Nghịch lý chuyện doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thua lỗ giữa lúc giá tăng

Giữa lúc giá cà phê tăng mạnh, việc có không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê đối mặt tình cảnh thua lỗ khi 'mua cao, bán thấp' là điều đáng lưu tâm. Đây không chỉ là bài học cho chính họ mà còn là vấn đề về chiến lược bài bản trong dài hạn lẫn ngắn hạn, đặc biệt là bài toán quản trị rủi ro cho ngành hàng cà phê Việt, để cho nông dân và DN cùng thắng thay vì 'kẻ thắng người thua'.

Ghi nhận giá cà phê trong nước vào ngày 25/3 cho thấy tiếp tục đạt đỉnh, dao động ở mức 94.700 - 95.300 đồng/kg. Trong khi đó, cập nhật giá cà phê trên thế giới vào cùng ngày nêu trên lại thấy giá cà phê Robusta trên sàn London đã giảm mạnh sau khi kết thúc phiên giao dịch, dao động từ 3.118 - 3.358 USD/tấn; tương tự giá cà phê Arabica trên sàn New York cũng giảm nhẹ, dao động 183,15 cent/lb - 184.85 cent/lb.

Lưu tâm phương án phòng hộ rủi ro

Còn theo nhận định mới đây của hãng tin Reuters, đó là nguồn cung thấp trong khi nhu cầu cao đã khiến giá cà phê Robusta nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam sẽ sớm đạt mức cao kỷ lục 100.000 đồng/kg.

Giữa lúc giá cà phê trong nước tăng cao, việc thương thảo hợp đồng với các nhà thu mua quốc tế để tránh thua lỗ là cả màn “cân não” của các DN chế biến cà phê xuất khẩu.

Tại hội thảo chuyên đề về cà phê Robusta do CTCP Giao dịch hàng hóa Tp.HCM (HCT) tổ chức trong hạ tuần tháng 3/2024 nhằm thảo luận về tình hình giá cà phê trong năm nay, chuyên gia phân tích Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh đến tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sản lượng cà phê Robusta trong niên vụ 2023 - 2024 dự kiến suy giảm so với niên vụ trước.

Ông Hùng lưu ý tồn kho là một trong những yếu tố biểu hiện cho sự sẵn sàng của nguồn cung để đáp ứng nhu cầu. Nếu như tồn kho giảm hơn, kết hợp nhu cầu tăng dần (tức là đi ngược hướng với nhau), sẽ tạo ra đà tăng giá rất lớn.

Theo ông Hùng, năm nay dự báo Việt Nam xuất khẩu (XK) cà phê đạt kim ngạch 4,5 - 5 tỷ USD và mức giá cà phê nhân sẽ lên tới 105.000 đồng/kg. Tuy vậy, có khả năng đến giữa năm nay giá cà phê có thể được điều chỉnh về mức 80.000 đồng/kg khi nguồn cung tạm thời trở lại tâm lý thừa trong thời gian tới.

“Việc XK cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng liên tục cho thấy nhu cầu trên thị trường vẫn còn. Và đây là nhân tố để hỗ trợ giá cà phê. Còn nếu như trong năm nay có một thời điểm nào đó mà XK giảm so với thời điểm trước thì có thể suy luận được rằng nhu cầu thực tế thị trường đã giảm, và điều đó sẽ tác động tiêu cực đến giá”, vị chuyên gia này cho biết.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Việt Hùng, trong trường hợp rủi ro sản lượng cà phê Robusta suy giảm mạnh ở Indonesia và Brazil, sẽ là cơ hội kích hoạt cho đà tăng trưởng XK cà phê của Việt Nam từ giai đoạn chuyển giao giữa năm cho đến cuối năm. Tuy nhiên, phương án phòng hộ rủi ro vẫn là điều mà các DN cần hết sức lưu tâm.

Thực tế cho thấy việc tăng giá cà phê trong dài hạn thì người nông dân không phải lo nghĩ nhiều nếu như có nguồn dự trữ mạnh nên giá cao sẽ mạnh dạn bán ra. Thế nhưng, với những DN thu mua nguyên liệu để chế biến cà phê XK lại là chuyện khác khi giá thu mua cao dẫn đến chi phí tăng cao, lẽ đương nhiên là sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ vì “mua cao bán thấp”.

Như chia sẻ của ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT của Phúc Sinh Group, với các công ty XK khi hợp đồng XK đã ký nên họ vẫn phải mua để giao hàng. Ở trong nước thì giá cứ tiếp tục tăng giá hàng ngày và bán nhỏ giọt. Còn các công ty mua hàng để giao cho các hợp đồng đã ký thì lỗ nặng với giá lỗ hàng chục triệu đồng/tấn trong khi hợp đồng cà phê thông thường là hàng trăm đến hàng ngàn tấn.

