Nghĩ về câu chuyện thần kỳ mang tên Ấn Độ

(Toquoc)-Ấn Độ sẽ viết tiếp câu chuyện tăng trưởng thần kỳ và trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030?

Một hai thập kỷ trước, Ấn Độ được ví như “gã khổng lồ đang ngủ say”. Theo đuổi chính sách tự cấp tự túc trong thương mại và từ chối luồng đầu tư vốn cổ phần khiến Ấn Độ không phát huy được nội lực. Chủ nghĩa can thiệp kinh tế trên quy mô lớn, kể cả đối với các doanh nghiệp lĩnh vực công ở nhiều khu vực đã gây ra hiện tượng chảy máu chất sám, hàng ngàn nhân lực tinh túy của Ấn Độ đổ sang Thung lũng Silicon của Mỹ. Người Ấn Độ ở nước ngoài thường bị người trong nước coi như con bò sữa hoặc kẻ phản bội quê cha đất tổ để mưu cầu giàu sang phú quý nơi đất khách. Đến những năm 1990, nền kinh tế Ấn Độ bắt đầu mở cửa. Nhưng thời điểm tạo ra bước ngoặt với Ấn Độ chính là năm 2004, khi nhà kinh tế học được kính trọng, nhà cải cách lớn Manmohan Singh ngồi vào ghế Thủ tướng Ấn Độ. Ông đã trải qua hầu như mọi chức vụ tài chính quan trọng ở Ấn Độ, từ thống đốc ngân hàng trung ương cho đến bộ trưởng tài chính, khởi xướng cho việc mở cửa nền kinh tế. Chính lúc này, “dòng máu chất xám” từ Thung lũng Silicon Mỹ chảy ngược về Nam Á. Cùng với những chính sách mở cửa, hội nhập, câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ được viết lên mang tên Ấn Độ. Câu chuyện thần kỳ Mùa Thu năm 2008, cuộc khủng hoảng cho vay tín chấp bùng phát ở Mỹ rồi lan ra khắp thế giới dẫn đến khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu. Kinh tế thế giới bước vào suy thoái. Đây được cho là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế thế giới trong hơn 60 năm qua. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ vẫn phát triển nhanh: từ 6,7% trong năm tài chính 2008-2009 lên 7,4% trong tài khóa 2009-2010. Báo cáo kinh tế giữa kỳ của Bộ Tài chính Ấn Độ dự báo kinh tế nước này có thể tăng trưởng 9% trong tài khóa 2010-2011 (bắt đầu từ 1/4/2010). Thủ tướng Manmohan Singh hy vọng kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 9-10% trong vòng 25 năm tới. Trong báo cáo tháng 11/2010, ngân hàng Standard Chartered cho rằng Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế nhanh hơn Trung Quốc ngay từ năm 2012 và trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với GDP 30.000 tỷ USD vào năm 2030. Những thành tựu kinh tế đầy ấn tượng của Ấn Độ đã góp phần thu hút mức đầu tư kỷ lục 38,27 tỷ USD của các nhà đầu tư và tổ chức tài chính nước ngoài vào trái phiếu và thị trường nợ, tính đến ngày 14/12/2010. Phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Toronto (Canada) tháng 6/2010, Cố vấn kinh tế trưởng Kaushik Basu của Bộ Tài chính cho biết, Ấn Độ muốn liên kết với những thể chế mạnh hơn Câu lạc bộ BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Seoul (Hàn Quốc) tháng 11/2010, Ấn Độ lại tìm cách làm dịu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc quanh vấn đề tỷ giá của đồng nhân dân tệ, bằng cách kêu gọi đối thoại và chống chủ nghĩa bảo hộ. Ấn Độ đã bày tỏ lập trường mềm dẻo nhưng rõ ràng tại hội nghị này, đồng thời cố gắng thúc đẩy Vòng đàm phán thương mại Doha, bất chấp sự thờ ơ của các nền kinh tế phát triển. Ông Raghuram Rajan, cố vấn kinh tế của thủ tướng, kêu gọi Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trong G-20 và khôi phục vai trò lãnh đạo Phong trào Không liên kết. Ấn Độ đã thành công trong việc sử dụng BRIC để cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và nâng cổ phần của mình trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ 