Nghị sĩ châu Âu kê khai tài sản theo luật quốc gia

Theo luật pháp quốc gia của một số thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU), các nghị sĩ châu Âu được bầu ở các quốc gia đó phải tuân thủ nghĩa vụ kê khai tài sản và nợ (lợi ích tài chính) để bảo đảm nhiệm vụ của họ tại Nghị viện châu Âu được thực hiện minh bạch và liêm chính.

Nguồn: AP

Bỉ: Kê khai tài sản được thực hiện khi trở thành nghị sĩ châu Âu

Luật Về nghĩa vụ nộp danh sách các nhiệm vụ, chức vụ, nghề nghiệp và báo cáo tài sản, được ban hành vào ngày 2.5.1995, và một số luật khác được áp dụng cho các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu (MEP) được bầu ở Bỉ. Theo đó, các nghị sĩ trúng cử phải nộp một bản kê khai bao gồm chức vụ ở cơ quan công quyền khác, hoạt động quản lý và nghề nghiệp mà họ thực hiện trong khi giữ chức vụ lập pháp của mình, kèm theo bản báo cáo về tài sản và nợ. Báo cáo này phải liệt kê tất cả các tài sản và nợ (như tài khoản ngân hàng, cổ phiếu hay khoản vay), tất cả bất động sản, động sản có giá trị như đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật. Các tài liệu trên phải được nộp vào năm mà người đó trở thành thành viên Nghị viện châu Âu và khi nhiệm kỳ của họ kết thúc. Các báo cáo về hoạt động bên ngoài là công khai, trong khi báo cáo về tài sản và nợ được giữ bí mật và được lưu tại Tòa Kiểm toán Bỉ. Trong trường hợp cần điều tra hình sự, chỉ có thẩm phán mới được tiếp các báo cáo này.

Bulgaria: Kê khai tài sản và lợi ích phải được cập nhật ngay khi có thay đổi

Theo Luật Chống tham nhũng và tịch thu tài sản được mua trái pháp luật, các MEP được bầu ở Bulgaria phải nộp bản kê khai về tài sản và lợi ích, đồng thời phải được cập nhật thông tin bất cứ khi nào có thay đổi. Sau đó, các tài liệu này được đệ trình lên Ủy ban Chống tham nhũng, xung đột lợi ích và đạo đức Nghị viện, nơi lưu giữ sổ đăng ký công khai về những kê khai đó. Việc kê khai phải bao gồm tài sản, lợi ích ở trong nước và nước ngoài, bao gồm bất động sản, động sản có giá trị, thu nhập, các khoản vay và nợ phải trả (Điều 37). Thu nhập và tài sản của vợ/chồng và con chưa thành niên cũng phải được báo cáo, đồng thời tờ khai phải được nộp trong vòng 1 tháng kể từ khi họ nhậm chức, nộp hàng năm và nộp sau khi hết nhiệm kỳ 1 tháng, 1 năm (Điều 38).

Hy Lạp: Kê khai tài sản được công khai trên trang web của Quốc hội

Điều 4 của Luật 5026/2023 yêu cầu các MEP được bầu trong nước, cùng với những người nắm giữ chức vụ và các quan chức phải nộp bản kê khai tài sản và bản kê khai lợi ích tài chính. Việc kê khai tài sản cũng là bắt buộc đối với vợ, chồng và bạn đời chung sống. Tờ khai của MEP bao gồm tài sản của trẻ em chưa đủ tuổi vị thành niên. Cả hai tờ khai phải được nộp trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận nhiệm vụ và chúng được cập nhật hàng năm. Bản kê khai cuối cùng phải được nộp 3 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Việc kê khai tài sản bao gồm thông tin về thu nhập, bất động sản, xe cộ, cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi hoặc bất kỳ hình thức tham gia nào khác vào doanh nghiệm hay các khoản vay. Việc kê khai tài sản được công khai trên trang web của Quốc hội Hy Lạp.

Pháp: Dữ liệu cá nhân được bôi đen để bảo vệ quyền riêng tư

Điều 11 của Luật 2013-907 được ban hành ngày 11.10.2013 về minh bạch công yêu cầu các MEP phải nộp bản kê khai lợi ích và bản kê khai tài sản lẫn nợ phải trả cho Cơ quan cấp cao về minh bạch quá trình làm việc công (High Authority for the Transparency of Public Life) trong vòng 2 tháng kể từ khi nhậm chức. Bản kê khai tài sản, nợ cũng phải nộp sau 2 tháng kể từ ngày kết thúc nhiệm kỳ. Thông tin kê khai này không được công bố, nhưng cử tri có thể tham khảo việc kê khai tài sản của MEP tại quận của họ, với một số dữ liệu cá nhân nhất định được bôi đen để bảo vệ quyền riêng tư.

