Nghệ thuật đặt tít thời báo chí số

Đổi mới sáng tạo là đòi hỏi tất yếu của mỗi tòa soạn để 'giữ chân', thu hút độc giả. Tuy nhiên, tùy tiện, cẩu thả hay giật tít 'câu view' bằng những chi tiết gây sốc, tối nghĩa có thể trở thành con dao hai lưỡi.

Nhà báo Phạm Phương

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cũng như nhu cầu cao từ độc giả, báo chí điện tử đang có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Trong các yếu tố cấu thành nên một tác phẩm báo chí thì tít là thành tố đầu tiên tạo ấn tượng cho độc giả. Ngày nay, với việc phát hành tin, bài trên môi trường Internet, đặc biệt là qua các thiết bị “smartphone” (điện thoại thông minh), tít càng có ý nghĩa quan trọng khi nó là yếu tố tiên quyết sự lựa chọn của người đọc: “click” hay không “click” chuột. Chính vì thế, trong quá trình giành thị phần, các nhà báo, các cơ quan báo chí luôn ý thức viết tít thật hay, thật hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của độc giả.

Đặt tên cho một tác phẩm báo chí luôn là sự trăn trở của mỗi nhà báo dù ở loại hình báo chí nào. Bài báo rất hay nhưng tiêu đề dở có thể làm mất ít nhất một nửa số độc giả. Để đạt hiệu quả cao, ngoài chăm chỉ “cày cuốc” trên cánh đồng thông tin ngồn ngộn, rèn kỹ năng nghề, cách tiếp cận, khai thác thông tin nhanh, chính xác thì còn phải “vắt óc” để nghĩ ra một cái tít độc đáo mới thu hút được bạn đọc. Tuy nhiên, rất khó để có một tiêu chuẩn chung trong việc rút tít. Việc đặt tít như thế nào còn phải phụ thuộc vào thị hiếu của độc giả, tôn chỉ mục đích mà tờ báo hướng đến.

Ví dụ như trong mảng khí tượng thủy văn, khi tác nghiệp liên quan đến sự kiện thiên tai, bão lũ không thể tránh được những thiệt hại về tài sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người điều này đòi hỏi phóng viên không những phải nhanh còn phải “nhạy” trong việc xử lý, rút tít thế nào để làm nổi lên những thiệt hại nhưng không lạnh lùng, vô cảm. Hoặc một trang báo cho giới trẻ mà lại rút tít quá nghiêm túc, mô phạm sẽ rất khó để thu hút độc giả, và đó cũng không được coi là tít hay.

Lý thuyết là thế, nhưng giữa chuyện viết, biên tập tít vừa hay, vừa hấp dẫn, vừa chính xác, vừa khách quan không phải lúc nào cũng tìm được điểm cân bằng. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, độc giả báo mạng nói chung trên thế giới thích tít có tính từ, trạng từ, động từ, từ cảm thán, bởi chúng như những tiêu chí kích thích độc giả vào đọc nội dung bên trong tin bài. Vì vậy, để cạnh tranh thị phần, trên báo chí chính thống, ngày càng xuất hiện nhiều những tít bài cố tình gây sốc, tối nghĩa khiến độc giả bức xúc, đánh đồng các nhà báo là kém cỏi, thiếu trách nhiệm…

Đặt tên cho một tác phẩm báo chí luôn là sự trăn trở của mỗi nhà báo dù ở loại hình báo chí nào

Khách quan mà nói, báo chí đang đứng trước nhiều thách thức. Sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội đặt các cơ quan báo chí trước sức ép lớn phải “giữ chân” độc giả, điều này liên quan trực tiếp đến doanh thu quảng cáo, nguồn sống của báo chí. Áp lực tít bài đủ giật gân để nhiều người “click” chuột vào hay không… cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến ngòi bút của nhiều phóng viên bị lung lay, chệch hướng; đôi khi bất chấp đạo đức nghề nghiệp phóng viên buộc phải nghĩ ra những cái tít “giật gân” nhằm “câu khách”.

Mục tiêu cao cả của báo chí là hướng đến sự nhân văn. Báo chí với vai trò định hướng dư luận. Vì vậy mỗi tin bài viết ra, đưa tới cho công chúng đều có những tác động không nhỏ đến suy nghĩ, cách nhìn của độc giả. Đặt tít và biên tập tít là nghệ thuật. Cái tít dù có dung lượng ngắn nhưng đó là sản phẩm lao động nặng nhọc. Viết tít nói riêng và làm báo nói chung, nếu xuất phát từ cái tâm trong sáng, từ tinh thần phục vụ công chúng, từ lợi ích quốc gia, dân tộc, sẽ khó xảy ra sai phạm. Nhưng khi nhà báo giật tít chỉ vì mục đích để “câu view” thì khó có thể tránh khỏi tình trạng vi phạm đạo đức báo chí, thậm chí, vi phạm pháp luật!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nghe-thuat-dat-tit-thoi-bao-chi-so-post543553.antd