2,44% (đứng thứ 11) lên 2,75% (thứ 8). Ngành công nghiệp ôtô của Ấn Độ tăng trưởng chóng mặt, từ chỗ chiếm 1% GDP hiện tại có khả năng tăng lên 10% GDP vào năm 2016 Kinh tế tăng trưởng mạnh lấy lại thần sắc cho Ấn Độ. Thêm nhiều việc làm mới được tạo ra. Giới tiêu thụ lại kéo đến những trung tâm thương mại đông đúc, và các mặt hàng xa xỉ lại được nhập khẩu. Đối với giai cấp trung lưu Ấn độ lên tới 300 triệu người, thành phần đóng góp nhiều vào đà phát triển kinh tế nội địa, cuộc suy thoái toàn cầu giờ đây chỉ còn là một ký ức đã phai mờ. Điều gì làm nên kỳ tích? Theo Giáo sư Arvind Panagariya thuộc Đại học Columbia, đồng thời là tác giả cuốn “India: The Emerging Giant”, yếu tố đầu tiên là Ấn Độ đã đẩy mạnh thực hiện chính sách mở cửa đối với các hoạt động thương mại. Hoạt động trao đổi hàng hóa phi nông nghiệp và dịch vụ, sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra tự do hơn. Chính phủ cũng đã gỡ bỏ đáng kể những hạn chế đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty trong nước. Kinh tế Ấn Độ đang cho thấy sự hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế thế giới. Trong 8 tháng đầu năm 2010, tổng số FDI đổ vào Ấn Độ là 13,6 tỉ USD. Riêng trong tháng 9/2010, FDI đã lên tới 7,1 tỉ USD, mức kỉ lục trong các nền kinh tế đang trỗi dậy. Thứ hai, các doanh nghiệp Ấn Độ tỏ ra rất năng động và nhạy bén. Ngay từ khi Chính phủ chưa nới lỏng kiểm soát, các doanh nghiệp đã chủ động tìm được mô hình kinh doanh mới, phù hợp như Reliance, Goenka, Khaitan hoặc phát triển thành những "đế chế" như Tata và Birla. Và khi kiểm soát được nới lỏng, chính sách mở cửa thông thoáng đã thu hút nhiều tập đoàn lớn tới "khai phá" mảnh đất tiềm năng này. Thứ ba là tỉ lệ tiết kiệm tăng mạnh mẽ lên mức 33% trong giai đoạn 2007-2008 so với 22,8% một thập kỷ trước đó. Tiết kiệm và đầu tư trở thành động lực thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của Ấn Độ. Và cuối cùng, Ấn Độ là nước dân số ngày càng trẻ. Tỉ lệ người sống phụ thuộc (tính trên 100 người đang làm việc) đã giảm từ 66,33% năm 1998 xuống 57,5% trong năm 2008 và dự báo sẽ còn giảm tiếp. Vấn đề là phần lớn những người sống phụ thuộc là có độ tuổi dưới 15 và sẽ là lực lượng lao động hùng hậu trong tương lai. Khi “gã khổng lồ thức giấc”… Có thể thấy với những gì đang diễn ra, Ấn Độ đang được xem là "địa điểm đầu tư lý tưởng" trong thời gian tới. Khi “gã khổng lồ thức giấc”, sức mạnh sẽ vô biên. Chẳng phải thế mà lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, lãnh đạo tất cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đi thăm Ấn Độ trong vòng 6 tháng để tìm cách tiếp cận nền kinh tế hùng mạnh này. Theo chân Thủ tướng Anh David Cameron hồi tháng Bảy, là Tổng Thống Mỹ Barack Obama, Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, và Tổng Thống Nga Dimitry Medvedev. Và trong các cuộc viếng thăm này, đề tài đứng đầu nghị trình thảo luận luôn là thắt chặt quan hệ thương mại và kinh doanh với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh của Ấn Độ. Kinh tế gia Pai Panandiker, đứng đầu tổ chức nghiên cứu Goneka Foundation tại New Dehli, nói rằng ở Ấn độ, lãnh đạo các nước phương Tây trông thấy triển vọng cho các mặt hàng xuất khẩu của họ, cơ hội đầu tư, và triển vọng kiến tạo thêm công ăn việc làm ở trong nước. Ông nhận định: “Nền kinh tế Ấn Độ giờ đây trị giá hơn 3 ngàn tỉ đôla, và nó đang phát triển khá nhanh. Điều đó có nghĩa là Ấn Độ đã trở thành một thị trường rất lớn cho nhiều nước đó, nơi mà tỷ lệ tăng trưởng