Nghĩ từ vỉa hè

Vừa qua, ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành của Nvidia – một trong những tập đoàn chip hàng đầu nước Mỹ – đến Việt Nam. Hình ảnh CEO của một tập đoàn chip có giá trị vốn hóa thị trường là hơn 1.100 tỉ đô la Mỹ và tài sản cá nhân lên đến 34 tỉ đô la, ngồi vỉa hè Hà Nội ăn uống một cách thong thả, thoải mái… cho thấy sự dễ gần của ông tỉ phú này, đồng thời, một cách trực quan cũng minh chứng về sự hấp dẫn của ẩm thực vỉa hè Việt Nam.

Hình ảnh ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành của Nvidia, ngồi vỉa hè Hà Nội ăn uống một cách thoải mái… được đăng tải trên các báo Việt Nam.

Đã có những hình ảnh tương tự về những yếu nhân đến Việt Nam dành thời gian quý báu để khám phá vỉa hè. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cố đầu bếp trứ danh Anthony Bourdain đã chọn quán bún chả Hương Liên trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội để dùng bữa, từ đó quán này có một tên gọi khác: bún chả Obama. Năm năm trước, một lần đến Sài Gòn, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tản bộ đến Vy, một quán cà phê vỉa hè gần chợ Bến Thành để thưởng thức ly cà phê Việt Nam… Hình ảnh các nguyên thủ đạp xe, chạy bộ trên đường phố, dần dần là những hình ảnh ngoại giao đẹp đẽ và ấn tượng tại Việt Nam.

Các quán địa điểm mà các yếu nhân ghé chân qua sau đó được hưởng lợi thì đã đành, mà hình ảnh về sự thân thiện, khung cảnh sống an ninh của đất nước và đặc biệt, sắc màu phong phú của ẩm thực vỉa hè qua đó cũng được quảng bá.

Hẳn rằng, phía sau hình ảnh là một sự sắp xếp của kịch bản ngoại giao, của những thăm dò, nghiên cứu và tham vấn về phương diện văn hóa. Nhưng cho dẫu như vậy, vẫn phải khẳng định rằng, các chất liệu thực tế từ đời sống “vỉa hè” đã làm nên một ấn tượng không gian mà các khách quý muốn tìm hiểu, trải nghiệm. Thậm chí, sự xuất hiện của họ trên vỉa hè cũng là những thông điệp ngoại giao hài hòa, cho thấy mọi nỗ lực trong các mối quan hệ chính trị giữa quốc gia này với quốc gia kia, mọi thiện chí thiết lập quan hệ thương mại của tập đoàn này với thị trường nọ… cũng hướng đến cứu cánh là sự phát triển của đời sống con người nói chung, trao cơ hội phát triển cho mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội.

Một giác độ khác có thể nhìn thấy qua các sự kiện nêu trên, đó chính là sức sống vỉa hè và những dịch vụ ẩm thực bình dân của Việt Nam đã tạo nên một sức hút nhất định đối với các “khách hàng đặc biệt”. Và điều này cũng khớp với những đánh giá, ghi nhận của các kênh truyền thông, báo chí du lịch quốc tế thời gian qua về ẩm thực vỉa hè, món ăn bình dân của Việt Nam.

Những gì đã liệt kê trên đây lại gợi nhắc đến một phát biểu của chuyên gia marketing Philip Kotler đại ý rằng: Việt Nam có thể trở thành một nhà bếp của thế giới. Và cần nhớ rằng, phát biểu đó đã đi vào quá khứ của hơn chục năm trước, nhưng “nhà bếp của thế giới” vẫn là một nhắc nhớ để “rung đùi tự hào” nhiều hơn là những chương trình tổng thể có tính hệ thống nhằm gia tăng giá trị của bản sắc ẩm thực quốc gia.

Trong bối cảnh chuyển biến kinh tế toàn cầu hiện nay, việc xây dựng giá trị ẩm thực không còn là câu chuyện của ngành ẩm thực, ngành du lịch, ngành quản trị nhà hàng hay các cơ quan quản lý kinh tế vỉa hè… nữa, mà cần đặt trong tư duy liên ngành để giá trị cốt lõi của ẩm thực trở thành trung tâm trong mối hỗ tương của các lĩnh vực mật thiết khác, trong đó có quy hoạch vỉa hè đô thị, chính sách phát triển kinh tế vỉa hè, quy chuẩn hóa vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp chất liệu lịch sử văn hóa về các món ăn truyền thống…

Vừa qua, câu chuyện khách hàng ngộ độc khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An không chỉ là khủng hoảng thương hiệu của một tiệm bánh mì, mà cũng nhắc nhớ rằng, ẩm thực bình dân và món ngon vỉa hè chưa được lượng hóa trở thành những hệ thống tiêu chí để đảm bảo an toàn, gia tăng về giá trị.

Và từ phía người buôn bán, cũng cần thấy rằng, gia tăng về giá trị không phải là chuyện đơn giản hôm trước có yếu nhân ghé thăm, hôm sau đổi menu đồng loạt tăng giá (như cách cà phê Vy ở Sài Gòn đã làm) mà gia tăng “phong độ” chất lượng, chuyên nghiệp trong cung cách dịch vụ và tôn trọng khách hàng nhiều hơn, trong đó, đa phần là khách hàng tại chỗ. Bởi vì, hơn ai hết, chính chủ nhân cũng phải hiểu rằng, đây mới là đối tượng khách hàng nuôi sống mình lâu dài và tạo nên thị trường bền vững.

Các chính khách, các tỉ phú ngồi xuống vỉa hè Việt Nam, ta lại thấy bên trong niềm tự hào thầm kín là một cảm giác không tránh khỏi: sự dung hòa nhất thời của cái sang trọng với cái bình dân, sự nối kết có tính khoảnh khắc giữa cái nghi lễ với cái tự phát. Sự kiện thì sẽ qua đi, hình ảnh thì ở lại, liệu có quá kỳ vọng hay không khi chờ đợi một chương trình, chính sách tổng thể để kinh tế vỉa hè – trong đó có ẩm thực bình dân – hay chiến lược phát triển dịch vụ ăn uống bình dân để cái “nhà bếp của thế giới” được tươm tất, chuyên nghiệp hơn, và những món ngon cũng an toàn, tinh túy hơn, có lợi cho cả khách hàng, người chủ hàng lẫn hình ảnh ẩm thực đường phố Việt Nam.

Một trong những điều để ẩm thực vỉa hè Thái Lan trở nên ngon, dễ chịu và gia tăng giá trị cho du lịch, đó chính là công nhận vỉa hè như một thực thể cấu thành đời sống kinh tế đô thị, chứ không đặt nó ở trong một sự tự vận hành bán chính thức, từ đó có chính sách phát triển mạch lạc và minh bạch, phát huy tốt hơn những tiềm năng nội tại.

Nguyễn An Nam

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nghi-tu-via-he/