Nghị viện trong thời đại trí tuệ nhân tạo

Tại Hội nghị ASGP, diễn ra song song với Đại hội đồng IPU lần thứ 147 tại Luanda (23 - 27.10.2023), một chủ đề mang tính thời sự và là trọng điểm quan tâm toàn cầu đã được tập trung thảo luận: sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Nghị viện. Nhiều đại biểu thừa nhận, mặc dù khu vực công, đặc biệt là các thể chế như Nghị viện, vẫn còn chậm so với khu vực tư nhân trong việc áp dụng công nghệ, nhưng không thể bỏ qua tiềm năng mà AI mang lại.

Khi AI phục vụ Nghị viện

Trong bài phát biểu đề dẫn, Tổng Thư ký Hạ viện Đức Michael Schafer đề cập đến nghiên cứu đã thống kê có đến hơn 200 cách thức mà các Nghị viện ứng dụng AI trong công việc của mình: Từ những ứng dụng đơn giản như tối ưu hóa việc sử dụng xe ô tô phục vụ nghị sĩ, kiểm soát hệ thống nước nóng và thông gió của tòa nhà Nghị viện, nâng cao chất lượng các chương trình tham quan Nhà Quốc hội, chuyển từ giọng nói sang văn bản để làm biên bản các cuộc họp, ứng dụng tìm ảnh, video theo yêu cầu của đại biểu, chatbot để hỗ trợ nghị sĩ đến tự động hóa quá trình so sánh những điểm khác nhau giữa dự luật so với luật hiện hành trong quy trình lập pháp…

Một số đại biểu cũng đề cập đến việc các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ nghiên cứu sử dụng AI (chẳng hạn như ChatGPT) để tạo ra sản phẩm thông tin hữu ích cung cấp cho các nghị sĩ. Tuy có thế mạnh như vậy, nhưng các đại biểu đều nhất trí rằng AI không thể hoàn toàn thay thế yếu tố con người. Tổng Thư ký Hạ viện Đức còn đề cập đến khía cạnh đạo đức và tính liêm chính của nghị sĩ khi sử dụng những công cụ như ChatGPT. Ông cho biết, đã từng có cử tri ở Đức thắc mắc rằng không biết bài phát biểu mà họ nghe là do nghị sĩ tự nghiên cứu và viết, hay chỉ đơn giản là sử dụng AI mà không cần đầu tư trí tuệ, tâm huyết của mình.

Cơ hội luôn đi kèm với thách thức

Trí tuệ nhân tạo có thể là công cụ hữu ích giúp nghị sĩ có thể cùng lúc tương tác với một lượng lớn cử tri, song thách thức đi kèm với nó cũng rất lớn. Phó Tổng Thư ký Quốc hội Bồ Đào Nha đề cập đến việc các cơ quan của Quốc hội, các nghị sĩ chịu rủi ro cao hơn nhiều khi có thể bị phê phán, xuyên tạc, thậm chí là bôi nhọ trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Tại cuộc thảo luận theo nhóm về chủ đề này, Trưởng đoàn Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Quốc hội Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin từ khá sớm. Đến nay, Quốc hội Việt Nam đang triển khai chiến lược xây dựng Quốc hội điện tử và dần đưa vào sử dụng các công nghệ AI. Việc sử dụng AI đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, đào tạo năng lực, thay đổi quy trình công việc và quyết tâm chính trị cao. Tại cuộc thảo luận nhóm, các đại biểu cũng chia sẻ mối quan ngại chung là vấn đề bảo vệ an ninh mạng. Với những công nghệ như AI tạo sinh, deepfake…, nhiều thông tin sai lạc có thể được tạo ra và gây nhiều tác động tiêu cực trên quy mô lớn, chưa kể việc thông tin, dữ liệu bị đánh cắp…

Minh bạch hóa hoạt động Nghị viện

Với văn hóa làm việc riêng, lãnh đạo cơ quan giúp việc Quốc hội một số nước châu Âu như (Đức, Bồ Đào Nha, Anh…) đã chia sẻ rằng, cách thức để đối phó với các hành vi phê phán, xuyên tạc trên mạng xã hội là minh bạch hóa tối đa hoạt động của Nghị viện. Điều này được thể hiện thông qua hoạt động như đưa tin chi tiết, truyền hình trực tiếp các phiên họp của các ủy ban, các phiên họp toàn thể, công bố quyết định bỏ phiếu của nghị sĩ, thậm chí là công bố tiền lương, thu nhập của nghị sĩ, việc nghị sĩ vắng mặt và lý do… Nhờ đó, báo chí, người dân có thể dễ dàng giám sát hoạt động của Nghị viện và hoạt động của các nghị sĩ. Đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi: Ai là người giám sát Quốc hội?

Tuy nhiên, các đại biểu tại hội nghị cũng khẳng định rằng, việc minh bạch hóa không thôi là chưa đủ để Nghị viện tạo ra hình ảnh tích cực cho mình. Lý do là vì, thực tiễn hoạt động của Nghị viện không phải lúc nào cũng có thể đơn giản hóa và chuyển tải một cách đơn giản tới các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, công chúng không phải là một thực thể đồng nhất mà bao gồm nhiều tư tưởng, quan điểm rất khác nhau và Nghị viện luôn phải chú ý tới sự đa dạng rất lớn đó. Do vậy, Nghị viện cần phải có chiến lược truyền thông tốt bao gồm việc lựa chọn thông tin phù hợp kèm theo các giải thích nếu cần để tập trung cung cấp cho công chúng, đồng thời thu hút được họ tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận chính trị.

Cẩm nang cho các Tổng Thư ký Nghị viện về sử dụng AI tại Nghị viện

Với tư cách là người đứng đầu bộ máy tham mưu, giúp việc và tổ chức cung cấp các điều kiện hậu cần, kỹ thuật cho nghị sĩ, Tổng Thư ký có vai trò rất quan trọng trong việc ứng dụng và quản lý các công cụ AI tại cơ quan lập pháp. Trước tiềm năng mạnh mẽ song cũng đầy thách thức và rủi ro lớn của AI, ASGP đã cùng với IPU xây dựng cẩm nang dành cho các Tổng Thư ký về việc sử dụng AI tại Nghị viện. Sau 18 tháng hợp tác giữa IPU và ASGP, cẩm nang đã được đưa ra giới thiệu tại Hội nghị tại Luanda với tên gọi “Hướng dẫn về chuyển đổi số tại Nghị viện”. Cuốn cẩm nang được xây dựng dựa trên thông tin và dữ liệu thu thập từ 52 Nghị viện thành viên, cung cấp cái nhìn tổng quan về việc các Nghị viện đang tận dụng tiềm năng to lớn của AI để trở thành thể chế mạnh và hiệu quả hơn.

Cuốn cẩm nang cung cấp thông tin cho các Nghị viện về tiềm năng và cơ hội to lớn mà các công cụ số mang lại, cũng như đưa ra ví dụ thực tế và hình thức hỗ trợ cho các Nghị viện quốc gia nâng cao hiệu suất. Mặc dù AI có thể thay thế con người trong nhiều công việc, yếu tố con người vẫn là then chốt để kiểm soát và bảo đảm thành công cho hoạt động Nghị viện.

Vũ Đài Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nghi-vien-trong-thoi-dai-tri-tue-nhan-tao-i348790/