Nam mới có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp giống như Israel trong thời gian tới.

Mục đích mà làn sóng quốc gia khởi nghiệp hướng đến không chỉ là số lượng mà phải đặt trọng tâm vào chất lượng, tức là không chạy theo phong trào mà cần đi vào chiều sâu. Việc gia tăng số lượng doanh nghiệp phải đi cùng với giảm thiểu số công ty ngừng hoạt động nhằm duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp. Bằng không các chương trình thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp sẽ chẳng thể mang lại kết quả như mong đợi.

Thực tế cho thấy chất lượng doanh nghiệp của Việt Nam vẫn khá thấp. Đơn cử: đầu năm 2017 có hơn 60 nghìn doanh nghiệp mới thành lập, thì cũng có hơn 40 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động. Tỷ lệ tồn tại của doanh nghiệp sau 3-5 năm chỉ 20-30%, trong đó doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ là 5-10%. Thực trạng này hoàn toàn trái ngược với Israel. Khi Israel bước vào hành trình khởi nghiệp, quốc gia này đã có 63 công ty khởi nghiệp lên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) năm 2009, nhiều hơn bất cứ công ty nước ngoài nào niêm yết trên sàn công nghiệp Mỹ.

Tiếp đến là văn hóa khởi nghiệp phải đến từ mọi tầng lớp dân cư trên tinh thần khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội dựa trên những phát kiến của đổi mới sáng tạo và đột phá. Trên bình diện quốc gia khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp là tinh thần đồng tâm hiệp lực mang tính hệ thống của cả quốc gia. Điều đó giúp cho startup Việt vượt qua những thách thức của sự biến đổi từng ngày, từng giờ trên thế giới về quá trình tiến hóa và phát triển.

Bên cạnh đó,startup Việt cần thay đổi tư duy về vốn. Hiện tại, hầu hết nhà khởi nghiệp Việt đều cho rằng: Tiền là yếu tố tiên quyết, quyết định thành công cho startup. Việc khó huy động vốn thường được viện ra như một cái cớ khiến họ gặp khó khăn khi startup. Trong khi đó, tiền (vốn đầu tư) tuy giữ vai trò quan trọng, nhưng chỉ là chuỗi cuối cùng, hệ quả của quá trình start-up mà thôi.

Bản chất startup là biến không thành có, phải có nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra đổi mới, sáng tạo và đột phá. Israel trở thành quốc gia khởi nghiệp cũng nhờ chú trọng vào R&D. Do đó, việc startup phải đối diện với không ít rủi ro bất trắc cũng khác hẳn với sự thận trọng an toàn trong kinh doanh đúc kết bằng trải nghiệm của những người lập nghiệp. Đó là điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại hình khởi nghiệp và lập nghiệp mà những người có ý định startup cần hiểu rõ.

Người khởi nghiệp thườngmang theo hoài bão lớn lao. Tuy nhiên, hoài bão mà thiếu tầm nhìn sẽ luôn chỉ là phong trào. Bởi khi gặp đôi chút khó khăn hoặc thất bại, nhà khởi nghiệp dễ buông xuôi. Vì thế, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần thay đổi tầm nhìn và tư duy cạnh tranh. Không chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ thị trường trong nước, doanh nghiệp khởi nghiệp còn phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu, nhất là khi nhiều hiệp định hợp tác mà Việt Nam đã ký kết bắt đầu có hiệu lực. Do đó, khi chưa tính đến những thị trường này trong chiến lược phát triển và cạnh tranh, startup Việt sẽ không chỉ mất cơ hội vươn ra thế giới mà còn mất luôn chỗ đứng trên sân nhà.

Quang Huy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/nghich-ly-startup-viet-co-nen-tang-nhung-chua-thanh-quoc-gia-khoi-nghiep-78515.html