Nghỉ việc đi… dọn rác

Ngâm mình dưới những khu vực sông, hồ, kênh, mương được coi là điểm nóng của ô nhiễm môi trường để dọn rác, hai chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Huy và Lê Minh Hiếu và các thành viên trong nhóm 'Hà Nội Xanh' đã làm sạch những con sông đen ở Hà Nội. Họ vừa nhận Giải thưởng tình nguyện quốc gia 2023.

Hồi sinh những con sông

Gần 10 năm sống ở Hà Nội, chứng kiến những khu vực sông ngày một ô nhiễm nghiêm trọng, Nguyễn Tiến Huy, chàng trai sinh năm 1996 đến từ Hải Dương đã cùng Lê Minh Hiếu thành lập hoạt động tình nguyện, dọn rác quanh kênh mương những ngày cuối tuần. Mong muốn họ không gì hơn là góp phần “hồi sinh” những con sông ô nhiễm tại Hà Nội.

Nguyễn Tiến Huy, Đội trưởng nhóm tình nguyện "Hà Nội Xanh". Ảnh: Lương An

Vào tháng 11- 2022, "Hà Nội Xanh" ra đời với chỉ ba thành viên ban đầu. Sau khoảng 3-4 buổi dọn rác, nhóm quyết định chia sẻ hành trình của họ thông qua video trên Tiktok. Ngày 16-1-2023, họ đăng tải video đầu tiên để tuyên truyền và mở rộng dự án.

“Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ với sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng”, Nguyễn Tiến Huy chia sẻ. Video về việc làm của Huy và đồng đội truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ, lan truyền trên Tiktok và Facebook. Chỉ sau hơn hai tháng thành lập, nhóm đã có gần 200 thành viên đăng ký tham gia, đa phần là sinh viên. Sự tham gia tích cực không chỉ giới hạn trong các bạn trẻ tại Hà Nội, mà còn thu hút nhiều tình nguyện viên từ các tỉnh lân cận. “Hà Nội Xanh” có một thành viên nữ quê Hưng Yên, dù đang theo học tại Hải Phòng, nhưng mỗi khi có chiến dịch là nữ sinh này đều bắt xe lên Hà Nội tham gia cùng các bạn.

Cảm giác chóng mặt, buồn nôn và sợ hãi là điều chung của nhiều tình nguyện viên khi bắt đầu công việc dọn rác trên các kênh mương ô nhiễm. Đối mặt với nguy cơ từ bơm kim tiêm, mảnh sành sứ và xác động vật, nhóm phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Do hạn chế về nguồn kinh phí, Huy chỉ có thể cung cấp cho nhóm những bảo hộ cơ bản như găng tay, quần áo chống nước và khẩu trang. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo hoàn toàn an toàn cho các thành viên. Để tăng cường an toàn, Huy buộc phải yêu cầu tất cả tình nguyện viên tiêm phòng uốn ván trước khi tham gia.

Các thành viên trong nhóm trang bị các thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn cho bản thân.

“Chúng tôi đều hiểu những rủi ro có thể gặp phải cũng như những nguy hiểm tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Nhưng trên tất cả, nhóm luôn có niềm tin, hi vọng lan tỏa rộng rãi ý thức tôn trọng và bảo vệ môi trường tới cộng đồng. Khó khăn không ít, nhưng tất cả đều không nản chí”, Nguyễn Tiến Huy chia sẻ.

Thay đổi tích cực

Với hơn 200 buổi hoạt động, từ 3 thành viên, đến cuối năm 2023, nhóm đã có sự tham gia của 400 tình nguyện viên. Họ đã làm sạch được hơn 100 điểm đen tại khu vực thành phố Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, kênh La Khê, khu đô thị Linh Đàm, Định Công...), thu gom được hàng trăm tấn rác thải từ các dòng sông, địa bàn trên để đưa về nơi xử lý rác của thành phố.

Trung bình mỗi tuần, nhóm "Hà Nội Xanh" dọn 3-4 buổi với 10-15 người, cuối tuần có 25-30 người. Mỗi buổi nhóm thu gom khoảng khoảng 30-40 túi rác, những nơi ô nhiễm nặng nề hơn, nhóm thu gom tới 70-80 túi. Trước mỗi buổi dọn rác, Nguyễn Tiến Huy sẽ cùng Lê Minh Hiếu trực tiếp lội xuống nước khảo sát địa hình, số lượng rác rồi lên kế hoạch, phân chia khu vực. Ngoài những dụng cụ cơ bản như rổ lớn, bịch nilon, cào, dây, gậy, các thành viên trong nhóm phải đeo 2 lớp găng tay cao su, mặc đồ bảo hộ không thấm nước.

Những thành viên thực hiện công việc lội dưới lòng sông là từng có kinh nghiệm lội nước, phải đi lại nhẹ nhàng và cẩn trọng. Các tình nguyện viên mới tham gia được phân công nhặt rác trên bờ hoặc đưa phế thải đã được đóng gói đến nơi tập kết.

Hoạt động của “Hà Nội Xanh” cũng kêu gọi được nhiều đơn vị, trường đại học tham gia vào công tác hoạt động vớt rác trên địa bàn Thủ đô cùng tham gia hoạt động dọn dẹp của nhóm. Trưởng nhóm Nguyễn Tiến Huy tham gia nhiều sự kiện của các trường đại học, talk show với vai trò là diễn giả chia sẻ về thực trạng môi trường hiện nay…

Các bạn trẻ trong nhóm Hà Nội Xanh tình nguyện lội mình xuống dòng nước bốc mùi, ô nhiễm.

Tuy nhận được nhiều sự ủng hộ, “Hà Nội Xanh” cũng phải đối mặt với những ý kiến trái chiều, nhưng họ quyết tâm tiếp tục hành động vì mục tiêu của mình. Nguyễn Tiến Huy cho biết, “Điều quan trọng nhất là sự đoàn kết của nhóm. Điều này giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn và duy trì niềm tin vào sức mạnh nhỏ bé của chúng tôi để thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với môi trường”.

Nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2023 là một niềm tự hào và động viên cho cả nhóm. Tuy nhiên, Huy giải thích rằng họ không nhận tài trợ từ các doanh nghiệp với điều kiện truyền thông hoặc quảng cáo, vì họ muốn duy trì mục tiêu tình nguyện của mình. Để tăng nguồn thu nhập cho nhóm, Huy đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ có cùng tầm nhìn và ý chí.

Trước mắt, để có thêm kinh phí cho hoạt động của nhóm, Nguyễn Tiến Huy cho hay mình có ý tưởng thực hiện những sản phẩm thân thiện bán ra thị trường trong dịp tết. “Chúng tôi cố gắng thực hiện nhiều dự án để có thêm thu nhập cho quỹ của nhóm” – chàng trai yêu môi trường tâm sự.

Trong tương lai, “Hà Nội Xanh” hy vọng mở rộng hoạt động và kết nối với nhiều tình nguyện viên hơn, không chỉ tại Hà Nội mà còn trên toàn Việt Nam để tạo ra một cộng đồng vì một Việt Nam xanh tươi.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nghi-viec-di-don-rac-764083