Nghĩa tình Trường Sa - Bài 3: Tiếp nối thế hệ - Giữ vững chủ quyền

'Trong hội trường này và ngoài kia, chúng ta có thể nghe tiếng trẻ em náo động. Điều đó không một chút phiền hà, mà ngược lại, chính là năng lượng tích cực, sinh khí Trường Sa, là thế hệ tiếp nối sinh ra từ đảo, khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Người Việt yêu nước Việt, tinh thần Việt mãi mãi cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam sát cánh bền vững xây dựng và bảo vệ Tổ quốc', Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc chia sẻ trong chuyến thăm đảo Sinh Tồn.

Thượng tá Phạm Văn Hưng, từng là trưởng ngành hỏa lực của tàu HQ-505, thăm hỏi chiến sĩ đảo Cô Lin. Ảnh: VÕ THẮM

Thượng tá Phạm Văn Hưng, từng là trưởng ngành hỏa lực của tàu HQ-505, thăm hỏi chiến sĩ đảo Cô Lin. Ảnh: VÕ THẮM

1. Đặt chân tới đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, liền đến thăm 2 học trò cũ đang công tác ở Trạm Khí tượng hải văn đảo Trường Sa. 15 năm trước, học trò Nguyễn Văn Linh đã chọn đến Trường Sa làm quan trắc viên và giờ là trưởng trạm.

Các trạm khí tượng ở Trường Sa được xem là “con mắt báo bão” sớm nhất trước khi bão ập vào đất liền. Ngày qua ngày, các anh miệt mài “đo gió”, “đếm mưa”, “đong nắng”, đưa ra những bản tin dự báo thời tiết chuẩn xác, kịp thời nhất. “Vô cùng tự hào vì học trò trưởng thành. Các em hết lòng trụ lại nơi đầu sóng ngọn gió, làm công tác quan trọng dự báo thời tiết cho cả nước và cũng kiên trì bám trụ, giữ vững chủ quyền Tổ quốc nơi đảo tiền tiêu”, PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn hãnh diện.

Trong điều kiện khó khăn của biển đảo, thời tiết không thuận lợi, việc lắp đặt, giao nhận các hệ thống trạm đo mưa tự động khó thực hiện, nhưng các anh tự học hỏi, trao đổi qua internet với chuyên gia, tập trung nghiên cứu, từng lắp đặt thử nghiệm kết nối trạm đo mưa tự động thành công.

Nghe học trò thông báo sắp tới đây, Trạm Khí tượng hải văn đảo Trường Sa được trang bị thêm nhiều công trình, thiết bị công nghệ tự động phục vụ cho công tác, PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn phấn khởi: “Trạm nằm ở vị trí đặc biệt, cung cấp các thông tin, số liệu quan trọng, dự báo các cơn bão, phục vụ cho phát triển kinh tế, quốc phòng của đất nước. Thấy các trò kiên trì nơi đảo xa, tôi rất tin tưởng vào sự phát triển lớn mạnh của ngành khí tượng, thủy văn. Điều tôi phấn khởi là đã có những thế hệ tiếp nối nhau, giữa Trường Sa”.

“Tôi đến Trường Sa 2 lần. Đợt này, tôi đến nhà giàn DK1/17, thấy hết gian khó của các chiến sĩ, như trong bài hát “Lính nhà giàn đón xuân” của nhạc sĩ Thập Nhất, rằng Sóng gió mặc sóng gió/ Lính nhà giàn bọn tôi ở đó/ Chông chênh mặc chênh chông/ Lính nhà giàn chẳng sợ bão dông… Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vẫn bám trụ canh giữ nhà giàn để trở thành những “pháo đài thép” hiên ngang trên biển. Trong cuộc sống, tôi nghĩ ai cũng có những lúc xao động. Với riêng tôi, trong chuyến công tác, khi chứng kiến cán bộ, chiến sĩ, người dân nơi đảo xa vượt qua muôn vàn khó khăn thì mọi thứ xao động ở đất liền có khi không nghĩa lý gì. Hãy nghĩ về Trường Sa, để có thêm niềm tin, năng lượng tích cực phấn đấu, học tập, lao động…”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc bày tỏ.

2. - Chú nghỉ hưu lâu chưa ạ?

- Chú nghỉ từ năm 2017. Hồi xưa, để qua đây, chú đi từ Phan Vinh, Tốc Tan đến Núi Le, Tiên Nữ… rồi mới vòng về Cô Lin. Sang năm hay cuối năm nay có đợt thay quân, tụi con về đất liền đúng không?

- Dạ! Con cảm ơn các chú đã dành tuổi trẻ để bảo vệ, xây dựng và bây giờ chúng con có thể ở đây. Nãy nghe trưởng đoàn kể về các chú, con xúc động quá!

Sau đoạn trò chuyện với Trung sĩ Đặng Quang Huy (23 tuổi, quê TPHCM, công tác tại đảo Cô Lin), Thượng tá Phạm Văn Hưng, nguyên Phó Phòng Hậu cần, Bộ Tham mưu Hải quân, từng là trưởng ngành hỏa lực của tàu HQ-505, quay qua 2 cựu chiến binh đi cùng là đồng chí Phạm Văn Cương, Lê Tiến Dũng, nguyên thủy thủ tàu HQ-505, nói: “Nhìn đồng chí Huy, tôi nhớ trạc tuổi chúng ta năm đó. Các cháu bây giờ cứng cáp, phát huy được truyền thống bộ đội Hải quân Việt Nam”.

