Nghi vấn Nga dựa vào ảnh vệ tinh của Mỹ để tấn công Ukraine

Cơ quan An ninh Ukraine nghi vấn, liệu Quân đội Nga có phải dựa vào ảnh vệ tinh của các công ty Mỹ để tìm kiếm mục tiêu và đánh giá hiệu quả tấn công cho các cuộc không kích ở Ukraine hay không?

Hiện máy bay không người lái (UAV) trinh sát tầm trung của Nga có thể phát hiện mục tiêu của Ukraine ở phía sau khu vực chiến tuyến vài chục km, thậm chí còn theo dõi đoàn xe của Ngoại trưởng Đức Berberk. Nhưng không thể phát hiện và theo dõi các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine.

Khi tiến hành tấn công mục tiêu của đối phương, muốn tấn công hiệu quả, phải có tọa độ chính xác của mục tiêu, tính chất mục tiêu (cố định hay di động, được bảo vệ tốt hay không, quy luật hoạt động…). Sau khi tấn công, phải đánh giá được hiệu quả của cuộc tấn công.

Câu hỏi đặt ra là UAV trinh sát và máy bay trinh sát của Quân đội Nga có khả năng làm được việc này với các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine hay không? Nếu thực sự có thể làm được điều này, thì họ đã tấn công các mục tiêu của Ukraine từ lâu.

Do vậy các cuộc tấn công tầm xa của Nga, chỉ có thể dựa vào ảnh vệ tinh độ phân giải cao; riêng về mặt này, Nga thực sự không mạnh. Tờ The Atlantic dẫn nguồn tin quân sự Ukraine nói rằng, quân đội Nga đã thực hiện "các cuộc tấn công chính xác tầm xa", nằm sâu ở trong lãnh thổ Ukraine, rất có thể sử dụng hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao do các công ty Mỹ cung cấp.

Những ảnh vệ tinh này được đặt hàng ở một nơi nào đó, sau đó vài ngày hoặc vài tuần, tên lửa của Nga sẽ tấn công vào đó và một vệ tinh khác sẽ chụp thêm ảnh, để Quân đội Nga đánh giá tác động của cuộc tấn công; tờ The Atlantic viết.

Đây có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên không, khi các cơ quan an ninh Ukraine tiến hành điều tra? Câu trả lời là các bức ảnh vệ tinh xuất hiện ngay sau các cuộc tấn công tên lửa của Nga. Có quá nhiều sự trùng hợp như vậy và không thể là trường hợp ngẫu nhiên được.

Ban đầu, cơ quan tình báo Ukraine tin rằng, Quân đội Nga đã sử dụng mạng lưới vệ tinh do thám của Nga để xác định mục tiêu và đánh giá tác động của các cuộc tấn công. Nhưng hiện giờ, đã có những công ty phương Tây cung cấp ảnh vệ tinh đang cung cấp những dịch vụ như vậy cho Quân đội Nga.

“Khoảng sáu tháng trước, chúng tôi không thể tưởng tượng được rằng, các công ty cung cấp ảnh vệ tinh tư nhân phương Tây, sẽ bán hình ảnh vệ tinh về các khu vực nhạy cảm của Ukraine. Nhưng bây giờ thật khó để tin rằng, những sự trùng hợp này là ngẫu nhiên”; đại diện Cơ quan An ninh Ukraine cho phóng viên The Atlantic biết.

Bộ Quốc phòng Ukraine nghi ngờ rằng, Quân đội Nga đã mua ảnh vệ tinh từ các công ty Mỹ thông qua các công ty bên thứ ba và các kênh khác, "có thể được sử dụng để chống lại Ukraine".

Thật dễ dàng để mua ảnh vệ tinh từ các công ty Mỹ. Một số ảnh vệ tinh không theo thời gian thực, độ phân giải thấp hơn có thể được tìm thấy miễn phí trên Google Maps. Ngay cả những bức ảnh vệ tinh mới nhất, rõ ràng hơn, cũng có thể có giá hàng nghìn USD, hoặc mua nó với giá cao hơn.

Hiện nay, hai công ty hình ảnh vệ tinh thương mại lớn nhất của Mỹ là Maxar và Planet đều đã cung cấp ảnh vệ tinh về các khu vực Ukraine bị tên lửa Nga tấn công; nói cách khác, những bức ảnh này có thể được Quân đội Nga sử dụng để đánh giá cuộc tấn công.

