Nghị viện châu Âu đánh giá cao những chính sách phát triển bền vững của Việt Nam

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ và Nghị viện châu Âu (EP), ngày 16/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Heidi Hautala.

Tại buổi hội đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam – EU nói chung, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Châu Âu (EP) nói riêng đang phát triển rất tích cực.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị EP ủng hộ tăng cường quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên trên tất cả các lĩnh vực, trong đó ưu tiên triển khai hiệu quả các khuôn khổ hợp tác và đối thoại hiện có, bao gồm kênh hợp tác liên nghị viện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (thứ 3 bên phải) và Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Heidi Hautala (thứ 3 bên trái) (Ảnh: Thùy Dung)

Thúc đẩy nghị viện các nước EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) để Hiệp định sớm có hiệu lực và được thực thi hiệu quả, bảo hộ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp hai bên; thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân Việt Nam và nguồn cung cho thị trường EU; Ủng hộ tăng cường hợp tác Việt Nam – EU trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị EP thúc đẩy EU và các nước thành viên tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng trao đổi về các vấn đề bà Phó Chủ tịch EP quan tâm, trong đó có các chính sách của Việt Nam về phòng chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, chính sách chống phá rừng. Nhân dịp này Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng mời bà Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu thăm lại Việt Nam vào thời gian phù hợp. Đồng thời chuyển lời thăm hỏi và nhắc lại lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời bà Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Metsola sớm sang thăm Việt Nam.

Về phần mình, Phó Chủ tịch EP cho biết đã đến Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng hợp tác quốc tế của Phần Lan năm 2012 và Phó Chủ tịch EP năm 2019. Bà Heidi Hautala bày tỏ rất ấn tượng về sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam và đánh giá cao những chính sách phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt là trong ứng phó với những thách thức của khủng hoảng y tế trong đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch EP đánh giá hai bên là đối tác quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu, đã tích cực triển khai Hiệp định tự do thương mại EU- Việt Nam (EVFTA) góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, trong đó có những ưu tiên trong lĩnh vực dệt may và da giầy. Bà Heidi Hautala cũng thông tin về các dự án mới của EU như: “Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu” là sáng kiến của EU nhằm huy động tài chính cho các dự án đầu tư phát triển, kết nối cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu; Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) góp phần xây dựng các chính sách và giải pháp hỗ trợ nền kinh tế xanh và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hạ nghị sĩ André Flahaut (thứ 4 bên trái) là người đã đệ trình lên Nghị viện Liên bang Bỉ một Nghị quyết hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam (Ảnh: Thùy Dung)

Bà cho biết, EU sẽ sớm thông qua dự luật Thẩm định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp có trách nhiệm trong kinh doanh, áp dụng việc tuân thủ các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tôn trọng quyền của người lao động sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nước, trong đó có Việt Nam. Được giao phụ trách các vấn đề liên quan tới Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU, bà Heidi Hautala rất quan tâm tới việc triển khai hiệp định và công tác phòng chống phá rừng của Việt Nam.

Qua chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn về những chính sách quyết liệt ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đồng thời góp phần thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại COP26, Quốc hội Việt Nam cũng rất quan tâm và thường xuyên triển khai các nội dung giám sát, chất vấn để thúc đẩy vấn đề này, bà Heidi Hautala đánh giá cao và khẳng định đây là hướng đi đúng đắn của Việt Nam.

Về IUU, bà hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam và hi vọng rằng EC sẽ sớm dỡ bỏ thẻ vàng đối với Việt Nam. Về Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA), hiện đã có 17/27 nước đã phê chuẩn, đã chiếm số đông, tuy nhiên cần tất cả các nước phê chuẩn để Hiệp định được thực thi, bà cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy và tin tưởng rằng Hiệp định sẽ sớm được phê chuẩn.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi gặp gỡ nghị sĩ liên bang André Flahaut và nhóm nghị sĩ bảo trợ Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ sự trân trọng tình cảm và sự đóng góp cũng như những nỗ lực to lớn của nghị sĩ André Flahaut cùng các nghị sĩ, tổ chức, cá nhân Bỉ và bạn bè quốc tế đã ủng hộ và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam càng có ý nghĩa hơn khi hai nước Việt Nam - Bỉ đã và đang triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ mong muốn Bỉ và Việt Nam sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa để thúc đẩy nội dung này, góp phần xử lý hậu quả nặng nề từ chất độc da cam, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Bỉ.

Về quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Bỉ, Quốc hội Việt Nam sẽ làm hết sức mình củng cố và tăng cường quan hệ song phương, hợp tác chặt chẽ với Nghị viện Bỉ trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nghi-vien-chau-au-danh-gia-cao-nhung-chinh-sach-phat-trien-ben-vung-cua-viet-nam-post1059931.vov