Nghị quyết số 06: 'Lực đẩy' nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 28/12/2016 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được nâng lên rõ rệt, dần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Giờ học của thầy và trò Trường THPT Nho Quan B. Ảnh: Minh Quang

Cơ cấu nguồn nhân lực có sự chuyển dịch tích cực theo ngành, lĩnh vực có thế mạnh của địa phương. Công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp. Đào tạo nghề cho lao động trực tiếp được quan tâm, tay nghề và đạo đức, văn hóa người lao động được nâng lên, có khả năng tiếp cận khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động...

Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông - nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực

Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo có nhiều đổi mới về công tác quản lý, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Đến nay, chất lượng giáo dục của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực: 8/8 huyện, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (mức độ cao nhất trong phổ cập giáo dục, xóa mù chữ), được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

Tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 THPT, GDTX đạt 89,2% so với số học sinh tốt nghiệp THCS năm 2020. Chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều tiến bộ, nhiều năm liền tỉnh Ninh Bình xếp trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về điểm trung bình tất cả các bài thi THPT quốc gia/tốt nghiệp THPT (trong đó có 5 năm liền đứng thứ 3).

Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh có chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS năm 2020 không học THPT hoặc GDTX cấp THPT chiếm 10,8% (giảm 3,4% so với năm học trước). Tổ chức dạy nghề phổ thông đáp ứng nhu cầu học sinh, phù hợp với điều kiện của địa phương và nhà trường.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển theo hướng kiên cố hóa và đồng bộ. Số trường học đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục ngày càng đáp ứng tốt hơn quá trình dạy và học.

Giáo dục mũi nhọn được quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thành dự án xây dựng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (100% phòng học được kiên cố hóa, 100% trẻ em trong độ tuổi ở cả 3 cấp học đều được đến trường; các xã Thạch Bình, Kỳ Phú, Phú Long, huyện Nho Quan; xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp đạt chuẩn quốc gia ở cả 3 cấp học); cải tạo, nâng cao cơ sở vật chất cho Trường THPT Dân tộc nội trú… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, làm tiền đề vững chắc cho phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Cùng với các hoạt động tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị trong giảng dạy và đổi mới phương pháp giáo dục; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp luôn được quan tâm, chú trọng. Đến nay, toàn ngành có 3 tiến sỹ, trên 650 thạc sỹ. Tỷ lệ nhà giáo có trình độ đạt chuẩn trở lên là 99,9%, trên chuẩn chiếm 82,06%, trong đó: Mầm non 96,9%; Tiểu học 98,6%; THCS 86,3%; THPT 25,6%; GDTX cấp THPT 15,4%.

Nhiều chính sách nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 26/2/2018 sắp xếp lại hệ thống cơ sở đào tạo dạy nghề và một số trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề.

Hiện tại, tỉnh Ninh Bình có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp; 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - trung tâm giáo dục thường xuyên; 9 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn về đào tạo hiện nay là 97,5%.

Hoạt động đào tạo nghề từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo ngành, lĩnh vực và vùng.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (tổ chức các lớp đào tạo về quản trị doanh nghiệp; đào tạo kiến thức, kỹ năng về phát triển quan hệ đối tác cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên có liên quan; bồi dưỡng cập nhật, phổ biến kiến thức về thuế và mở cửa thị trường…).

Nhằm khuyến khích người lao động tham gia học nghề và nâng cao trình độ, tay nghề, tỉnh cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động tham gia học nghề như: Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 6/7/2017 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020; Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 8/2/2018 về đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020; Nghị quyết số 44/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Đề án số 27/ĐA-UBND ngày 22/12/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về bổ sung chính sách du học nghề vào Đề án số 12…

Trong 5 năm, đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 86.000 lao động (trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho trên 17.000 lao động), góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 đạt 55%; giải quyết việc làm cho trên 102.600 người (trung bình mỗi năm tạo việc làm cho trên 20.000 lao động), trong đó giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động 6.252 người.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thu hút nhân lực chất lượng cao

Triển khai Kế hoạch 111-KH/TU ngày 31/7/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 31/7/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong đó, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là cán bộ trẻ, qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đến nay, 100% cán bộ chủ chốt khi bầu vào các chức danh chủ chốt ở cơ sở có trình độ chuyên môn đại học và đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính trở lên; 34,6% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn trên đại học; đội ngũ cán bộ, công chức được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ.

Công tác xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện định kỳ, thường xuyên, đảm bảo nghiêm túc, dân chủ, khách quan, đúng quy trình. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng được đội ngũ cán bộ dự nguồn khá dồi dào, tạo thuận lợi cho công tác sử dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ và thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương.

Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý được thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, giúp cán bộ trưởng thành và vững vàng hơn, đáp ứng tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh ta đã thực hiện luân chuyển được 10 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và 62 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp huyện ủy, thành ủy quản lý.

Thực hiện chủ trương bí thư cấp huyện, cấp xã không là người địa phương theo Kế hoạch số 111-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay có 6/8 đồng chí bí thư cấp huyện, 6/8 đồng chí chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương, có 64/143 bí thư đảng ủy cấp xã và 27/143 chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương.

Chính sách thu hút, tạo nguồn từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được tỉnh Ninh Bình tổ chức thực hiện thông qua Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 10/1/2019. Thực hiện những quy định mới của Chính phủ về chính sách thu hút, khuyến khích tài năng, đến hết năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã thu hút được 3 công chức và viên chức (công chức: 2 người; viên chức: 1 người) và tuyển dụng qua thi tuyển 74 công chức vào làm việc tại cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện Văn bản số 3135-CV/VPTW ngày 16/1/2017 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương về việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; Văn bản số 2424/BNVCCVC ngày 9/5/2017 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 84-KH/TU về thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng, đã có 63 chức danh đăng ký và đã tổ chức thi tuyển được 26 chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Nhìn chung, việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng đã góp phần tạo động lực, khích lệ ý chí phấn đấu, phát triển nghề nghiệp của mỗi công chức; góp phần phát huy phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cơ bản đã thực hiện đúng nguyên tắc và trình tự các bước thực hiện tinh giản biên chế, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; góp phần thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách công vụ công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả đã giải quyết được cho 285 người nghỉ theo tinh giản biên chế…

Nhận thức tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII tiếp tục xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong ba khâu đột phá.

Trong đó, đặt ra các mục tiêu cụ thể là: Phát triển nguồn nhân lực đồng bộ cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với mở rộng thị trường lao động, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đinh Quốc Trường
(Văn phòng UBND tỉnh)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nghi-quyet-so-06-luc-day-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc/d20210823080437904.htm