36 năm đã trôi qua, nhưng Thượng tá Phạm Văn Hưng vẫn xúc động khi chiếc thuyền máy trung chuyển chở ông trở lại Cô Lin, nơi con tàu HQ-505 năm xưa ủi bãi, các chiến sĩ của tàu tử chiến bảo vệ đảo. Những dấu vết xưa cũ đã bạc màu vì sóng gió đại dương nhưng ký ức, niềm xúc động khi lá cờ Tổ quốc thiêng liêng mà ông cùng đồng đội đã chiến đấu để bảo vệ vẫn phần phật tung bay giữa biển trời Tổ quốc. “Tổ quốc là trên hết. Chiến sĩ còn thì đảo còn. Bằng mọi giá phải giữ vững được chủ quyền của Tổ quốc!”.

Lời khẳng định đầy ý chí đó, những người cựu chiến binh tàu HQ-505 chưa bao giờ quên. “Anh Cương, anh Dũng 36 năm mới trở lại lần đầu. Tôi nhiều lần qua đây, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi với cương vị một đại biểu đi cùng đoàn công tác TPHCM. Ngày xưa đảo hoang sơ, chưa có nhà lớn thế này. Chúng tôi có tặng các cán bộ, chiến sĩ ở đảo bức ảnh lịch sử để các em, các cháu cảm nhận thế hệ trước đã sống và chiến đấu như thế nào”, Thượng tá Phạm Văn Hưng bày tỏ.

Trung sĩ Đặng Quang Huy cho biết, em ra đảo Cô Lin công tác đã hơn 8 tháng. Quang Huy tự hào: “Giá trị của tuổi trẻ là nhiệt huyết. Tôi vinh dự vì được đóng góp phần tuổi trẻ của mình nơi vùng biển này. Tôi hứa cố gắng rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và các chú tin tưởng”.

Trong khi đó, Trung sĩ Nguyễn Thành Tâm (19 tuổi, quê TPHCM), kể rằng đã học được nhiều thứ đặc biệt từ nơi đây, trong đó có tính kiên trì. Thành Tâm nói: “Nghe các chú kể về lịch sử, em quá tự hào. Em biết bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa mới xứng đáng trở thành thế hệ tiếp nối”.

3. Đến Cô Lin trong chiều cuối tháng 4 nắng gắt, gió biển ào ạt, hỏi thăm những người lính trẻ tuổi đôi mươi bồng súng đứng canh biển trời, đồng chí Nguyễn Phước Lộc dặn dò các em, các cháu giữ gìn sức khỏe, đoàn kết, hỗ trợ nhau. Trước khi tặng quà cho các công dân trẻ TPHCM công tác tại đảo, đồng chí xin phép bỏ một số nguyên tắc, lễ nghi để được chia sẻ cùng các bạn trẻ. Đồng chí hỏi thăm từ bạn trẻ đứng gác ở mốc chủ quyền đến các bạn ở vị trí đang trực.

Cởi chiếc khăn rằn miền Nam, chiếc áo khoác ghi lê của mình mặc vào cho chiến sĩ, đồng chí Nguyễn Phước Lộc gửi gắm niềm tin: các chiến sĩ là công dân trẻ TPHCM nói riêng và các chiến sĩ trẻ khác luôn nỗ lực phấn đấu rèn luyện, nâng cao ý chí, tiếp nối thế hệ cha anh đi trước của lực lượng Hải quân Việt Nam. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM động viên: “TPHCM sẽ luôn là điểm tựa hậu phương vững chắc để cùng các em thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam và nhân dân giao phó”.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc chia sẻ: “Tôi đọc lý lịch 3 cựu chiến binh tàu HQ-505, thấy đồng chí Phạm Văn Hưng ở thời điểm năm 1988 chỉ 25 tuổi, đồng chí Phạm Văn Cương và Lê Tiến Dũng cùng 23 tuổi. Cả một thời tuổi trẻ của các đồng chí đã hiến dâng cho Tổ quốc, vì chủ quyền biển, đảo của quốc gia. Các đồng chí là nhân chứng sống cho ý chí quật khởi, kiên cường của Hải quân Việt Nam, của Quân đội Nhân dân Việt Nam và tuổi trẻ Việt Nam. Giữa Trường Sa hôm nay, tôi đã thấy hình ảnh này được lưu truyền, tiếp nối truyền thống các thế hệ trẻ Việt Nam, để khi Tổ quốc cần thì thanh niên tiến lên”.

Thượng tá Vũ Trọng Lưu, Chính trị viên Đoàn An điều dưỡng 22 Hạ Long, Cục Chính trị Hải quân, thông tin: “Đối với hải quân nói riêng, các cán bộ, chiến sĩ nói chung hiện nay, động cơ khi thực hiện nghĩa vụ quân sự đã nhân lên rất nhiều tình yêu Tổ quốc. Riêng hải quân, có những đơn vị mà tỷ lệ quân nhân mới nhập ngũ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm tới 15%-20%, đảng viên ở các địa phương đăng ký chiếm từ 5%-7%. Các bạn trẻ phần lớn viết đơn xin đi. Có trường hợp hai anh em ruột cùng xung phong đi nghĩa vụ quân sự”.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghia-tinh-truong-sa-bai-3-tiep-noi-the-he-giu-vung-chu-quyen-post740407.html