Nghịch lý cung - cầu ngành Điện: Bài cuối: Cần sớm khơi thông những điểm nghẽn trong ngành Điện

Đồng Nai quy hoạch 39 khu công nghiệp (KCN) và hiện có 31 KCN đang hoạt động. Tới đây, sẽ có 8 KCN hoàn thành hạ tầng, đi vào hoạt động và nhiều KCN tiếp tục sẽ được mở rộng. Do đó, nhu cầu về điện cho sản xuất rất lớn, nhất là điện mặt trời mái nhà để đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh. Vì thế, tỉnh, các doanh nghiệp (DN) rất mong những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách của ngành điện sớm được khơi thông.

Thi công hạ tầng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.Long Khánh. Ảnh: H.Lộc

Hiện nay, cũng vì vướng các chính sách trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Điện nên Đồng Nai chưa thể tiến hành cập nhật quy hoạch ngành Điện vào quy hoạch tỉnh. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030 bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến nhiều dự án quan trọng trên địa bàn.

* Kiến nghị gỡ khó cho nhiều dự án

Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng mới 39 trạm biến áp 110kV với tổng công suất gần 2.500 MVA. Bên cạnh đó, ngành Điện cũng tiến hành cải tạo, mở rộng quy mô công suất nhiều trạm biến áp, xây mới các tuyến đường dây. Tổng vốn đầu tư các dự án điện trên là hơn 6,7 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 4 trạm biến áp xây dựng xong, đạt 14% dung lượng và đường dây đầu tư mới chỉ đạt 18% so với quy hoạch. Nguyên nhân dẫn đến các dự án điện chậm tiến độ là do không đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương. Tiến độ này có thể dẫn đến nguy cơ không đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới tại Đồng Nai.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, các dự án điện là công trình trọng điểm, mang tính đặc thù, tỉnh đã yêu cầu Tổng công ty Điện lực Miền Nam tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ có cơ chế riêng để giải quyết nhanh. Đối với những dự án quy hoạch chưa đồng bộ, ngành Điện và các địa phương phối hợp để điều chỉnh nhanh tạo thuận lợi trong triển khai dự án điện. Riêng với lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt điện mặt trời mái nhà, tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ sớm tháo gỡ để tạo thuận lợi cho DN thực hiện dự án. Đồng thời, có thể giúp tỉnh thu hút dòng vốn nước ngoài lớn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quản Minh Cường nhấn mạnh, năng lượng là nền móng cho phát triển kinh tế - xã hội. Qua giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 thì phát triển hệ thống lưới điện, nhà máy điện, dự án năng lượng tái tạo còn nhiều hạn chế. UBND tỉnh, Điện lực Đồng Nai cần rà soát các bất cập của chính sách để đề xuất bổ sung, sửa đổi. Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ kiến nghị các giải pháp hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Cụ thể, kiến nghị Quốc hội xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo nhằm thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư. Chính phủ chỉ đạo và sớm phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để tỉnh triển khai các dự án năng lượng. Bộ Công thương phân bổ chỉ tiêu nguồn năng lượng tái tạo phù hợp cho tỉnh và sớm tham mưu ban hành chính sách phát triển điện mặt trời.

* Cần sớm hoàn thiện chính sách

Việt Nam cam kết đến năm 2050 sẽ đạt mục tiêu phát thải bằng 0, để đạt được mục tiêu này thì phải ưu tiên đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo.

GS-TS Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp Chương trình phát triển LHQ cho biết, trong tiến trình phát triển xanh, Việt Nam nên tập trung vào phát triển điện mặt trời và điện gió. Bởi nguồn năng lượng tái tạo trên sẽ giúp Việt Nam giảm 1/3 khí thải từ sản xuất. Việt Nam cần 60 tỷ USD/năm đầu tư vào năng lượng tái tạo, nguồn vốn trên có thể vay từ nước ngoài hoặc mời gọi DN trong nước, nước ngoài đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ cần ban hành những chính sách ổn định, lâu dài khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện nay, Quy hoạch điện VIII đã có nhưng kế hoạch thực hiện quy hoạch vẫn đang tiến hành lấy ý kiến để hoàn thiện và chưa được ban hành nên các tỉnh, thành đang tiếp tục phải đợi. Tại Đồng Nai, Chính phủ đã phê duyệt mới, mở rộng hơn 10 KCN nhưng quy hoạch phân bố lượng điện trong giai đoạn tới lại rất thấp. Nếu Đồng Nai không được bổ sung nguồn điện sẽ dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng cho sản xuất, kinh doanh trong những năm tới. Đặc biệt khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, các khu vực xung quanh sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai các dự án về công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics…

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (H.Long Thành) cho hay: “Tới đây, công ty sẽ đầu tư KCN Long Đức giai đoạn 2 mở rộng thêm hàng trăm ha sẽ thu hút các dự án công nghệ cao sản xuất theo hướng xanh, bền vững nên rất cần sử dụng năng lượng tái tạo. Công ty mong mọi vướng mắc về chính sách liên quan năng lượng tái tạo được khơi thông để tạo thuận lợi cho DN”.

Theo bà Emily Hamblir, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, Việt Nam cần có thể chế rõ ràng, minh bạch để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió. Hiện Anh có những DN, trung tâm tài chính sẵn sàng tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam nếu Chính phủ, Quốc hội Việt Nam có những chính sách cụ thể, hấp dẫn.

Hương Giang - Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/nghich-ly-cung-cau-nganh-dien-bai-cuoi-can-som-khoi-thong-nhung-diem-nghen-trong-nganh-dien-4ef3db2/