Nghi hoặc nổi lên sau hòa đàm Nga - Ukraine

Ngay sau khi xung đột giữa Ukraine và Nga vừa thấy dấu hiệu tích cực trong cuộc đàm phán hôm 29/3, các bên liên quan tiếp tục hoài nghi lẫn nhau giữa lúc chiến sự vẫn căng thẳng.

"Người Ukraine không ngây thơ. Chúng tôi đã học được trong 34 ngày giao tranh, và trong 8 năm qua của cuộc xung đột ở Donbas rằng điều duy nhất chúng tôi có thể tin tưởng là một kết quả cụ thể", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói vào cuối ngày 29/3 (giờ địa phương).

Phát biểu này được đưa ra sau cuộc đàm phán giữa 2 phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul về khả năng trung lập của Kyiv, theo Reuters.

Cuộc đàm phán kết thúc với những lời hứa nghiên cứu và xem xét các yêu cầu từ cả hai bên, chứ chưa đi tới một thỏa thuận cụ thể nào, kéo theo sau là những ngờ vực lẫn nhau và giao tranh vẫn tiếp tục căng thẳng trong ngày 30/3.

 Một quân nhân Ukraine ôm mẹ sau khi bà được sơ tán khỏi thị trấn Irpin, ngoại ô Kyiv, ngày 30/3. Ảnh: Reuters.

Một quân nhân Ukraine ôm mẹ sau khi bà được sơ tán khỏi thị trấn Irpin, ngoại ô Kyiv, ngày 30/3. Ảnh: Reuters.

Trong khi phía Ukraine nói rằng các thành phố tiếp tục bị bắn phá và Nga đang phong tỏa các cảng biển của họ trong ngày giao tranh thứ 35, quân đội Moscow cáo buộc lực lượng Ukraine tại những thành phố bị tấn công lợi dụng lệnh ngừng bắn để khôi phục trạng thái sẵn sàng chiến đấu và thiết lập các điểm bắn trong bệnh viện và trường học, theo hãng tin Interfax.

Nga đánh lạc hướng?

Trong một bài phát biểu trước Quốc hội Na Uy ngày 30/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi thêm vũ khí và yêu cầu châu Âu đóng cửa các cảng biển của họ đối với Nga, CNN đưa tin.

Ông Zelensky yêu cầu hỗ trợ tên lửa chống hạm, tên lửa Harpoon, hệ thống tên lửa phòng không và súng chống tăng.

“Tất cả vũ khí mà các bạn hỗ trợ cho chúng tôi sẽ chỉ được sử dụng để bảo vệ tự do của chúng tôi, tự do của các bạn. Nga không thể sử dụng các cảng trên thế giới một cách tự do. Đây là một vấn đề của an ninh hàng hải toàn cầu”, ông nói.

Ông cảnh báo tương lai của "toàn bộ lục địa, từ bắc đến nam, từ đông sang tây, đang được quyết định ngay bây giờ" ở Ukraine.

Động thái này từ phía Ukraine được đưa ra sau hàng loạt nghi ngờ về việc Nga không rút quân khỏi khu vực quanh Kyiv như đã hứa.

Trong ngày 29/3, phía Nga tuyến bố giảm “đáng kể” hoạt động quân sự ở gần Kyiv và Chernihiv “để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo và đạt được mục tiêu cuối cùng là ký kết một hiệp định”.

Tuy nhiên, dường như động thái của Nga không những không tạo dựng được niềm tin cho Ukraine và phương Tây, mà còn gây thêm nhiều nghi hoặc, khi các báo cáo cho thấy Nga vẫn siết chặt hoạt động tại phía đông và phía nam Ukraine, trong lúc các lực lượng gần Kyiv đang được bố trí lại.

 Lực lượng cứu hộ làm việc tại tòa nhà chính quyền bị tên lửa hành trình Nga phá hủy ở Mykolaiv, Ukraine, ngày 30/3. Ảnh: Reuters.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại tòa nhà chính quyền bị tên lửa hành trình Nga phá hủy ở Mykolaiv, Ukraine, ngày 30/3. Ảnh: Reuters.

Theo Lầu Năm Góc, Nga đã bắt đầu di chuyển một số lượng rất nhỏ quân khỏi các vị trí xung quanh Kyiv nhằm tái bố trí lực lượng, chứ không hề rút khỏi Kyiv.

"Tất cả nên chuẩn bị tinh thần đề phòng một cuộc tấn công lớn nhằm vào các khu vực khác của Ukraine", phát ngôn viên John Kirby nói trong một cuộc họp báo. "Mối đe dọa đối với Kyiv vẫn chưa kết thúc”.

Bộ Quốc phòng Anh cũng tỏ thái độ tương tự. Trong một bản cập nhật thông tin tình báo, bộ cho biết: "Rất có thể Nga sẽ tìm cách chuyển hướng sức mạnh từ phía bắc sang tấn công ở các khu vực Donetsk và Luhansk ở phía đông”.

Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tin rằng lời hứa của Nga về việc cắt giảm các hoạt động quân sự ở một số khu vực "có thể là sự luân chuyển các đơn vị riêng lẻ”.

Thêm vào đó, ông Vyacheslav Chaus, Thống đốc tỉnh Chernihiv của Ukraine cáo buộc quân đội Nga vẫn pháo kích “suốt đêm”, bất chấp lời hứa trước đó, theo AFP. Phóng viên của hãng tin này cũng ghi nhận nghe thấy tiếng nổ thường xuyên phát ra từ phía thị trấn ngoại ô Irpin - khu vực nằm về phía tây bắc của thủ đô Kyiv.

Ở phía nam thành phố Mykolaiv, tên lửa đã làm hư hại một tòa nhà hành chính. Các nhà chức trách cho biết ít nhất 12 người thiệt mạng và 33 người bị thương.

Một số nhà phân tích lưu ý rằng lời hứa của Nga trong việc giảm giao tranh chủ yếu bao trùm các khu vực mà nước này đang mất dần ưu thế.

Sẽ tiếp tục đàm phán

Sau cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine “không có gì hứa hẹn” theo tuyên bố của Điện Kremlin, các cuộc thảo luận giữa Moscow và phương Tây tiếp tục được dự kiến tổ chức để tìm ra giải pháp chung.

 Một tòa nhà bị bắn phá tại Chernihiv, miền Bắc Ukraine. Ảnh: AFP.

Một tòa nhà bị bắn phá tại Chernihiv, miền Bắc Ukraine. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về kinh tế, Daleep Singh, ngày 30/3 đều đã đến thăm Ấn Độ - quốc gia kêu gọi ngừng bắn nhưng từ chối lên án Moscow.

Ông Sergei Lavrov để ngỏ dự định tổ chức các cuộc đàm phán tại thủ đô Ấn Độ vào ngày 1/4 (giờ địa phương). Theo đó, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự lần này.

Hai nước cũng sẽ thảo luận về việc giải quyết các khoản thanh toán thương mại đang bị gián đoạn do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các ngân hàng Nga, theo Reuters.

Nhà Trắng trước đó cũng công khai khả năng về một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, nếu Nga giảm leo thang căng thẳng ở Ukraine. Cách đó một ngày, ông Biden hôm 28/3 đã nói không loại trừ khả năng gặp trực tiếp ông Putin.

Nga tung video tấn công hệ thống phòng không Ukraine Bộ Quốc phòng Nga hôm 26/3 đăng tải đoạn video cho thấy tên lửa có độ chính xác cao của nước này tấn công hệ thống phòng không Buk của quân đội Ukraine ở Kyiv.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghi-hoac-noi-len-sau-hoa-dam-nga-ukraine-post1306182.html