Nghĩa Đô 1 năm sau trận lũ lịch sử

Đúng 1 năm sau trận lũ lịch sử, chúng tôi trở lại vùng lũ Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên). Những cánh đồng bị đất đá vùi lấp trước đây, nay bát ngát màu xanh của ngô, khoai, dâu tằm. Trung tâm xã lại tấp nập những phiên chợ cuối tuần. Cuộc sống bình yên đã trở lại trong những nếp nhà sàn nơi đây.

Màu xanh trở lại

Sáng 22/10/2018, mưa lớn gây lũ ống trên suối Nậm Luông chảy qua xã Nghĩa Đô gây thiệt hại lớn về nhà ở, tài sản, hoa màu của người dân. Thống kê của UBND huyện Bảo Yên, lũ ống tràn ngập khu trung tâm xã, làm sập đổ hoàn toàn 9 ngôi nhà, ngập úng và hư hỏng 87 ngôi nhà khác. Lũ ống cuốn trôi cầu sắt bắc qua bản Lằng, tuyến Tỉnh lộ 153 bị chia cắt và nhiều tuyến đường liên thôn bị lũ xói mòn, sạt lở. Lũ ống cuốn trôi và làm ngập úng 195 ha lúa và hoa màu của người dân, trong đó có 154 ha lúa đang chín; 4,4 ha ao cá bị ngập; 306 con lợn và 1.050 con gia cầm bị chết. Ước tổng thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Theo người dân và chính quyền địa phương, đây là trận lũ ống bất thường có cường độ mạnh nhất xảy ra ở Nghĩa Đô trong nhiều năm qua.

Nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng dâu tằm.

Ngay sau khi cơn lũ đi qua, không chờ Nhà nước hỗ trợ, người dân Nghĩa Đô bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất. Ở bản Nà Đình, người dân đổi công giúp nhau sửa chữa, dựng lại nhà. Tại bản Lằng - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất - những chiếc máy xúc được người dân thuê về hoạt động liên tục để giải phóng lớp cát phủ dày cả mét. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc để ổn định tình hình sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô - Lương Văn Quân cho biết: Với những diện tích lúa bị ngập lụt thì tiếp tục sản xuất lúa, còn diện tích bị cát vùi lấp quá dày thì xã chỉ đạo hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Vụ đông năm trước cũng ghi nhận diện tích rau, màu tăng cao nhất từ trước đến nay ở Nghĩa Đô. Những ruộng ngô, khoai tây phủ khắp cánh đồng, không những bù đắp lại sản lượng lương thực bị mất trắng do lũ, mà còn tăng thu nhập cho nông dân.

Lồng ghép các chương trình, dự án của huyện, chính quyền địa phương lại đi thêm một bước nữa trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đó là vận động người dân chuyển hẳn những chân ruộng bị cát vùi lấp sang trồng dâu tằm. Ngay đợt đầu tiên đã có hàng chục hộ ở Bản Kem, bản Lằng tham gia. Chị Hoàng Thị Ninh, ở bản Lằng cho biết: Cây dâu tằm hiện đã đủ điều kiện thu hoạch lá, ít ngày nữa gia đình tôi sẽ nhập tằm giống về nuôi. Nếu thu nhập ổn định, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi nhiều tằm hơn.

Phó Chủ tịch xã - Lương Văn Quân bộc bạch: Cơn lũ dữ hóa ra lại là cơ hội để người dân Nghĩa Đô vốn đã quen canh tác lúa quanh năm thay đổi tập quán sản xuất!

Giao thông vẫn chia cắt

Cùng với khôi phục sản xuất, Nghĩa Đô tập trung khắc phục các công trình hạ tầng, tuy nhiên nhiều hạng mục vẫn còn ngổn ngang. Tỉnh lộ 153 nối trung tâm xã Nghĩa Đô với nhiều thôn bên kia suối Nậm Luông và xã Tân Tiến (huyện Bảo Yên) vẫn bị chia cắt. Ngầm tràn qua suối Nậm Luông tại Km71+400 (Tỉnh lộ 153) hư hỏng được ngành giao thông khắc phục tạm thời vô tình trở thành bờ đê khiến nước xói lở nhiều khu ruộng lân cận. Không những vậy, qua một vài trận mưa lũ nhỏ, công trình khắc phục tạm này đã bị cuốn trôi, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân ở nhiều thôn của xã Nghĩa Đô và xã Tân Tiến.

Người dân làm cầu tre thay thế cầu Bản Lằng bị lũ cuốn trôi.

Trong khi đó, tại vị trí cây cầu bản Lằng bị lũ cuốn trôi, gần 100 hộ của bản Lằng và bản Đáp hiện vẫn phải liều mình đi lại trên chiếc cầu ghép bằng tre ọp ẹp. Có lẽ chỉ một vài trận mưa lớn, nước lũ dồn về thì cây cầu này sẽ lại bị cuốn trôi. Ông Hoàng Văn Bạo, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Đáp cho biết: Cây cầu bị hư hỏng không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, mà còn khiến việc vận chuyển nông sản bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình muốn khai thác rừng trồng để bán nhưng ô tô không đến thu mua được. Thêm nữa, trong thời gian tới, bản sẽ đổ bê tông đường giao thông nhưng chưa biết làm thế nào để chở vật liệu qua suối.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô - Lương Văn Quân cho biết thêm: Đối với những hư hỏng nhỏ, xã có thể vận động người dân góp công sức khắc phục, còn những công trình lớn như sửa chữa cầu và ngầm tràn, chỉ có thể chờ tỉnh và huyện bố trí nguồn lực thực hiện. Người dân rất mong 2 công trình này được sửa chữa, khắc phục sớm...

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/nghia-do-1-nam-sau-tran-lu-lich-su-z36n20191106091500657.htm