Theo ông Thông, với giá trên 94.000/kg, cà phê rất khó bán mà mua trữ nếu giá giảm thì cũng sẽ lỗ khôn kể. Các công ty XK cà phê của Việt Nam hầu hết chưa thể quản lý nổi khi giá quá biến động cao như hiện nay. Mối liên kết giữa DN và nông dân cũng bị phá vỡ khi mà nông dân thấy giá lên quá cao nên lại “xù” hợp đồng.

Đừng để “kẻ thắng người thua”

Cần nhắc thêm đến dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy XK cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta, trong nửa đầu tháng 3/2024 đã đạt 199.719 tấn (khoảng 3,32 triệu bao), tăng đến 119,47% so với cùng kỳ năm trước. Không những vậy, một số DN lớn trong ngành hàng này đến thời điểm hiện tại đã ký kết đơn hàng với các khách hàng tại châu Âu đến tháng 9/2024.

Tuy thế, dù cho tăng trưởng XK mạnh nhưng dấu hỏi được đặt ra là các DN xuất khẩu sẽ lời lỗ thế nào khi xuất theo kỳ hạn đã hợp đồng trước đó giữa lúc giá thu mua nguyên liệu đầu vào tăng cao?

Giới quan sát cho rằng dù XK tăng cao nhưng nhiều DN chế biến XK cà phê lại phải nếm vị đắng. Bởi vì họ ký hợp đồng bán trước với giá thấp, nhưng khi thu mua hàng thì thị trường tăng giá dẫn đến thua lỗ. Nhất là các DN phải bỏ vốn nhiều hơn trong quá trình thu mua khi cà phê tăng giá, trong khi nguồn vốn lại là điểm hạn chế của họ.

Không chỉ vậy, trong câu chuyện giá cà phê tăng mạnh thì các cơ quan quản lý cũng cần quản lý sát sao nhằm tránh nhiễu loạn thị trường, tránh xảy ra vấn nạn mua bán khống, cũng như hạn chế tình trạng phá vỡ các hợp đồng, cam kết đã ký giữa nông dân và DN.

Như hồi tháng 1/2024, một DN cà phê ở tỉnh Đắk Nông là Công ty TNHH MTV Đức Hoàng đã tuyên bố phá sản do làm ăn thua lỗ. Đã có 100 hộ dân ký gửi 94 tấn cà phê nhân xô, 66 tấn hồ tiêu khô tại công ty với tổng trị giá khoảng 14 tỷ đồng đang rơi vào cảnh điêu đứng. Công ty này đang thỏa thuận với người ký gửi để trả nợ đồng đều cho các hộ dân, mỗi hộ 27% trên tổng số nợ.

Thực ra, rủi ro trong việc ký gửi cà phê cho DN, chủ đại lý đã được cảnh báo nhiều nhưng các nông dân vẫn không bỏ được thói quen này. Điều đó tạo cơ hội cho các đại lý, công ty tự tiện thấy giá lên cao thì bán cà phê của nông dân đã ký gửi. Đây là một trong những cách mà họ dùng để huy động vốn, lợi dụng việc giá cả lên xuống rồi lách luật tuyên bố phá sản, vỡ nợ.

Thực tế hàng năm, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên đều có những vụ vỡ nợ, phá sản do ký gửi nông sản (nhất là cà phê, hồ tiêu). Điều này dẫn đến nhiều nông dân trồng cà phê bị thiệt hại nặng nề.

Trong bối cảnh giá tăng cao như hiện tại, để tránh rủi ro thua lỗ cho DN xuất khẩu và nông dân trồng cà phê, điều nên làm là cần nhanh chóng có chiến lược bài bản, cả dài hạn và ngắn hạn, và đặc biệt là bài toán quản trị rủi ro cho ngành hàng này.

Đương nhiên, lợi nhuận của nông dân là điều hết sức cần thiết, là “chìa khóa” cho nguồn cung cà phê. Nhưng song song đó, chuỗi liên kết ngành cà phê cần chặt chẽ hơn nữa, dẫu cho giá cà phê có lên cao cũng không phá vỡ được chuỗi này, để cho DN và nông dân cùng thắng, thay vì “kẻ thắng người thua”.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nghich-ly-chuyen-doanh-nghiep-xuat-khau-ca-phe-thua-lo-giua-luc-gia-tang-1098934.html