"Nghi án" Coldplay đạo nhạc Hà Trần - Tụng kinh gì nơi ngõ lớn?

Hoài nghi án Coldplay đạo nhạc ngay tắp lự trở thành một cơn lửa hoang phừng phừng táp lấy tất cả đồng cỏ âm nhạc vốn dĩ đã trơ trụi như nó vẫn. Hậu quả? Nó lại vén lên một lớp đất mới, hoàn toàn mới, nhưng xem ra lại chẳng canh tác - thường theo sau những lần đốt rừng làm rẫy - được gì bấy, nếu chẳng muốn nói chẳng có gì để mà canh tác, mà là một lớp đất hóa ra còn kém màu mỡ hơn nhiều.

Sample ư? Tôi chỉ biết đó là đạo nhạc.

Sample là một vấn đề rất đau đầu, hay khá đau đầu cũng được, cho các nghệ sĩ và ban nhạc, đâu đó cũng kha khá vài thập kỷ, có thể kể từ trước khi hip hop bắt đầu sử dụng đại trà các nhạc phẩm kinh điển (vẫn phải kinh điển) trước đó để phục dịch cho mưu đồ sáng tác của mình. Thật ra tìm hiểu về vấn đề này hoàn toàn không khó khi chúng ta đã có internet trong tay và bộ máy search đa năng google, và khi vấn đề sampling đã được hợp thức hóa bằng luật pháp cả trong và ngoài nước.

Ấy vậy mà trên thực tế vẫn còn nhan nhản, do vô ý hay cố tình, sự nhiệt tình, háo hức đến vô độ tố trong công cuộc tố cáo nghệ sĩ đạo nhạc của giới truyền thông và giới truyền … tin. Vô hình trung, điều này đã tạo một vết nhơ rất rõ, hằn lên ranh giới hư và thực. Minh chứng luôn sẵn có: Beautiful Girl của Minh Hằng “đạo” Tik Tok của Ke$ha, hay Hồ Ngọc Hà “đạo” Red Blooded Woman của Kylie Minogue với Thêm một lần vỡ tan.

Ấy vậy mà trên thực tế vẫn còn nhan nhản, do vô tình hay cố ý, sự thờ ơ, im ắng đến vô vọng trong công cuộc tố cáo nghệ sĩ đạo nhạc, cũng của giới truyền tin và truyền … thông. Biển Nhớ (sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) được nam ca sĩ họ Đàm phối khí lại sử dụng beat Strangers in Moscow của Pop-hoàng quá cố Michael Jackson, hay những fan nhạc rock-ồn ào chẳng lên tiếng gì khi nghe You and I của Lady Gaga, vốn sử dụng sample từ bản nhạc trứ danh We Will Rock You.

Với những bản nhạc cổ điển, vốn được xem là có thể được phái sinh khi thời hạn bảo hộ bản quyền kết thúc, hiện trạng ghi nhận sample vẫn rất... “hên xui”. Còn Ta Với Nồng Nàn của nhạc sĩ Quốc Bảo dù ghi rất rõ lấy intro từ Swan Lake của Tchaikovsky vẫn bị dư luận xôn xao “đạo nhạc” một thời. Chat với Mozart của Mỹ Linh thậm chí còn bị nhiều nhạc sĩ phồng mang trợn má bảo “không được phái sinh” vì xúc-phạm-thần-tượng. Công Chúa Bong Bóng của Bảo Thy lấy một đoạn ngắn từ Canon in D của Pachelbel thì may mắn hơn khi không nhiều người lắm để ý tới.

“Thật” là quan trọng

Thật ra đó là một cách dịch chủ quan tiêu đề vở hài kịch trứ danh của Oscar Wilde The Importance of Being Earnest hiện đang công diễn tại TP. HCM. Nhân vật chính, Jack Worthing sau cả cuộc đời năm cố gắng lừa dối mọi người bằng một danh tính giả mạo, sống cuộc sống song song dưới một cái tên khác sang trọng hơn là Earnest - có nghĩa là Thành thật - rốt cuộc đã tìm thấy được tên thật của mình đích thị là Ernest. Tay ôm ý trung nhân thắm thiết, anh thốt lên: “I've now realized for the first time in my life the vital Importance of Being Earnest.” trong câu thoại cuối cùng trong vở.