Trong khi đó, cả hai công ty trên đều nhấn mạnh họ tuân thủ luật pháp Mỹ và xem xét kỹ lưỡng khách hàng của mình. Cả hai công ty cũng từ chối cho biết, liệu họ có tìm thấy khách hàng Nga sử dụng ảnh vệ tinh mà họ cung cấp và liệu khách hàng của họ có phải là công ty bình phong do Chính phủ Nga thành lập hay không?

Không có lý do gì để tin rằng, các công ty cung cấp hình ảnh vệ tinh thương mại này của Mỹ sẽ hỗ trợ Nga trong cuộc chiến này. Tuy nhiên giống như các công ty khác của Mỹ, từ lâu đã được chứng minh rằng, họ bị phát hiện có liên quan đến linh kiện tên lửa và các vũ khí khác của Nga, sau khi chiến tranh nổ ra.

Đại diện của Công ty Maxar đã từ chối bình luận về các trường hợp cụ thể về đơn đặt hàng chụp ảnh vệ tinh có vấn đề. Planet cho biết, họ cam kết cung cấp ảnh vệ tinh cho “các tổ chức có trách nhiệm như chính phủ, tổ chức viện trợ và giới truyền thông” và nhấn mạnh rằng, họ “đã ngừng hợp tác với Nga vào đầu tháng 3/2022”.

Hiện tại, mặc dù Bộ Quốc phòng Ukraine đã đưa ra nghi ngờ, liệu Quân đội Nga có sử dụng ảnh vệ tinh do các công ty Mỹ cung cấp, để thực hiện "các cuộc tấn công chính xác tầm xa" vào Ukraine? Nhưng trên thực tế, họ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào; điều này cũng rất khó điều tra. Chính phủ Mỹ hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về vấn đề này.

Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng, Chính phủ Mỹ có thể đã điều tra việc này để đảm bảo rằng Quân đội Nga không thể sử dụng dịch vụ của các công ty hình ảnh vệ tinh thương mại của Mỹ, để thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa chống lại Ukraine.

Câu chuyện trên nhìn có vẻ bí hiểm nhưng thực chất là bình thường, Bộ Quốc phòng Ukraina cũng nghi ngờ Quân đội Nga đang sử dụng dịch vụ dịch vụ internet băng thông rộng Starlink của SpaceX; vấn đề là những thứ này rất khó ngăn chặn.

Chỉ cần nhìn vào thực tế là Quân đội Nga có thể sử dụng ảnh vệ tinh do các công ty thương mại của Mỹ hoặc các nước khác chụp ở Ukraine; nếu muốn ngăn chặn, có lẽ nên cấm các công ty thương mại này chụp ảnh vệ tinh của Ukraine.

Vì vậy, một số chuyên gia phân tích đặt câu hỏi, liệu Quân đội Nga có thể dựa vào vệ tinh do thám của chính mình, thay vì ảnh vệ tinh do các công ty thương mại ở Mỹ hoặc các nước phương Tây khác cung cấp? Thật sự rất khó để nói, vì những khó khăn về tài chính và kỹ thuật, cũng như không biết hiện nay Nga còn bao nhiêu vệ tinh do thám?

Trên thực tế, thật khó để tin tưởng vào hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga, hệ thống này rõ ràng thua kém hệ thống GPS của Mỹ về mức chính xác và độ tin cậy. Đây là lý do tại sao chúng ta có thể nhìn thấy các phi công Nga, sử dụng thiết bị định vị GPS cầm tay trong ảnh và video.

Do vậy, giờ đây đối mặt với Ukraine, Quân đội Nga đã phải chiến đấu “chật vật” như vậy; nếu NATO trực tiếp gây chiến với Quân đội Nga, khi phải đối mặt với số lượng lớn trang thiết bị công nghệ cao mà NATO có, ngoài vũ khí hạt nhân, Quân đội Nga còn có thể có gì để có thể đối phó? (Nguồn ảnh: Theatlantic, Topwar, CNN).

Tiến Minh (Theo The Atlantic)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nghi-van-nga-dua-vao-anh-ve-tinh-cua-my-de-tan-cong-ukraine-1972754.html