Nghị lực đáng nể của sinh viên U80 ĐH Luật Hà Nội

Ở tuổi 78, cụ ông Ngô Tôn Đức (sinh năm 1945, tại Thụy Khuê, Tây Hồ) đã trở thành cử nhân ĐH Luật Hà Nội sau 5 năm không ngừng học hỏi. Đây còn là tấm bằng ĐH thứ hai của ông.

Ông Ngô Tôn Đức là cử nhân cao tuổi nhất khi tốt nghiệp trong lịch sử của trường ĐH Luật Hà Nội. Ảnh: NVCC

Theo học chương trình đào tạo cử nhân Luật hệ vừa làm vừa học, sau 4 năm, ông Ngô Tôn Đức đã hoàn thành 45 môn học trong chương trình và đạt điểm tích lũy 8,1 được xếp tốt nghiệp loại Giỏi. Trước đó ông đã có 2 bằng ĐH về kinh tế và quản trị kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp nguyện vọng tiếp theo của ông là trở thành luật sư để góp phần vào sự phát triển của xã hội và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Ông Ngô Tôn Đức cho biết: “Theo học ngành luật là một mong ước từ lâu của tôi; Tôi rất yêu thích luật pháp và muốn hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật của đất nước. Tôi cũng muốn học hỏi thêm những kiến thức mới và nâng cao trình độ của mình. Tôi rất vui và sung sướng khi đã đạt được mục tiêu của mình”.

4 năm về trước, gia đình ông Đức khá bất ngờ với mong muốn học ĐH nhưng sau đó cả nhà cũng ủng hộ hết mình với quyết định của ông. Bởi đó là mong muốn, nguyện vọng từ khi còn trẻ, để có được thành quả như này ông Đức đã rất nỗ lực rất nhiều.

Các sinh viên cùng lớp cũng rất ngưỡng mộ nghị lực của “cụ sinh viên” đặc biệt của lớp, lúc nào bác Đức cũng là người đến sớm và rất chăm học, chuẩn bị bài tập rất đầy đủ. Nhiều hôm, hết giờ, bác vẫn có rất nhiều câu hỏi với giảng viên. Tuổi cao nên nhiều hôm bác cũng mệt, mọi người cũng quan tâm, hỏi han sức khỏe bác. Kết quả học tập của bác xuất sắc, giới trẻ có khi còn thua. Đó là cả một sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, rất đáng ngưỡng mộ.

Đại diện nhà trường cho biết ông Ngô Tôn Đức là người có điểm số cao nhất so với hơn 30 sinh viên đã tốt nghiệp. Với số điểm đó ông Đức cũng là cử nhân cao tuổi nhất khi tốt nghiệp trong lịch sử của Trường ĐH Luật Hà Nội.

Ngược dòng thời gian, cuối năm 1964, ông Đức tốt nghiệp trường cấp 3 Xuân Đỉnh, sau sự kiện tiến công xâm lược quy mô lớn đầu tiên của không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam (ngày 5/8/1964) chưa lâu.

Ngay sau Tết Nguyên đán năm 1965, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông xung phong lên đường nhập ngũ, được phân vào Trung đoàn 205, Bộ Tư lệnh thông tin, tại khu trung tâm thu phát.

Ông Đức Đức kể, khu hầm nơi ông ở không thể thiếu sách. Các sách đủ thể loại, được ông mượn từ người chỉ huy hoặc tự mang theo. Sau khi phục vụ chiến đấu và những lần tập luyện vất vả, ông Đức tìm đến sách ngay khi rảnh rỗi. Sau 7 năm trong quân ngũ, ông Đức xuất ngũ theo chế độ bệnh binh do phải mổ cắt 2/3 dạ dày. Lúc này, ông xin vào làm việc tại Nhà máy nước và được đơn vị cử đi học kỹ sư chế tạo máy tại ĐH Bách khoa Hà Nội vào năm 1974.

Ông Đức chỉ có 1 tháng được đơn vị cho nghỉ phép để ôn thi vào Bách khoa. Ông cứ tự ôn tập từ sáng tới tối. 3 môn Toán, Lý, Hóa, mỗi tuần ôn một môn, tới tuần cuối ôn lại tổng thể. Kết quả bất ngờ khi ông Đức đạt 9.5 điểm Hóa, 8 điểm Lý và 7 điểm Toán, đủ điểm đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa, 40 năm ông làm kỹ sư chế tạo máy, bôn ba đủ nghề kiếm sống. Nhưng cái tính thích học đã ăn sâu vào máu. Thế là cuối năm 2018, ông làm hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Luật Hà Nội, hệ vừa học vừa làm.

4 năm học của “lão sinh viên” quá nhiều vất vả. Cứ mỗi thứ 7, Chủ nhật, ông lại tự đi xe máy từ nhà đến trường. Lịch học bắt đầu từ 18-21h nên ông thường di chuyển từ 17h để đảm bảo tới lớp sớm ít nhất 15 phút. 21h30' tối, khi về tới nhà, ông Đức mới tắm rửa, ăn cơm tối và nghỉ ngơi một lúc trước khi ngồi vào bàn học. Ông có thói quen hoàn thành bài tập được giao trong ngày và luôn đọc giáo trình trước khi tới lớp. Do đó, việc học thông tới 2h đêm mới đi ngủ là chuyện thường tình.

Ông Đức chia sẻ, đi học ở tuổi 80 không chỉ để mở mang kiến thức, được làm luật sư như mong ước từ lâu mà còn học vì con cháu, đặc biệt là 3 người con đã mất. “Các con tôi mất khi còn quá non trẻ, chưa được đi học. Tôi muốn học thay cho con, đó là lương tâm, trách nhiệm của một người làm cha. Vì nghĩ rằng phải học thay cho con nên tôi luôn tự nhủ phải khỏe, phải gắng để học tử tế, học cho tới nơi tới chốn” - ông Đức bộc bạch.

Những mục tiêu đó cũng là nguồn động lực lớn lao giúp ông Đức gượng dậy được trong giai đoạn đi học gặp nhiều biến cố. Tháng 8/2022, vợ ông Đức lâm bệnh hiểm nghèo. Nghe tin dữ, ông cũng đổ bệnh vì quá sốc và lo lắng. Ông không thể đi học, chỉ nằm trên giường dưỡng bệnh suốt 1 tháng. Thời điểm này cũng trùng với giai đoạn chuẩn bị thi hết môn của chương trình học kỳ 2. Ông Đức kể, lúc nằm trên giường bệnh, cứ có một động lực hối thúc ông phải khỏe lên để đi thi. Vào tháng 10/2022, khi thi môn Tiếng Anh, ông Đức bị ngã trong phòng thi và được đưa xuống phòng y tế để điều trị. Môn học đó đến gần tốt nghiệp ông mới thi lại được.

Sau khi trở thành cử nhân luật, ông Đức cho biết có hai dự định. Một là học cao học tại Khoa Pháp luật dân sự, trường ĐH Luật Hà Nội; hai là học nghề luật sư tại Học viện Tư pháp. Ông đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, dự định nếu may mắn trúng tuyển cả hai sẽ học song song.

Dương Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nghi-luc-dang-ne-cua-sinh-vien-u80-dh-luat-ha-noi-345444.html