Ngay từ những giờ (thậm chí phút) - quá chậm so với thời đại mega-connectivity hiện nay - nghi án đạo nhạc được dấy lên, thì trên linkhay đã có một comment như sau: “Các bạn vừa sống ở chỗ nghệ sĩ thiếu thói quen để credit còn ko mua đĩa gốc của xứ người lấy tư cách gì nói câu đạo nhạc”. Điều này nói lên được gì?

Trước hết, đó là nền văn hóa leak, nhưng tạm khoan bàn về mặt đạo đức hiển hiện khi thành quả lao động sáng tạo của người nghệ sĩ chân chính bị tung ra cho công chúng trước ngày phát hành, vì nền văn hóa leak này bám rễ từ nước họ và tình cờ xọ vào nước ta. Album Coldplay chính thức ra mắt vào ngày 19 tháng 10, nhưng ở một số quốc gia ngày phát hành còn dời thêm đôi ba ngày nữa, nhưng nghi án đã diễn ra từ trước đó khi toàn thể những tín đồ âm nhạc bắt đầu nghiến ngấu bản leak.

Thế nên, có lẽ điểm nhấn còn lại quan trọng hơn: văn hóa để credit, tức tri nhận thành quả lao động sáng tạo của người nghệ sĩ chân chính sau ngày phát hành (là một việc làm chân chính). Vì nền văn hóa credit này năm thì mười họa mới bám rễ vào đạo đức nghề nghiệp, và người sáng tác (hơn là chính người ca-nghệ sĩ) chủ động tri ân những người khơi gợi cảm hứng cho họ. Thanh Phương, theo trả lời phỏng vấn, hùng hồn tuyên bố “câu lead chủ đạo là của tôi” cho nhạc phẩm tranh cãi Ra Ngõ Tụng Kinh, càng củng cố vào niềm hy vọng không chỉ nghệ sĩ Việt mới đạo nhạc vừa được thổi bừng bừng của công chúng yêu nước hơn yêu nhạc. Trên booklet album Mylo Xyloto, họ ghi như sau:

Không cần dài dòng về nguồn gốc xuất xứ của Takk và ban nhạc Iceland Sigur Ros, cùng nơi xuất thân của siêu sao nhạc-khó-nghe Bjork mà Hà Trần được ưu ái so sánh cùng. Cũng không cần phải thách thức nhau có nghe ra câu lead trong Princess of China từ sample Takk của Sigur Ros làm gì. Bởi vì?

Thật, hay Earnest mới là quan trọng. Nghệ thuật, cũng theo một câu trích dẫn nổi tiếng của Wilde, là thứ duy nhất nghiêm túc trên thế gian này, còn nghệ sĩ là kẻ chẳng bao giờ nghiêm túc cả [1]. Bạn có tin Thanh Phương, Hà Trần hay biết đâu chính Coldplay cũng đang đùa? Phần hòa âm album cùng tên Ra Ngõ Tụng Kinh của Hà Trần được thực hiện ở Mỹ, và chúng ta có khúc ca Đốn củi của thổ dân Tomahawk, mà đội bóng chày Atlanta Braves (thành lập từ năm 1871) ở bang Georgia ở Mỹ sử dụng, như sau:

Có lẽ các nghệ sĩ chân chính của chúng ta đang đùa thật. Vì chính cái tên Braves cũng được đặt theo tên một chiến binh da đỏ.

[1] Art is the only serious thing in the world. And the artist is the only person who is never serious. Trích từ “Vài châm ngôn cho việc dạy dỗ những kẻ thừa-học-thức”

M!osaic Team

Nguồn M-Mosaic: http://m-mosaic.com/tin-tuc/nghi-coldplay-dao-nhac-ha-tran-tung-kinh-gi-noi-ngo-lon