Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh

Nhằm thu hút chủ lực địch, chủ yếu là quân Mỹ ra Đường số 9, tiêu diệt một bộ phận, vây hãm và giam chân tiêu hao chúng, tạo điều kiện cho cuộc tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam giành thắng lợi, đầu năm 1968, ta mở Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh.

Sau gần 6 tháng (15-7-1968 kết thúc), với 4 đợt tiến công và nhiều trận chiến đấu vây hãm, vây lấn, đánh địch giải tỏa, ta đã giành thắng lợi lớn khi loại khỏi vòng chiến đấu 11.900 tên địch (chủ yếu là lính Mỹ), bắn rơi và bắn cháy 197 máy bay và nhiều phương tiện chiến tranh khác, giải phóng huyện Hướng Hóa với gần 10.000 dân, mở rộng hành lang chiến lược Bắc-Nam. Thắng lợi của chiến dịch góp phần quan trọng làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, đánh dấu bước phát triển nghệ thuật quân sự trên cả 3 lĩnh vực: Chỉ đạo chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Quân giải phóng đánh chiếm các mục tiêu của địch trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, năm 1968. Ảnh tư liệu

Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã luôn giành thế chủ động, quán triệt tư tưởng tích cực tiến công, nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu, đề ra chủ trương đúng đắn, sáng tạo, thể hiện sự mưu lược ở cả hai hướng tiến công. Đòn tiến công của bộ đội chủ lực tại chiến trường có lợi (chủ yếu là vùng rừng núi), nhằm kéo đại bộ phận lực lượng cơ động của địch (chủ yếu là quân Mỹ) ra vòng ngoài, thực hiện giam chân, đánh tiêu hao, tiêu diệt lớn, làm phá sản chiến lược quân sự “tìm diệt” của Mỹ. Đòn tiến công tổng hợp (kết hợp chặt chẽ quân sự, chính trị, binh vận), tiến công vào các đô thị, nơi có cơ quan đầu não và hậu cứ an toàn của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, nhằm giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta.

Để thực hiện quyết tâm chiến dịch, ta sử dụng một lực lượng lớn quân chủ lực gồm các sư đoàn bộ binh 304, 320, 324, 325 (từ tháng 5-1968, Sư đoàn 308 và Trung đoàn 246 vào thay cho các Sư đoàn 324 và 325 chuyển chiến trường khác), Trung đoàn 270 (Vĩnh Linh), 2 tiểu đoàn địa phương tỉnh Quảng Trị, cùng các đơn vị đặc công, pháo binh, pháo phòng không, xe tăng, thông tin, trinh sát, hóa học, công binh... Đây là lần đầu tiên ta tổ chức chiến dịch hiệp đồng có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều binh chủng, tác chiến trên địa bàn rộng.

Cùng với đó là chọn hướng tiến công chủ yếu chính xác, đáp ứng yêu cầu cấp chiến dịch và cấp chiến lược. Nhằm thực hiện ý định kéo quân Mỹ và giam chân một bộ phận quan trọng sinh lực địch tại tuyến phòng thủ Đường 9-Khe Sanh, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định chọn hướng Tây là hướng tiến công chủ yếu, hướng này địch yếu hơn, dễ bị bao vây, cô lập; địa hình ở đây là rừng núi hiểm trở, tiếp giáp giữa hai vùng là dải đất trung du gồm nhiều dãy đồi bát úp kế tiếp nhau, hạn chế được nhiều chỗ mạnh của địch.

Chọn hướng Tây ta tạo được yếu tố bất ngờ, giành lại thế chủ động để phối hợp với các chiến trường khác và phát huy được cách đánh sở trường để tiêu hao, tiêu diệt quận lỵ Hướng Hóa, cụm cứ điểm Huội San, điểm cao 832, bao vây cứ điểm Làng Vây đánh viện ở Tây và Nam Tà Cơn. Hướng quan trọng là hướng Đông, diệt 1 đến 2 cứ điểm mạnh của địch trên Đường 75; bao vây Cồn Tiên, Dốc Miếu, cắt giao thông đoạn Cam Lộ-Cà Lu; đánh viện ở khu vực Quán Ngang, Dốc Miếu và Tây Nam Đông Hà.

Phương châm tác chiến: Vây hãm, tiêu hao địch trong căn cứ, lấy tiến công địch ngoài công sự, ngoài căn cứ là chính, chỉ đánh địch trong công sự khi cần thiết và chắc thắng. Đối với những cứ điểm riêng lẻ (tương đương tiểu đoàn), dùng phương pháp tiến công hiệp đồng binh chủng, dứt điểm trong thời gian ngắn. Thực hiện phương châm đó, ta thực hành tiến công địch ở Hướng Hóa và điểm cao 832 nhằm “khêu ngòi”, kéo viện binh địch lên Khe Sanh để tiêu diệt chúng ngoài công sự, sau đó chuyển sang vây hãm Tà Cơn để kéo viện binh đối phương ra giải tỏa.

Trong số 11.900 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, có đến khoảng 10.000 tên bị loại ngay trong lúc đang vận động hoặc tạm dừng. Điển hình là trận Làng Vây (đêm 6-2-1968), trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên ở chiến trường miền Nam, ta thực hiện tiến công đột phá vào trận địa phòng ngự địch bằng hiệp đồng binh chủng, pháo binh chiến dịch bắn chuẩn bị, chi viện cho bộ binh xung phong, đánh quân địch rút chạy; công binh mở cửa cho bộ binh, xe tăng xung phong; xe tăng lần đầu tiên xuất trận, dẫn bộ binh xung phong và hiệp đồng với bộ binh tiêu diệt địch trong cứ điểm.

Về chiến thuật, quân ta vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật phù hợp với từng trạng thái quân địch. Trên cơ sở phân tích, so sánh lực lượng quân Mỹ có ưu thế lớn về binh chủng kỹ thuật, nhất là không quân và thiết giáp, ta vận dụng chiến thuật tiến công hiệp đồng binh chủng, dứt điểm trong thời gian ngắn. Thực hiện bao vây tiến công địch trong công sự vững chắc, ta vận dụng thành công chiến thuật chốt giữ cầm chân địch, tạo thế cho những trận vận động tiến công địch ở hướng Đông hoặc chốt giữ, kết hợp vận động tiến công, đánh quân địch đổ bộ đường không ngay khi chúng mới tiếp đất hoặc tập kích ngay trong đêm khi địch lâm thời dừng lại trú quân và đánh quân địch tỏa ra lùng sục, với các thủ đoạn đánh gần, đánh đêm, thọc sâu, chia cắt, bao vây, vu hồi hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch.

Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh Xuân Hè 1968 vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, phát triển cho phù hợp với điều kiện mới và vận dụng sáng tạo vào xây dựng, phát triển nền nghệ thuật quân sự hiện đại, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh công nghệ cao, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

ĐÀO VĂN ĐỆ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-quan-su-trong-chien-dich-duong-9-khe-sanh-735651