Nghị quyết số 33-NQ/TW: Hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ! (Bài cuối): 'Chấn hưng văn hóa' hướng đến nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Văn hóa dân tộc - hay đúng hơn là những giá trị thuộc bản sắc, cái tinh hoa, tinh túy được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử - cũng ví 'tấm khiên' giúp chống lại mọi sự đồng hóa, xâm lăng văn hóa. Đồng thời, văn hóa dân tộc được bảo tồn cũng chính là nền tảng góp phần bảo vệ sự toàn vẹn độc lập, chủ quyền quốc gia - dân tộc.

Sự quan tâm của người dân là cơ sở để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo vệ, phát triển (trong ảnh: Khách du lịch tham quan Khu Di tích lịch sử Lam Kinh). Ảnh: Khôi Nguyên

Đối diện thách thức

Suốt hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc giao lưu, tiếp biến văn hóa, với cả phương Đông lẫn phương Tây, trong bối cảnh chiến tranh lẫn hòa bình và có tự nguyện lẫn cưỡng bức. Song, có một điều đã được nhiều học giả thống nhất khẳng định, đó là bản sắc văn hóa hay những giá trị căn bản nhất làm nên diện mạo và giá trị văn hóa dân tộc, thì vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân rất căn bản đã được thừa nhận của nhiều học giả, đó là “người Việt Nam có một văn hóa đạo đức cao”. Đạo đức, hiểu theo cách từ điển giải thích là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận và có khả năng quy định hành vi, mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội. Song “một văn hóa đạo đức cao” có lẽ không chỉ hiểu một cách đơn giản là những quy định ràng buộc con người; mà cần đi sâu hơn vào bản chất của nó, với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp và sự tuân thủ một cách tự nguyện, thậm chí là tự nhiên của con người trong xã hội ấy.

Lịch sử lâu đời của dân tộc ta đã hun đúc nên nhiều phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam. Những phẩm chất này lại được trao truyền từ đời này qua đời khác, trở thành truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc, thành một tình cảm sâu sắc, thành niềm tự hào trong mỗi người Việt Nam. Song để có thể khẳng định “người Việt Nam có một văn hóa đạo đức cao” thì những truyền thống đạo đức tốt đẹp ấy phải trở thành lẽ sống, có ý nghĩa phổ biến và được thực hành như một chân lý rất đỗi gần gũi, quen thuộc và tự nhiên như hơi thở. Đó là trong cách sống thì “có nghĩa, có nhân”; trong đối nhân xử thế thì thân tình “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước thì thương nhau cùng”; trong đoàn kết thì “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; trong đấu tranh thì anh dũng, kiên cường, bất khuất “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”; trong quyết tâm vượt khó thì “Có công mài sắt, có ngày nên kim”... Để rồi, nền văn hóa với chiều sâu các giá trị đạo đức đã trở thành “mỏ neo” sự sống và tâm hồn người Việt, trở thành “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” trong truyền thống dân tộc, trong phẩm giá con người. Từ đó mà “soi đường cho quốc dân đi”, để vượt qua mọi thách thức trên hành trình tranh đấu cho quyền độc lập, quyền tự quyết dân tộc, cũng như đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại như hiện nay.

Mặc dù vậy, dưới tác động mạnh mẽ của các yếu tố mới như hội nhập kinh tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang xóa nhòa mọi ranh giới, mọi khoảng cách. Trong đó, văn hóa là lĩnh vực đang chịu tác động hết sức mạnh mẽ, với những hệ lụy đã được Nghị quyết số 33-NQ/TW chỉ ra. Đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp Nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận Nhân dân, nhất là lớp trẻ. Nhiều hiện tượng văn hóa bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc, thậm chí là vô văn hóa, phản văn hóa...

Những hệ lụy kể trên đã và đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa. Do đó, hơn lúc nào hết, yêu cầu chấn hưng văn hóa dân tộc cần được đặt ra một cách cấp thiết hơn bao giờ hết, để văn hóa thực sự là động lực nội sinh quan trọng cho phát triển đất nước.

Khởi đầu từ trái tim

Mặc dù sẽ phải đối diện với nhiều thách thức chưa từng có, trong đó có cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng đang diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Song, để “chấn hưng văn hóa” chúng ta đang có những cơ sở rất quan trọng. Đó là điểm tựa từ những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của mấy mươi năm đổi mới, đang và sẽ tạo dựng niềm tin cho Nhân dân. Đồng thời, điểm tựa này còn đến từ chính sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc, như nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc đã chỉ ra, đó là khả năng “vượt gộp”. “Vượt gộp” có nghĩa là tiếp thu được cái mới nhưng đổi mới được nó trên cơ sở một cái cũ cũng đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Nói cho dễ hiểu thì “vượt gộp” là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành. Như vậy “vượt gộp” không phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, cũng không phải là khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới. Truyền thống văn hóa Việt Nam là truyền thống “vượt gộp” và nhiều thành tựu của văn hóa dân tộc là kết quả từ sự “vượt gộp” ấy. Cho nên, Việt Nam chắc chắn sẽ “vượt gộp” được văn hóa hậu công nghiệp trong việc làm cho nó thích hợp với tâm thức Việt Nam.

Vấn đề đặt ra lúc này là, công cuộc chấn hưng văn hóa cần bắt đầu từ đâu? Câu hỏi ấy đã được Đảng ta chỉ rõ bằng quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt, đó là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Trên cơ sở định hướng chung đó, để chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, trước hết và trên hết phải phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam. Đồng thời, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc. Kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại như yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Song song với đó là phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Con đường chấn hưng văn hóa dân tộc, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, cũng đồng thời là để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần cho phát triển bền vững đất nước, sẽ là con đường ngàn dặm. Và con đường ấy phải được bắt đầu từ khát vọng và trách nhiệm trong mỗi trái tim con người Việt Nam.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nghi-quyet-so-33-nq-tw-huong-den-cac-gia-tri-chan-thien-my-bai-cuoi-chan-hung-van-hoa-huong-den-nen-nbsp-van-hoa-tien-tien-dam-da-ban-sac-dan-toc-214540.htm