'Nghị quyết' riêng cho vùng đất khó

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11 NQ/TU (gọi tắt là Nghị quyết 11) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về 'Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045', đến nay, huyện Mường Lát đã đạt được một số kết quả bước đầu khá quan trọng, nhất là làm thay đổi nhận thức, tư tưởng của người dân về phát kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

Mường Lát nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa trên 250km. Với địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao, vực sâu, đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp quá hạn hẹp lại kém màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt, chăn nuôi kém phát triển, đời sống người dân lâu nay còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho hay: “Mường Lát hiện là một trong số 73 huyện nghèo của cả nước, thu ngân sách năm 2023 chỉ có hơn 9 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng chi ngân sách thường xuyên (tiền lương, chế độ chính sách…) là hơn 400 tỷ đồng. Năm 2023, số tiền công dân trên địa bàn xuất khẩu lao động gửi về ước đạt 80 tỷ đồng, nhiều gia đình giàu lên do có con em đi lao động ở nước ngoài”.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh đã có các chủ trương, giải pháp giúp Mường Lát “thoát nghèo” bền vững, song dường như “bài toán khó” này nhiều năm chưa có lời giải… Nhiều chương trình, dự án giảm nghèo cho đồng bào được triển khai tại Mường Lát nhưng không mang lại hiệu quả như mục tiêu đề án đề ra ban đầu. Điển hình là dự án 147, trồng cây xoan lấy gỗ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tuy vậy nhưng sau gần 10 năm, nhiều cây xoan nay chỉ bằng cánh tay người lớn, phần đa cây xoan còi cọc không lớn, bán không ai mua, cho không ai lấy.

Lão đạo tỉnh Thanh Hóa thăm một hộ gia đình trồng sắn tại xã Mường Lý.

Nhằm tạo “cú hích” mạnh cho vùng đất khó, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết 11 xác định, giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 10,2% trở lên; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng, tỷ lệ che phủ rừng giữ ở mức 77%... Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) (1 xa đạt NTM nâng cao), 2 bản đạt NTM kiểu mẫu... Mục tiêu đến năm 2045, kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 11, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân với nhiều hình thức phong phú, qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, cách thức, chuyển từ sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất “hàng hóa”; chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, năm 2023, huyện Mường Lát đã kêu gọi một doanh nghiệp nông nghiệp là Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (địa chỉ tại huyện Ngọc Lặc) vào hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giúp bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, từ trồng xoan kém hiệu quả sang trồng sắn và bao tiêu sản phẩm. Do vậy, diện tích trồng sắn trên địa bàn Mường Lát năm tăng lên đáng kể, đạt khoảng gần 3.000ha, năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn, với giá sắn hiện tại (từ 2,4– 2,6 triệu đồng/1 tấn), toàn huyện đạt hơn 100 tỷ đồng. Thu nhập từ cây sắn đang góp phần giúp người dân địa phương cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo.

Ông Hà Văn Lại (SN 1976), bản Nàng 1, xã Mường Lý vui mừng nói, sau gần 10 năm thực hiện dự án 147 trồng cây xoan không hiệu quả, năm 2023, gia đình ông chuyển sang trồng sắn, thu hoạch được khoảng 50 tấn sắn tươi, với giá sắn hiện tại, cho thu nhập trên 120 triệu đồng. Theo ông Lại, so với cây trồng khác thì cây sắn cho thu nhập cao nhất, cây sắn rất dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, có những cây tốt sẽ cho 2 3kg củ sắn tươi.

Ông Lê Hữu Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý, xác nhận: Năm 2023, toàn xã trồng được khoảng trên 500ha sắn, sản lượng cho thu hoạch ước đạt 6.000 – 7.000 tấn. Diện tích trồng sắn được chuyển đổi chủ yếu từ diện tích trồng xoan theo dự án 147 trước đây, hiện cây sắn hiện đang cho thu nhập khá cao, đời sống người dân được cải thiện.

Trong khi đất đai sản xuất nông nghiệp quá ít ỏi, nghèo dinh dưỡng, lâm sản phụ từ rừng không đủ để duy trì, đảm bảo cuộc sống hằng ngày, những năm gần đây, thanh niên vùng cao Mường Lát đã tỏa đi làm ăn khắp nơi, cải thiện đời sống kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ những thanh niên mạnh dạn xuất khẩu lao động ra nước ngoài mới thực sự mang lại cuộc sống ấm no, một số người còn trở nên giàu có trong vùng.

Ông Vi Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết: Quang Chiểu là địa phương có người xuất khẩu lao động đầu tiên của huyện Mường Lát và hiện số công dân xuất khẩu lao động cũng nhiều nhất huyện với số lượng 50 người đang làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Những gia đình có người đi xuất khẩu lao động, có đời sống kinh tế khá giả hơn nhiều so với những gia đình khác. Xuất khẩu lao động đang giúp nhiều gia đình ở địa phương “thoát nghèo”, ông Thuấn cho biết thêm.

Đơn cử, gia đình ông Vi Hồng Inh ở bản Pùng, xã Quang Chiểu, có 2 người con trai xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm ăn, gửi tiền về để bố mẹ xây nhà lớn, khang trang, đẹp nhất vùng. Ông Inh cho biết, người con trai đầu là anh Vi Văn Hiếu (SN 1990), học xong hệ cao đẳng nhưng không xin được việc làm đúng ngành học nên gia đình động viên học tiếng Hàn Quốc để xuất khẩu lao động. Thời gian đầu sang Hàn Quốc, anh Hiếu làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, thu nhập mỗi tháng 30 50 triệu đồng, sau đó, chuyển sang làm công nhân xây dựng, thu nhập từ 70 80 triệu/ tháng. Tiếp nối anh trai, mới đây anh Vi Văn Hào (SN 1996), con trai thứ hai của ông Inh cũng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, đến nay, mỗi tháng thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình, đánh giá: Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Nhiều lao động sau khi xuất khẩu có công việc ổn định, chỉ sau thời gian không lâu đã trả xong số tiền vay ngân hàng và còn gửi tiền về cho gia đình. Đây cũng là cơ hội để lao động học hỏi, trau dồi và tích lũy kiến thức về nghề đã được đào tạo; nâng cao trình độ, dễ dàng tìm kiếm những việc làm phù hợp sau khi trở về nước với mức thu nhập cao, ổn định đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Thực tế cho thấy, Nghị quyết 11 đã thổi một “luồng gió mới”, cùng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo cơ sở pháp lý để Mường Lát phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, chặng đường phía trước đang mở ra cho Mường Lát không ít những thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức vẫn không hề nhỏ.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/nghi-quyet-rieng-cho-vung-dat-kho-i722019/