Litva: Phải kê khai các tài sản có giá trị vượt quá 1.500 euro

Điều 2 của Luật Kê khai tài sản của người cư trú yêu cầu các MEP phải nộp bản kê khai tài sản cho cơ quan thuế trong vòng 30 ngày sau cuộc bầu cử, hàng năm và sau khi chấm dứt nhiệm vụ. Tài sản phải kê khai bao gồm bất động sản, động sản phải đăng ký, tiền gửi trong ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác…, các tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ trang sức, các khoản vay và tín dụng, nếu số tiền của chúng vượt quá 1.500 euro. Các tờ khai được công bố hàng năm trên trang web của cơ quan thuế trung ương.

Ba Lan: Bản kê khai tài sản phải được trình lên Chủ tịch Hạ viện

Ở Ba Lan, Điều 3a của Luật Về thù lao của các MEP được bầu ở Cộng hòa Ba Lan năm 2004, yêu cầu các MEP của Ba Lan nộp bản kê khai tài sản của họ, bao gồm thu nhập từ mọi hoạt động bên ngoài, bất động sản, động sản có giá trị hơn 10.000 PLN (khoảng 2.200 euro), các khoản nợ có giá trị vượt quá 10.000 PLN, các khoản tín dụng, khoản vay cũng như các nguồn tài chính khác khi tham gia vào quan hệ đối tác dân sự hoặc thương mại, cổ phiếu, trái phiếu trong các công ty thương mại. Kê khai này phải được đệ trình lên Chủ tịch Hạ viện và được công khai - ngoại trừ địa chỉ cư trú, đồng thời tài liệu cũng phải nộp vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ, hàng năm và sau khi chấm dứt nhiệm kỳ của MEP.

Bồ Đào Nha: Bản kê khai tài sản duy nhất gồm nhiều nội dung

Luật số 52/2019, được ban hành vào ngày 31.7.2029, điều chỉnh việc thực hiện chức năng của những người nắm giữ chức vụ chính trị và chức vụ công cấp cao, yêu cầu các MEP được bầu ở Bồ Đào Nha phải cung cấp một bản kê khai duy nhất bao gồm thu nhập, tài sản, nợ phải trả, lợi ích, sự tương thích và tư cách thực hiện nhiệm vụ. Các tài sản phải kê khai bao gồm cổ phiếu, hoặc các cổ phần trong các công ty dân sự hoặc thương mại, tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn hoặc các tài khoản tài chính, tài khoản vãng lai và quyền tín dụng tương tự. Kê khai phải được nộp trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận nhiệm vụ, trong vòng 30 ngày kể từ khi hoàn cảnh thay đổi, trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc nhiệm vụ và 3 năm sau khi chấm dứt nhiệm vụ. Thông tin được tiết lộ chỉ được công khai một phần, không bao gồm dữ liệu nhạy cảm cá nhân.

Romania: Nộp kê khai tài sản trước và sau bầu cử

Các MEP của Romania được bầu trong nước phải nộp cả bản kê khai lợi ích tài chính và bản kê khai tài sản theo Điều 1(1)(4) của Luật 176/2010. Những bản kê khai này phải được nộp cùng nhau cho các cơ quan bầu cử kèm theo tuyên bố chấp nhận ứng cử, tức là nộp trước bầu cử, và cũng phải được nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày bầu cử cho cơ quan bầu cử thường trực. Các bản kê khai phải được cập nhật hàng năm, trong đó bản kê khai cuối cùng phải được nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc nhiệm vụ. Việc kê khai tài sản bao gồm các quyền và nghĩa vụ của người kê khai, vợ, chồng, con cái phụ thuộc, bất động sản, động sản có giá trị, tài sản tài chính, khoản đầu tư, cổ phần, nợ phải trả, thu nhập, và quà tặng. Cả hai bản kê khai đều được công bố trên trang web của Cơ quan Liêm chính quốc gia, một cơ quan hành chính độc lập được thành lập để xác định các trường hợp làm giàu bất hợp pháp, cũng như xác minh việc tuân thủ các quy định về không tương thích và xung đột lợi ích.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/nghi-si-chau-a-ke-khai-tai-san-theo-luat-quoc-gia-i364788/