Nghĩa tình người thầy thuốc quân y

Đã 20 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm một thời vượt gian khó, chữa bệnh cứu người nơi biên giới huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vẫn nguyên vẹn trong ký ức Trung tá, bác sĩ Thân Văn Hiền, nguyên bác sĩ Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 110 (Cục Hậu cần Quân khu 1).

“Còn nước, còn tát”

Đầu xuân Quý Mão năm 2023, biết tin bác sĩ Thân Văn Hiền (thường gọi là Thân Thiện Hiền) trở lại thăm Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 799, Quân khu 1, anh Mông Văn Chài, người dân tộc Nùng, ở xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc băng rừng đến gặp bằng được ân nhân.

Chuyện là, năm 2003, đang công tác tại Bệnh viện Quân y 110 thì bác sĩ Hiền được điều động lên làm Bệnh xá trưởng, Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 799. Một buổi chiều muộn tháng 2-2003, vừa ăn cơm tối xong thì bác sĩ Hiền nhận được tin: Một bệnh nhân bị chấn thương nặng, cần mổ gấp. Đó chính là anh Mông Văn Chài, nạn nhân đi trên chiếc xe ô tô lao xuống vực sâu ở xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc. Sau nhiều tiếng đi đường rừng, Chài có mặt tại Bệnh viện huyện Bảo Lạc trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ chẩn đoán, Chài bị chấn thương sọ não, tụ máu phúc mạc thành sau, đứt đôi ruột non. Tình trạng bệnh nặng vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện tuyến huyện. Thế nhưng, nếu chuyển ra bệnh viện tỉnh, cách đó hơn 100km thì bệnh nhân sẽ khó mà qua khỏi.

Bác sĩ Thân Văn Hiền gặp lại anh Mông Văn Chài tại trụ sở Đoàn KT-QP 799.

Bác sĩ Thân Văn Hiền nhớ lại, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, không thể khoanh tay đứng nhìn bệnh nhân đang tắt dần sự sống, cố bác sĩ Nông Ngọc Động, Giám đốc Bệnh viện huyện Bảo Lạc lúc bấy giờ hô to: “Còn nước cứ phải tát, tất cả vì bệnh nhân!”. Nghe lời hiệu triệu ấy, đội ngũ, y bác sĩ như được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh. Các bộ phận vào vị trí đã được phân công. Kíp trưởng kíp gây mê và hồi sức là y tá Hoàng Thị Sâm. Kíp trưởng kíp phẫu thuật là bác sĩ quân y Thân Văn Hiền. Lúc ấy, gần như tất cả các y, bác sĩ trong khoa đều có mặt hồi hộp, theo dõi ca mổ.

Bệnh nhân Chài được đưa lên bàn mổ, tiến hành hồi sức chống sốc, đếm mạch, đo huyết áp, vừa lấy máu xét nghiệm, vừa tiến hành phẫu thuật. Sau nhiều giờ vật lộn với tử thần, ca mổ thành công đến bất ngờ. Đúng 10 ngày sau, Chài bình phục trong niềm vui sướng khôn xiết của người thân, gia đình, thôn bản. Cũng từ ngày đó, chàng trai Mông Văn Chài xin phép được nhận bác sĩ Hiền là cha nuôi.

Bác sĩ Hiền cùng với các thầy thuốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Ca mổ thành công đúng dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 / 27-2-2003). Buổi chiều hôm ấy, bác sĩ Hiền đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều thì bất ngờ từ ngoài cổng bệnh xá, các anh chị em của bệnh viện huyện Bảo Lạc và một số ban ngành của huyện đến chúc mừng. Các thầy cô giáo, các cháu học sinh cũng đem những bó hoa sim tím, hoa mướp vàng, hoa dong riềng đỏ tươi, có người tay xách hai giỏ lan rừng, đem tặng cho các y bác sĩ quân y. Bác sĩ Hiền nhớ lại: “Dược sĩ Diêm Tấn người quê quan họ Bắc Ninh vừa hát xong bài “Người ơi người ở đừng về” thì bỗng dưng tất cả dừng lại, hô vang cả núi rừng: Quân y đoàn 799 - Bộ đội Cụ Hồ. Quân y đoàn 799 - Bộ đội Cụ Hồ!”.

Sáng ngời y, đức

Bác sĩ Hiền trăn trở, những năm đầu thập niên 2000 ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, người dân bị kẻ xấu phao tin đồn nhảm nên có một số người chưa tin vào các bác sĩ. Mỗi khi ốm đau, họ thường đón thầy mo về cúng con ma rừng, tế thần chứ không đến bệnh viện. Người chết để lâu trong nhà, thường đốt đuốc đem đi chôn về ban đêm. Trong điều kiện đường sá hiểm trở, không biết tiếng đồng bào nhưng các thầy thuốc quân y vẫn bám bản, bám dân, vừa khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí vừa tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Bộ đội còn bắt tay chỉ cách làm kinh tế từ trồng lúa nước, trồng rừng quế, rừng hồi, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Bác sĩ Hiền cho biết: “Huyện Bảo Lạc, lúc ấy là điểm nóng về bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Bộ đội Đoàn KT-QP 799 đã thành lập các tổ, đội vận động bà con làm chuồng trại, di chuyển động vật nuôi ra khỏi nhà sàn; đi ngủ phải mắc màn. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lại được bộ đội và các cấp chính quyền cầm tay chỉ việc nên dân bản dần tin và làm theo”.

Các thầy thuốc Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 799 cùng với lãnh đạo Cục Kinh tế năm 2003.

Ngày đó, Bệnh viện huyện Bảo Lạc không chỉ thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị mà thiếu cả đội ngũ y, bác sĩ tuyến huyện và cơ sở, đặc biệt là bác sĩ mổ ngoại khoa. Bệnh nhân phải mổ thì ra bệnh viện tỉnh cách 150km đường rừng, nhiều bệnh nhân không qua khỏi trên đường đi viện. Vì thế, ngoài làm nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với bác sĩ huyện khám chữa bệnh cho bà con, bác sĩ Hiền còn có nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo cho các bác sĩ huyện có khả năng phẫu thuật các ca mổ thông thường đến phức tạp. Mới đầu bác sĩ Hiền hướng dẫn những ca phẫu thuật đơn giản như: Bướu cổ, các u lành tính và triệt sản... Đối với những ca khó, phức tạp, bác sĩ Hiền yêu cầu các y bác sĩ đứng mổ cùng. Bác sĩ Hiền cũng yêu cầu phải thực hành phẫu thuật trên động vật nhiều lần. Sau khoảng nửa năm bồi dưỡng, có bác sĩ đã có thể độc lập đứng mổ đối với các ca đơn giản. Trong đó có bác sĩ Lý Văn Chuyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã trở thành một phẫu thuật viên giỏi, là cán bộ y tế có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Những việc làm và tấm lòng nhân nghĩa của bác sĩ Hiền nơi biên giới huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng được nhân dân trân trọng và thêm tin yêu người thầy thuốc quân y. Năm 2004, bác sĩ Hiền trở lại công tác tại Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 110. Nhưng không may, trong một lần trên đường về nhà, anh bất ngờ gặp tai nạn, khiến anh bị tàn tật suốt đời. Hai tay của anh bị tê liệt, hai chân không thể đi lại bình thường. Nhưng bằng nghị lực của người lính quân y, cộng với nguồn động viên từ người vợ đảm, bác sĩ Hiền từng ngày vẫn sống lạc quan, vượt qua bệnh tật.

Bài, ảnh: HƯƠNG QUẾ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nghia-tinh-nguoi-thay-thuoc-quan-y-720185