Nghi cây xăng gian lận, chẳng biết gõ cửa nào!

Xử lý cây xăng gian lận là Sở Khoa học Công nghệ và Chi cục Quản lý thị trường

Như Pháp Luật TP.HCM ngày 27-7 đã thông tin, khách hàng Lê Nhân Thiện (trú tại Bàn Cờ, quận 3, TP.HCM) tố cáo cửa hàng xăng dầu góc Lý Thái Tổ-Lê Hồng Phong (quận 10) gian lận. Tuy nhiên, vụ việc của anh Thiện không thể nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để phân định đúng, sai vì ngay từ đầu người tiêu dùng đã gõ sai cửa. Gần bốn giờ đôi co Chiều ngày 26-7, anh Thiện ghé cây xăng nói trên và yêu cầu đổ cho 50.000 đồng. Do thấy chưa đầy bình nên anh yêu cầu đổ thêm đến khi đầy mới thôi. Tổng cộng sau hai lần bơm, số tiền anh phải trả là 112.980 đồng (tương đương 7,95 lít). Nghi ngờ cây xăng gian lận vì nghĩ dung tích bình xăng xe mình tối đa chỉ chứa 6,4 lít, anh Thiện yêu cầu cây xăng kiểm tra lại. Nhưng khi xăng được hút ra để đo lại thì cả khách hàng và cửa hàng lại lúng túng trong việc chọn dụng cụ đo lường. Cụ thể là khách hàng đòi đo lại ngay bằng chai nước suối (1,5 lít) trong khi cây xăng cho rằng phải đo bằng thiết bị đo chuẩn. Sự việc tranh cãi diễn ra suốt gần bốn giờ đồng hồ. Không biết nhờ ai phân định, anh Thiện gõ cửa công an phường nhưng công an phường cũng không biết giải quyết thế nào. Cuối cùng, biên bản được lập chỉ ghi nhận việc khách hàng đến đổ xăng rồi khiếu kiện, còn số xăng được hút ra thì công an phường giữ lại làm chứng cứ. Không biết đo ở đâu Sáng 27-7, công an phường đã giao lại số xăng cho hai bên mang đi đo lường. Điều đáng nói là cả hai bên đều không biết đi đến cơ quan nào để đo. Cuối cùng, cửa hàng xăng dầu đồng ý để khách hàng đo bằng chai nước suối 1,5 lít. Kết quả đo là 7,5 lít chứ không phải 7,95 lít như số tiền khách hàng phải trả. Mặt khác, dung tích thực tế bình xăng xe anh Thiện là 7,5 lít chứ không phải 6,4 lít như ban đầu anh này cho biết. “Số tiền tôi bỏ ra là gần 8 lít mà đo lại thì chỉ có 7,5 lít. Nếu cây xăng đong thiếu như vậy thì một ngày sẽ có hàng ngàn khách hàng bị thiệt” - anh Thiện nêu ý kiến. Tuy nhiên, ông Bùi Thiên Lộc, Trưởng cửa hàng xăng dầu nói trên, khẳng định: “Chỉ khi nào cơ quan có thẩm quyền về đo lường vào cuộc, lấy dụng cụ chuẩn đo lại thì chúng tôi mới chịu...”. Không thể đo bằng chai nước suối Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, cho biết đo bằng chai nước suối là không thể chuẩn xác. “Các cây xăng đều được cấp thiết bị đo chuẩn như bình 2 lít, 5 lít.... Tuy nhiên, thiết bị đo chuẩn này trước khi đo cũng phải được cơ quan quản lý kiểm định lại về tem, nhãn mác... xem có đúng chuẩn hay không” - ông Lâm nói. Theo ông Lê Xuân Đài, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP, để đong đếm xăng dầu thì Chi cục Đo lường chất lượng sẽ có bình chuẩn để đo và phải đo đi đo lại hai lần trở lên. Trên cơ sở đó, đơn vị đo lường sẽ gút bằng biên bản và yêu cầu các bên liên quan ký vào. “Nếu khách hàng phát hiện hoặc nghi ngờ cây xăng gian lận thì phải báo ngay với đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra liền và lập biên bản. Để đến ngày hôm sau mới liên hệ thì sẽ không đủ cơ sở bởi có thể cây xăng sẽ điều chỉnh lại trụ bơm. Ngoài ra, nếu chỉ dựa vào biên bản của công an phường thì cũng không đủ cơ sở pháp lý để xử lý” - ông Đài nói. Dù vậy, ông Đài cũng cho biết hiện chưa có phương án dán số điện thoại nóng của cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay tại các cây xăng. Chỉ được sai số 0,5% Theo quy định, mức sai số được phép khi đong xăng là 0,5%. Nếu sai số lớn thì tùy mức độ mà bị xử phạt hành chính, rút giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Cơ quan giải quyết trong trường hợp nghi ngờ cây xăng gian lận là Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (số điện thoại 39326888) và Chi cục Quản lý thị trường TP (số điện thoại 39321014). Khách tố, cây xăng trả lại tiền: Xong! Ba ngày trước, tôi ghé đổ xăng ở cây xăng gần cầu Bình Triệu (TP.HCM). Tôi yêu cầu đổ đầy bình thì nhân viên bán xăng tại đây đã không về lại số 0 mà vẫn giữ số tiền của khách đổ trước. Sau đó, nhân viên này tính tiền tôi tới 70 ngàn đồng trong khi bình thường đổ đầy bình tôi chỉ mất không quá 50 ngàn đồng. Tôi phản đối thì người này tự động trả lại 10.000 đồng. Không đồng ý, tôi yêu cầu cây xăng hút lại hết số xăng và tìm đến trạm xăng khác. Tôi chỉ có thể tự bảo vệ mình đến thế là cùng vì thực sự tôi cũng không biết trong trường hợp đó thì phải gọi tới cơ quan nào để phản ánh. Chị Vũ Hồng Yên (Quận 3, TP.HCM)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/xa-hoi/view.aspx?news_id=263458