kinh tế còn rất thấp. Họ đang hướng về Ấn Độ như một thị trường có khả năng kích thích nền kinh tế của họ”. Các thỏa thuận trị giá nhiều tỉ đôla đã được loan báo trong các chuyến đi thăm của giới lãnh đạo quốc tế, phần lớn liên quan tới lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở và quốc phòng. Cụ thể: các thỏa thuận tổng cộng lên tới 10 tỉ đôla được ký kết trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Barack Obama. Trong khi đó lãnh đạo Pháp và các thương nhân nước này mang đến Ấn Độ tổng giá trị các thỏa thuân khoảng 13 tỉ đôla. Còn với chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc mang đến khoảng 20 tỉ đôla. Trong khi Tổng thống Nga mang đến thỏa thuận mua bán chiến đấu cơ tổng trị giá khoảng 30 tỷ USD. Những khoảng tối nhỏ Nói như vậy, không có nghĩa nền kinh tế Ấn Độ không có những điểm đen. Lạm phát cao đang đe dọa triển vọng tăng trưởng gần hai con số của Ấn Độ và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, trong bối cảnh kinh tế phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, khu vực nông nghiệp còn mong manh và nhiều vấn đề cơ cấu vẫn tồn tại. Chính phủ Ấn Độ hiện đang bị kẹt giữa các chính sách xã hội vì người nghèo và những nguyên tắc của kinh tế thị trường, khi vừa phải đối phó với lạm phát vừa tìm cách tranh thủ lá phiếu của cử tri, vừa cắt giảm đói nghèo vừa duy trì ổn định chính trị trong những năm tới. Sự chênh lệch giàu nghèo là một trong những bất cập của kinh tế Ấn Độ Thêm một rào cản với nền kinh tế Ấn Độ là hiện hơn 50% lực lượng lao động nước này đang làm nghề nông, so với tỉ lệ 39,5% ở Trung Quốc, theo số liệu năm 2009. Trong khi đó, ở lĩnh vực sản xuất, yếu tố quyết định tới sự tăng trưởng, thì mức đóng góp của sản xuất vào GDP cũng như tỉ lệ lao động trong lĩnh vực này ở Ấn Độ trong 15 năm qua vẫn không có sự thay đổi. Kết quả là sản xuất tăng trưởng chậm khiến tốc độ giảm nghèo ở Ấn Độ chậm hơn so với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, công cuộc cải cách vẫn còn nhiều việc phải làm như tháo gỡ những quy định cản trở sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và thị trường lao động, tư nhân hóa các hãng sản xuất và ngân hàng quốc doanh, cho phép đầu tư nước ngoài được tiếp cận hoàn toàn với lĩnh vực bán lẻ, cải cách hệ thống giáo dục cao trong khi phải nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, nâng cấp lĩnh vực y tế, loại bỏ trợ cấp của chính phủ đối với các mặt hàng lương thực, phân bón, điện, cũng như cần xây dựng nhiều công trình hạ tầng lớn như đường xá, cầu cảng, sân bay, nhà máy điện. Liệu Ấn Độ có thể làm tốt hơn? Câu trả lời theo nhiều chuyên gia là hoàn toàn có thể. Với chính sách ngày một thông thoáng hơn, tỷ lệ tiết kiệm tăng đáng kể và kết cấu dân số thuận lợi, triển vọng của kinh tế Ấn Độ thật sự sáng sủa. Và với việc viết lên một câu chuyện thần kỳ về kinh tế, uy tín chính trị của Ấn Độ đang ngày một nâng lên trên trường quốc tế. Trong chuyến công du Ấn Độ năm 2010, lãnh đạo Pháp, Mỹ khẳng định ủng hộ Ấn Độ trở thành một thành viên thường trực HĐBA LHQ. Chủ tịch Trung Quốc dù không khẳng định sự ủng hộ nhưng nhấn mạnh rằng Trung Quốc thấu hiểu và ủng hộ nhu cầu của Ấn Độ trong việc đóng vai trò to lớn hơn trong LHQ, kể cả tại HĐBA. Vị khách đến từ Trung Quốc khẳng định là một nước lớn đang phát triển nhanh, Ấn Độ có thể và cần đóng vai trò to lớn hơn trong các vấn đề quốc tế./. Khánh An

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Ho-So-Quoc-Te/Nghi-Ve-Cau-Chuyen-Than-Ky-Mang-Ten-An-Do.html